Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Nông nghiệp an toàn, giải pháp thúc đẩy trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp"
Thứ ba, 19 Tháng 7 2016 16:53
3200 Lượt xem

Hội thảo “Nông nghiệp an toàn, giải pháp thúc đẩy trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp"

(LLCT) - Ngày 15-7-2016, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo "Nông nghiệp an toàn, giải pháp thúc đẩy trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp".

Tham dự Hội thảo có các đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự Hội thảo còn có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Xuân Đương khẳng định: Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong những năm qua, nền nông nghiệp nước nhà đã liên tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vấn đề thực phẩm không an toàn đã, đang và sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, sinh kế, đời sống và sức khỏe của người dân, thậm chí là giống nòi Việt Nam. Để nâng cao chất lượng nông sản, năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế thì vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm đã được đặt ra như một nhiệm vụ chiến lược trong chiến lược phát triển bền vững ở nước ta.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày các tham luận xung quanh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nông nghiệp an toàn và vai trò của truyền thông trong vấn đề đó.

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khi bàn về vai trò của truyền thông trong bảo đảm an toàn thực phẩm,  cho rằng: báo chí truyền thông có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã từ lâu, thực phẩm bẩn làm đau đầu các nhà quản lý và gây hoang mang cho người tiêu dùng. Nhiều biện pháp được triển khai nhưng chưa giải quyết được vấn đề trong khi thực phẩm bẩn đang ảnh hưởng đến thể chất và giống nòi Việt Nam. Do đó, báo chí và truyền thông cần quyết liệt vào cuộc trong công tác này và thể hiện rõ hơn nữa vai trò, vị trí của mình.

Đồng chí Phùng Hữu Hào, phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,cho rằng, nguyên nhân của những bất cập trong đề an toàn thực phẩm, trong đó coa thực phẩm bẩn là: một số quy chuẩn chưa ra soát kịp thời, ban hành đầy đủ, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Việc phân công, phân cấp tuyến huyện, xã chưa rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của một số địa phương còn hạn chế, chưa gắn kết giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, không công khai đầy đủ kết quả kiểm tra… Để khắc phục, cần triển khai một số giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức đa dạng như tờ rơi, pano, áp phích, phát thanh… Cần tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm, nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh như chợ, lò giết mổ…

Bà Võ Ngân Giang, đại diện tổ chức Lương thực và Nông nghiệp quốc tế ( FAO) tại Việt Nam, cho rằng, do dân số bùng nổ, tầng lớp trung lưu tăng lên, nên nhu cầu thực phẩm càng phát triển nhanh chóng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Do đó, cần truy xuất nguồn gốc thực phẩm của người tiêu dùng và kiểm chứng sản phẩm sạch của các nhà cung cấp để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới (Mỹ, Canada, Nhật…), Việt Nam cần quan tâm đến việc cân bằng các mục tiêu như sinh kế, an ninh lương thực, môi trường và tài nguyên thiên nhiên với mục tiêu phát triển. Đặc biệt, cần ưu tiên đảm bảo sức khỏe con người.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm, để sản xuất ra nhiều mặt hàng thực phảm sạch phục vụ đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền