Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”
Thứ sáu, 05 Tháng 8 2016 15:54
3252 Lượt xem

Hội thảo “Xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”

(LLCT) - Sáng 3-8-2016, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.  Hội thảo là một nội dung trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam” do Chính phủ Ốtxtrâylia tài trợ. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Giám đốc dự án chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đại biểu từ Đại sứ quán Ốtxtrâylia tại Việt Nam, Ủy ban Năng suất Ốtxtrâylia cùng các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Việt Nam đã tiến hành cải cách kinh tế 30 năm, hiện nay dư địa cải cách đã chạm trần. Do vậy, muốn tăng trưởng, chúng ta phải dỡ trần để tạo ra tăng trưởng mới. Cốt lõi của cải cách kinh tế lần hai là tập trung xây dựng chính sách cạnh tranh. Chính phủ đã giao cho CIEM đến năm 2017 phải trình đề án chính sách cạnh tranh toàn diện. Đây là một kịch bản cải cách mới cho nền kinh tế nước ta trong giai đoạn tới.

Ngài Layton Pike, Phó Đại sứ Ốtxtrâylia tại Việt Nam cho rằng: Chính sách cạnh tranh và thể chế thị trường đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại Việt Nam. Cạnh tranh là yếu tố không thể thiếu, góp phần thúc đẩy đầu tư, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, nhất là khi Việt Nam và Ốtxtrâylia đã là thành viên của TPP. Những kinh nghiệm trong rà soát chính sách cạnh tranh của Ốtxtrâylia có thể đem lại những thông tin quý giá cho Việt Nam, nhằm tạo ra sự thay đổi cho Luật cạnh tranh Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, bà Lachlan Rosalie, Phó chủ nhiệm Ủy ban Năng suất Ốtxtrâylia đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc rà soát chính sách cạnh tranh của quốc gia này. Bà Rosalie khẳng định: Cạnh tranh là yếu tố cơ bản và cốt lõi trong thúc đẩy kinh tế, giúp tăng cường lợi ích cho doanh nghiệp. Việc rà soát chính sách cạnh tranh lần đầu năm 1993 đã mang lại nhiều hiệu quả, là nền tảng cho lần rà soát thứ hai năm 2014-2015.

Kinh nghiệm của Ốtxtrâylia cho thấy, những năm 1970, 1980, kinh tế Ốtxtrâylia suy thoái, năng suất lao động thấp, thị trường vốn và lao động bị hạn chế, các DNNN hoạt động kém hiệu quả, có quá nhiều quy định phức tạp đặt ra đối với các doanh nghiệp. Thực tiễn đó đòi hỏi Ốtxtrâylia phải cải cách hệ thống chính sách cạnh tranh nhằm vực dậy nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Ủy ban năng suất Ốtxtrâylia đã đưa ra 6 nguyên tắc cốt lõi để rà soát chính sách cạnh tranh. Các nguyên tắc này được Chính phủ Ốtxtrâylia chính thức thừa nhận năm 1995, và là bước quan trọng đầu tiên để cải cách chính sách cạnh tranh của Ốtxtrâylia.

Theo bà Lachlan Rosalie, trong bộ 6 nguyên tắc nói trên, có 2 nguyên tắc được đánh giá là đặc biệt phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay. Thứ nhất, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các DNNN và doanh nghiệp tư nhân. Việc các DNNN nhận được nhiều ưu đãi đã gây ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN cũng như doanh nghiệp tư nhân, cần xây dựng một hệ thống chính sách bình đẳng, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. Thứ hai, cải cách các quy định hạn chế cạnh tranh. Nhà nước cần tiến hành sửa đổi, thậm chí loại bỏ những quy định không còn phù hợp, gây cản trở đối với việc thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường.

Trên thực tế, việc rà soát, hoàn thiện chính sách cạnh tranh quốc gia đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Ốtxtrâylia. Trên cơ sở đó, Ốtxtrâylia tiến hành rà soát chính sách cạnh tranh lần thứ hai - chính sách “Rễ và cành” năm 2014. Trong cuộc cải cách này, Ủy ban Năng suất quốc gia đã đưa khuyến nghị về 3 lĩnh vực chính là: chính sách cạnh tranh, luật cạnh tranh, và thể chế cạnh tranh.

Đại diện của Ủy ban Năng suất Ốtxtrâylia nhận xét yếu tố làm nên thành công của chương trình cải cách chính sách, đó là: vai trò tích cực của Chính phủ trong thống nhất nguyên tắc và cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề về chính sách cạnh tranh; cơ cấu và sắp xếp thể chế, loại bỏ được các thể chế hạn chế cạnh tranh; và thành lập được tổ chức độc lập để giám sát cuộc cải cách. Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể vận dụng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm, ý kiến về thực trạng cạnh tranh trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay và đưa ra các đề xuất định hướng.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, hiện vẫn tồn tại tình trạng cạnh tranh không công bằng, thí dụ xu hướng mua đắt, bán rẻ, đi ngược lại quy luật chung. Điều này gây ra những tín hiệu thị trường sai lệch, làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực… Để khắc phục tình trạng trên, cần thực hiện nguyên tắc cạnh tranh trung lập với các nội dung về thuế, nợ, lãi suất, trung lập về quản lý cũng như quy trình.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ đánh giá: Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng, nếu không đẩy mạnh cải cách thì doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh, ngay cả trên sân nhà. Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh, trong đó nguyên tắc cốt lõi của cạnh tranh là chống độc quyền, hạn chế hành vi độc quyền định giá.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đầu năm 2016, trong 140 nền kinh tế, Việt Nam xếp thứ 71 về cạnh tranh trên thị trường nội địa, thứ 64 về mức độ chi phối thị trường, và thứ 71 về hiệu quả chống độc quyền.

Thùy Linh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền