Trang chủ    Tin tức    Tái sản xuất xã hội tại Việt Nam: từ lý thuyết đến thực tiễn
Thứ năm, 25 Tháng 8 2016 10:11
4311 Lượt xem

Tái sản xuất xã hội tại Việt Nam: từ lý thuyết đến thực tiễn

(LLCT) Trong khuôn khổ nghiên cứu lý thuyết Tái sản xuất xã hội do Rosa Luxemburg Stifftung SEA tài trợ, ngày 22-8-2016 Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo tham vấn rà soát lý thuyết “Tái sản xuất xã hội tại Việt Nam – từ lý thuyết đến thực tiễn”. PGS, TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng chủ trì Hội thảo.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cấu trúc và các hoạt động tái sản xuất xã hội đã có nhiều biến đổi. Biến đổi cơ cấu kinh tế gắn liền với biến đổi cấu trúc xã hội diễn ra trên tất cả các cấp độ; kinh tế thị trường với những quy luật vận hành của nó là một trong những nhân tố tác động mạnh mẽ tới quá trình tái sản xuất xã hội. Làm  thế nào để xây dựng được những chiến lược phù hợp bảo đảm quá trình tái sản xuất diễn ra một cách khách quan, giảm thiếu tình trạng bất công bằng trong xã hội đang là một thách thức với hầu hết các quốc gia. Ở Việt Nam, lý luận về tái cấu trúc xã hội là cơ sở khoa học để nhận biết các hiện tượng, quy luật xã hội. Hiểu và nắm chắc lý thuyết này có ý nghĩa quan trọng, giúp các nhà quản lý xã hội trong quá trình hoạch định chính sách có thể đề ra các giải pháp phù hợp nhằm từng bước giải quyết tận gốc sự bất công bằng xã hội nói chung và bất bình đẳng giới nói riêng.

Qua quá trình nghiên cứu rà soát hệ thống lý thuyết về tái sản xuất của các tác giả quốc tế, nhóm nghiên cứu đưa ra hướng tiếp cận mới cho lý thuyết tái sản xuất,  các kết quả nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết này trong việc hoạch định chính sách tại Việt Nam.

Lấy nền tảng từ khái niệm tái sản xuất xã hội được C.Mác viết trong cuốn Tư Bản và một số cách tiếp cận về tái sản xuất xã hội của các nhà Xã hội học hiện đại (Christopher B.Doob, Pierre Bourdieu…), nhóm nghiên cứu xem xét tái sản xuất xã hội là quá trình phân bố các nguồn lực hoạt động trong các thiết chế xã hội (trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội) với những hệ lụy xã hội mà quá trình đó gây ra.

Các nguồn lực trong quá trình tái sản xuất xã hội được cấu thành bởi 4 yếu tố:

-      Vốn tài chính: bao gồm tiền lương, tiền công hoặc các trang thiết bị, côngcụ sản xuất…, có đóng góp trực tiếp (hoặc gián tiếp) vào việc có được các nguồn tài nguyên có giá trị khác nhau, đại diện cho các loại vốn còn lại; có vai trò tạo nên vốn văn hóa của con người.

-      Vốn văn hóa là hệ thống các thành tố văn hóa có thể luân chuyển và tạo ra những giá trị trao đổi trong quá trình phát triển, là một hình thức “tư bản văn hóa”. Vốn văn hóa tồn tại dưới ba hình thức chủ yếu là: Trạng thái thể hiện (các yếu tố văn hóa được thể hiện qua chủ thể - con người, những yếu tố tồn tại hiện hữu và lâu dài trong tâm trí và cơ thể của con người chủ thể văn hóa);  Trạng thái khách quan (hệ thống các yếu tố văn hóa ở dạng tồn tại hiện hữu khách quan ngoài con người); Trạng thái thể chế (những yếu tố văn hóa tổ chức thành các khuôn mẫu, định hình cho sự tồn tại và hoạt động của các yếu tố văn hóa dựa trên những khuôn mẫu đó).

-      Vốn con người, chính là việc con người đạt được những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để có được thành công theo các cách khác nhau. Vốn con người được phát triển chủ yếu tại các cơ sở giáo dục, thông qua việc lựa chọn các cá nhân, các nhóm để duy trì các mối liên hệ có giá trị.

-      Vốn xã hội là các quan hệ xã hội mà cá nhân có được thông qua việc giao lưu, tiếp xúc hoặc tham gia các nhóm, tổ chức mà có thể giúp họ theo đuổi các mục tiêu có giá trị. Vốn xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng vốn tài chính cho mỗi cá nhân.

Quá trình phân bố các nguồn lực trong tái sản xuất xã hội tác động tới các thiết chế trong xã hội, tạo nên sự phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội. Đây được xem là hệ quả của quá trình tái sản xuất xã hội.

Phân tầng xã hội là kết quả của quá trình giáo dục kết hợp với việc duy trì các thiết chế về văn hóa, chính trị và tôn giáo có trong giáo dục, gia đình và ngoài xã hội. Phân tầng xã hội chính là nền tảng, động lực; là kết quả trung gian, các hình thức biểu hiện của tái sản xuất xã hội. Phân tầng xã hội vừa có tính phổ quát, vừa có tính tất yếu trong mọi hình thái kinh tế - xã hội. Xã hội phân tầng là một tổng thể gồm những tầng lớp giai cấp có sự khác nhau về quyền lợi, quyền lực và uy tín xã hội trong cộng đồng. Phân tầng xã hội có 4 đặc trưng cơ bản: (1) là tài sản của xã hội, không phải của cá nhân. (2) được tái sản xuất từ thế hệ này sang thế hệ khác. (3) là một hiện tượng tự nhiên, tồn tại ở mọi xã hội nhưng lại đa dạng theo thời gian, không gian. (4) liên quan đến bất bình đẳng về định lượng, những quan niệm và thái độ về địa vị xã hội.  

Bất bình đẳng xã hội là thực trạng mà cá nhân, gia đình hoặc các thành viên của các tổ chức, cộng đồng có sự khác nhau trong việc tiếp cận các nguồn lực có giá trị như: của cải, thu nhập, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm. Bất bình đẳng xã hội xảy ra khi nguồn lực trong một xã hội nhất định không được phân chia đồng đều, thể hiện thông qua các chuẩn mực về phân chia nguồn lực. Bất bình đẳng xã hội vừa là kết quả của tái sản xuất xã hội, vừa là yếu tố tạo ra và thúc đẩy tái sản xuất xã hội. Bất bình đẳng biểu hiện ở nhiều chiều cạnh xã hội nhưng tập trung mang tính hệ thống ở các khía cạnh: phân chia giai cấp, phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giới.

Ở Việt Nam, tái sản xuất xã hội được tiếp cận từ góc độ xã hội theo nghĩa quá trình phân phối các nguồn lực dẫn đến việc phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội. Phân tầng xã hội được các học giả Việt Nam phân tích trên 3 phương diện: Quan hệ bất bình đẳng về sở hữu, sử dụng, phân phối của cải, đặc biệt là tư liệu sản xuất; Quan hệ bất bình đẳng về quyền lực; Quan hệ bất bình đẳng về uy tín. Các sự phân tầng này được biểu hiện ở cả hình thức hợp thức và không hợp thức. Các nghiên cứu về phân tầng xã hội ở Việt Nam cho thấy, cùng với thay đổi kinh tế, cấu trúc của xã hội có sự thay đổi theo, xã hội hình thành cấu trúc tầng bậc rõ ràng; chuyển đổi từ một xã hội mà mọi người ngang nhau sang một xã hội có nhiều tầng nấc khác nhau về mức sống, địa vị kinh tế, thu nhập, hưởng thụ văn hóa, quyền lực chính trị và uy tín xã hội.

Biến đổi cơ cấu xã hội đi liền với phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc đã làm gia tăng mạnh mẽ bất bình đẳng xã hội. Bất bình đẳng xã hội được nghiên cứu và xem xét trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa và nhiều chiều cạnh,như khu vực sinh sống (nông thôn - thành thị), vùng kinh tế, giới tính, dân tộc… Ở Việt Nam hiện nay, sự bất bình đẳng giữa nông thôn và đô thị đang được khắc sâu thêm thành sự bất bình đẳng giữa nông thôn miền núi và vùng đồng bằng. Xét trên chiều cạnh giới, phụ nữ và nam giới đang có những khác biệt đáng kể trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực cả trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và đời sống gia đình.

Các kết quả nghiên cứu rà soát lý thuyết tái sản xuất xã hội đã tìm ra căn nguyên và lý giải một cách khoa học những hệ quả của xã hội: phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội, đồng thời gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới trong hệ thống lý luận khoa học xã hội và ứng dụng thực tiễn trong việc hoạch định hệ thống chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy công bằng xã hội và bình đẳng giới ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

 

ThS Nguyễn Thị Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền