Trang chủ    Tin tức    Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016; triển khai góp ý sửa đổi, bổ sung quy định đạo đức người làm báo Việt Nam
Thứ sáu, 15 Tháng 7 2016 22:41
1969 Lượt xem

Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016; triển khai góp ý sửa đổi, bổ sung quy định đạo đức người làm báo Việt Nam

(LLCT) - Ngày 14-7-2016, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016, góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam

(Toàn cảnh Hội nghị)

Dự Hội nghị có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trương Minh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

 

THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG BÁO CHÍ ĐẾN 31-12-2015

Cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí (521 tạp chí trung ương, 137 tạp chí địa phương), 01 hãng thông tấn quốc gia. 

Có 105 báo, tạp chí điện tử (tăng 7 báo so với năm 2014). Trong đó có 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập. Tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép là 248. Trong 5 năm (2010-2015), tăng 44 cơ quan báo chí điện tử.

Cả nước có 67 đài phát thanh truyền hình (2 đài quốc gia là: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trước đây thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, nay trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam; 64 đài địa phương).

(Dẫn theo: mci.gov.vn) 

 

Phát biểu tại khai mạc Hội nghị, đồng chí Thuận Hữu nêu rõ: Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5-4-2016, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Luật báo chí sửa đổi được thông qua đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và toàn xã hội. Luật Báo chí sửa đổi 2016 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Việc sửa đổi và ban hành Luật báo chí 2016 khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với công tác báo chí, đồng thời cũng trao trách nhiệm cao cả, nặng nề cho những người làm báo Việt Nam. Đồng chí cũng nhấn mạnh: trong những năm qua, đại bộ phận nhà báo, người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt những nội dung cơ bản nhất, cốt lõi nhất các quy định của pháp luật nói chung, Luật Báo chí nói riêng cũng như thực hiện chức năng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với nhân dân; đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội… thực sự góp phần dự báo, đón đầu các sự kiện và xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, một số hiện tượng: thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan; thương mại hoá bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, thiếu văn hoá, thiếu tính thẩm mỹ và phản giáo dục; tình trạng nhà báo lạm quyền và cửa quyền… ngày càng gia tăng.

 

THỐNG KÊ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, PHÓNG VIÊN VÀ NGUỒN NHÂN LỰC BÁO CHÍ ĐẾN 31-12-2015

Cả nước có trên 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ (tăng 1.500 người so với năm 2011) và trên 5 nghìn phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng trên 35 nghìn người (tăng trên 3 nghìn người so với năm 2011).

(Dẫn theo: mci.gov.vn) 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh vấn đề đạo đức của người làm báo trong thời đại số và cho rằng, Quy định đạo đức người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng phải là Quy tắc mang tính chất nền tảng, là cơ sở để các đơn vị và cơ quan báo chí xây dựng bộ quy tắc riêng cho mình.

Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Hữu Lượng, Nguyên Cục trưởng Cục Báo chí, Thành viên Ban soạn thảo Luật Báo chí 2016, đã giới thiệu tóm tắt quá trình xây dựng và nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật Báo chí 2016. Theo đó, Luật Báo chí 2016 có 6 chương 61 điều, trong đó có một số điểm mới: quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; mở rộng đối tượng thành lập các cơ quan báo chí; bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí; về quyền tác nghiệp của báo chí, về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; quy định quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo; về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; một số quy định mới về cải chính như: Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát…

 

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền