Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Nền kinh tế tuần hoàn: Hướng tiếp cận mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường”
Thứ bảy, 30 Tháng 7 2016 06:17
3332 Lượt xem

Hội thảo “Nền kinh tế tuần hoàn: Hướng tiếp cận mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường”

(LLCT) –  Ngày 27-7-2016, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Nền kinh tế tuần hoàn: Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường”. Tham dự có hơn hơn 100 đại biểu đại diện các bộ ngành, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: sự quan tâm, chủ động tìm hiểu của doanh nghiệp về đổi mới phương thức kinh doanh thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc gia tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất. Điều này góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật về môi trường có ý nghĩa quan trọng để gia tăng khả năng cạnh tranh, củng cố hình ảnh và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Theo PGS,TS Huỳnh Trung Hải, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện nay, các doanh nghiệp tái chế ở Việt Nam chưa thực sự được hỗ trợ bởi một khung pháp lý phù hợp, đặc biệt là trong các vấn đề giám sát sản xuất, giám sát hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp. Ngược lại, các doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn với các cơ quan quản lý do sự nhạy cảm của ngành nghề. Thực tế trên cũng đặt ra yêu cầu hướng tới hoạt động sản xuất sạch, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên. Do đó, xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn mà ở đó, mọi hoạt động sản xuất được thực hiện theo một chu trình khép kín, không chỉ nhằm giảm thiểu mọi tác động tiêu cực tới môi trường, mà còn bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người đang là mục tiêu hướng tới của nước ta.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Sebastian Egerton-Read, Điều phối viên Quỹ Ellen MacArthur, cho rằng: Có bốn trụ cột nền tảng trong nền kinh tế tuần hoàn mà các doanh nghiệp cần phải xác định trước khi triển khai thực hiện. Đó là: thiết kế và sản xuất tuần hoàn; các mô hình kinh doanh mới; xác định chu kỳ ngược và đánh giá được tác nhân hỗ trợ, cũng như các điều kiện hệ thống thuận lợi để triển khai chu trình khép kín này.

Bà Linda Zhu, Tổng Giám đốc phát triển bền vững Công ty Dow Chemical, nêu rõ: chất thải đang đe dọa nghiêm trọng cả hành tinh. Do đó, cần có một nền kinh tế tuần hoàn để thay đổi điều này. Sự đầu tư, đổi mới công nghệ và sự đồng thuận giữa Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp nhằm tái sử dụng các nguồn lực hiệu quả không chỉ tốt cho môi trường mà còn tốt cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Tham luận tại Hội thảo, ông Sasama Tomoyuki, Tổng Giám đốc Công ty Dow tại Việt Nam, khẳng định: quá trình chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết để tiến tới mức tiêu thụ bền vững vì các nguyên liệu vốn trước đây được coi là chất thải có khả năng được biến thành các sản phẩm mới, phục vụ cho đời sống. Việc bảo tồn và tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng và tái sử dụng các nguồn lực, cũng như giảm lượng chất thải mà đáng ra cần phải được xử lý thông qua việc chôn lấp.Đáng chú ý, những phát minh trong ngành  hóa học đã giúp chuyển đổi chất thải thành nguyên liệu phong phú.

Tại Hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: nguyên lý của kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Việc xây dựng nền kinh tế này là khá khó khăn bởi đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa (khoảng 95%), thiếu cả nguồn vốn, nguồn nhân lực và khả năng đổi mới để áp dụng nguyên lý của kinh tế tuần hoàn.  Để thúc đẩy nền kinh tế này, yếu tố quan trọng hàng đầu là tạo ra và vận hành một cơ chế chính sách khuyến khích các hoạt động có lợi cho môi trường, cho xã hội và có chế tài xử lý nghiêm minh những hành động gây hại.

Trước vấn đề rác thải công nghiệp và sinh hoạt sả trực tiếp ra môi trường không thông qua xử lý; hoạt động khai thác khoáng sản thiếu sự quản lý chặt chẽ ở các địa phương; việc thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất công nghiệp,…đúng quy chuẩn còn thấp; tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan… làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, sức khỏe con người hiện nay, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực này.

Kết thúc Hội thảo, Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI, khẳng định: tình trạng chất thải chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường đã và đang trở thành vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, có khả năng biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai nhằm bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững là vô cùng quan trọng.Việc xây dựng và đẩy mạnh được nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách khuyến khích cách hoạt động có lợi cho xã hội, cũng như các chế tài xử phạt những hành vi vi phạm gây hại cho môi trường và cộng đồng.

Hoa Mai

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền