Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý II năm 2016
Thứ ba, 19 Tháng 7 2016 16:09
1728 Lượt xem

Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý II năm 2016

(LLCT) - Chiều ngày 14-7-2016, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II  2016. Đây là báo cáo trong chuỗi Báo cáo được Bộ Ngoại giao và Thương mại Ôx-trây-lia (DFAT) hỗ trợ trong khuôn khổ Dự án “Báo cáo Đánh giá Kinh tế vĩ mô Độc lập”.

Từ năm 2016, VEPR đã bắt đầu công bố rộng rãi, định kỳ Báo cáo Kinh tế Vĩ mô hàng Quý nhằm cập nhật và thảo luận kịp thời những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam. Đây là diễn đàn nhằm hỗ trợ cơ quan báo chí thông tin một cách chân thực, hiệu quả đến công chúng.

Mở đầu buổi Tọa đàm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách,  trình bày tóm tắt Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II 2016. Theo đó, Kinh tế thế giới Quý 2 chịu ảnh hưởng lớn của sự kiện Vương Quốc Anh quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý (Brexit). Đặc biệt, Fed có nhiều khả năng sẽ không thay đổi mức lãi suất cơ bản trong năm nay nhằm ứng phó với môi trường bất định hơn của nền kinh tế toàn cầu. Giá cả hàng hóa cơ bản và các mặt hàng năng lượng tiếp tục hồi phục.

Trong nước, tăng trưởng kinh tế Quý II tiếp tục gây thất vọng khi chỉ đạt 5,52%. Sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong khi khu vực dịch vụ vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Khu vực khai khoáng giảm đáng kể. Sản xuất công nghiệp suy giảm khiến tình hình tăng trưởng nửa đầu năm nay không đạt được như kỳ vọng. Dù tăng trưởng thương mại Qúy II dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn FDI, nhưng VEPR tiếp tục khẳng định mục tiêu tăng trưởng 6,7% là không thể đạt được. Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI của VEPR đạt 5,19%, cao hơn mức tăng trong Quý I những vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong năm 2015. Lạm phát trong nước theo tháng tăng cao nhất trong sáu năm trở lại đây, chủ yếu do nhóm các mặt hàng liên quan tới năng lượng. Áp lực lạm phát đã không chỉ đến từ việc điều chỉnh giá các dịch vụ công, mà còn bởi xu hướng tăng trở lại của giá dầu thô cũng như hàng hóa cơ bản khác.

Tuy vậy, kinh tế Quý II vẫn có nhưng điểm sáng nhất định. Chính phủ có những bước đi vững chắc trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Nhờ đó, có tới 41,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý II khả quan hơn so với Quý trước, trong khi Quý I chỉ có 29,2% doanh nghiệp có nhận định này. Số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới cũng như số vốn đăng ký trung bình tăng mạnh với gần 31 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 16,6% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, chỉ có 322.900 việc làm được tạo ra trong các doanh nghiệp mới, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Phiên thảo luận giữa các chuyên gia và báo chí diễn ra sôi nổi. Đại diện các cơ quan báo chí và truyền thông đặt nhiều câu hỏi liên quan tới các vấn đề kinh tế vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng, đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng,...

Một số vấn đề cụ thể: hiện tượng cá chết Hà Tĩnh, hạn hán tại Đồng bằng Sông Cửu Long, tăng trưởng xuất khẩu,... được đề cập với nhiều cách lý giải cụ thể, sâu sắc.

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền