Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: “Sự kiện nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và tác động tới Việt Nam”
Thứ hai, 15 Tháng 8 2016 15:05
3408 Lượt xem

Hội thảo khoa học: “Sự kiện nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và tác động tới Việt Nam”

(LLCT) - Ngày 12-8-2016, tại Hà Nội, Viện Kinh tế chính trị học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo “Sự kiện nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và tác động tới Việt Nam”.Hội thảo nhận được sự quan tâm tham dự của nhiều nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Phát biểu đề dẫn, PGS,TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học nêu rõ: Sự kiện Brexitđã gây ra sự bất ngờ lớn đối với nhiều chính phủ và trên thực tế đã có những tác động tới kinh tế, chính trị trên thế giới. Ngay khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố với 51,89% ủng hộ, Brexit đã có những ảnh hưởng tới thị trường tài chính thế giới, tình hình chính trị EU và Anh. Nếu Brexit không được giải quyết một cách hợp lý thì có thể sẽ làm tăng thêm sự bất ổn tại khu vực châu Âu, từ đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi trước những tác động này.  

Do đó, cần nhanh chóng nghiên cứu để hoạch định chính sách hội nhập của đất nước một cách phù hợp, hiệu quả.

Tại Hội thảo,  các nhà khoa học đã tập trung làm rõ một số vấn đề chủ yếu sau:

Về căn nguyên kinh tế chính trị của Brexit, nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, lợi ích kinh tế là nguyên nhân hàng đầu nhưng bên cạnh đó yếu tố chính trị và văn hóa cũng có tác động đáng kể. PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: khi lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế, bị ảnh hưởng thì mọi sự hợp sẽ tan. Với Brexit cũng vậy, xung đột, mâu thuẫn lợi ích kinh tế giữa Anh và EU không thể điều hòa nên dẫn đến “đổ vỡ”. PGS,TS Nguyễn Minh Quang chỉ ra 4 nguyên nhân: dư chấn của những tác động kinh tế, ảnh hưởng của vấn đề nhập cư, mục tiêu xóa bỏ các hàng rào pháp lý cho doanh nghiệp phát triển và do bộ máy hoạt động của EU cồng kềnh, kém hiệu quả. PGS,TS Nguyễn Khắc Thanh cho rằng: nguyên nhân hàng đầu nằm ở việc sự khác biệt rất rõ trên nhiều phương diện giữa Anh và Châu Âu nên dù anh ra nhập EU nhưng vẫn “đồng sang dị mộng”. Bên cạnh đó còn do Anh không tìm được vị trí xứng đáng trong EU như mong muốn…TS Lê Văn Chiến, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: nguyên nhân hàng đầu do bất đồng văn hóa, xung đột giá trị giữa Anh và Châu Âu và nhiều chính sách đòi hỏi sự độc lập, linh hoạt mà EU không đáp ứng được. PGS,TS Đoàn Xuân Thủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khai thác khía cạnh chính trị của sự kiện cho rằng, trong nội bộ nước Anh, người dân có ý thức chính trị cao với niềm tự hào, kiêu hãnh dân tộc lớn; các đảng phái chính trị không thống nhất quan điểm nếu có sự chia rẽ. Trong khi đó, các vấn đề chính trị quốc tế: đồng minh, quan hệ các nước lớn… cũng tác động không nhỏ. ThS Vũ Thanh Hà, Viện Nghiên cứu châu Âu, bổ sung thêm ảnh hưởng của nhân tố truyền thông chống lại EU tại Anh. Theo đó, chiến lược tuyên truyền của những người ủng hộ rời EU tại Anh rất rầm rộ, tác động lớn đến người dân nhất là những người còn chưa xác định rõ lập trường trong khi truyền thông ủng hộ việc ở lại lại gàn như không có. 

Về những tác động và xu hướng tác động của Brexit đối với các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, Brexit không ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam nhưng có nhiều hệ lụy nhất là về kinh tế. PGS,TS Nguyễn Khắc Thanh cho rằng, Brexit khiến EU yếu đi, cơ chế hoạt động phải thay đổi, tình hình tài chính thế giới biến động nhưng tiếng nói của Anh trong các tổ chức quốc tế lớn hơn. Với Việt Nam, hậu Brexit, FTA phải đàm phán lại các vấn đề liên quan đến Anh; ODA của EU vào Việt Nam sẽ giảm, ảnh hưởng đến các dự án ODA; xuất khẩu vào Anh và qua Anh gặp nhiều khó khăn… PGS,TS An Như Hải chỉ rõ những tác động của Brexit tới quan hệ thương mại giữa nước ta với Anh và với châu Âu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu vào 2 thị trường này có thể bị giảm sút do sự giảm giá tương đối của Bảng Anh và EURO…

Về khuyến nghị đối với các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để khi Brexit có hiệu lực không bị bỡ ngỡ. Để đối phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực, duy trì và phát triển quan hệ thương mại với Anh, các doanh nghiệp Việt Nam một mặt cần có chương trình hành động bài bản, kiên trì theo đuổi các đối tác tiềm năng, xây dựng lòng tin cũng như chứng minh được năng lực hợp tác và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến các quy định mà thị trường này đặt ra. Đồng thời, phải chủ động mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Chính phủ phải đồng hành, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, tiếp thị, giúp doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang Anh không phải đi qua các nước EU để tiết giảm các chi phí và thời gian.

 

Hoa Mai

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền