Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học quốc tế: “Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới”
Thứ sáu, 26 Tháng 8 2016 16:00
3503 Lượt xem

Hội thảo khoa học quốc tế: “Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới”

(LLCT) - Ngày 25-8-2016, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới”. Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 2 năm ngày khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, 70 năm Ngày Độc lập Ấn Độ và là sự kiện mở màn cho chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi tới Việt Nam tháng 9-2016.

Tham dự Hội thảo có PGS,TS Nguyễn Tất Giáp, PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ngài Parvathanen Harish, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, đồng chí Tôn Sinh Thành, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Ngài Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Việt - Ấn cùng đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Tất Giáp khẳng định Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử lâu đời từ hơn hai thế kỷ nay. Hai nước luôn hỗ trợ nhau trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tình bạn tin cậy, tình cảm sâu sắc mà lãnh đạo và nhân dân hai nước dành cho nhau luôn không ngừng được củng cố. Từ khi quan hệ song phương được nâng lên tầm đối tác chiến lược năm 2007, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển thực chất hơn trên mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh mới hiện nay, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác toàn diện hơn nữa, trong đó cần chú trọng tới nghiên cứu khoa học. Hội thảo là cơ hội thuận lợi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Ấn Độ, góp phần vào sự phát triển phồn vinh của hai quốc gia.

Phát biểu tại Hội thảo, Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ bày tỏ sự đánh giá cao đối với Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam, cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong việc ủng hộ nhiều hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trong thời gian qua. Ngài khẳng định các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã đặt bối cảnh mới và tầm nhìn mới của quan hệ hai nước trong khuôn khổ chính sách Hướng Đông và cách tiếp cận Hành động phía Đông của Ấn Độ, cũng như xác định tầm quan trọng của ASEAN đối với Ấn Độ về mặt lịch sử, địa lý, không gian kinh tế và chiến lược. Việt Nam là điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, hai nước đều cam kết tăng cường quan hệ đối tác song phương trong khuôn khổ hợp tác Ấn Độ - ASEAN và hợp tác sông Mekong- sông Hằng. Hiện nay, mối quan hệ đối tác chiến lược của hai nước là toàn diện, bao gồm hợp tác quốc phòng và an ninh trên mọi phương diện, hợp tác sâu rộng về kinh tế, hợp tác khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và văn hóa, giáo dục - đào tạo… Mối quan hệ đối tác này sẽ đóng góp đáng kể vào việc tăng cường sự ổn định và phát triển ở khu vực, qua đó đem lại nhiều lợi ích cho cả hai nước.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm sáng tỏ các nội dung cơ bản:

1. Bối cảnh mới, tầm nhìn mới, tác động đa chiều đến quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ

Về bối cảnh mới tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, đa số các nhà khoa học đều thống nhất rằng, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chung của thời đại; song bối cảnh thế giới và khu vực đã có những biến đổi to lớn và sâu sắc trên nhiều bình diện, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội của các quốc gia trên thế giới.

GS,TS Mạch Quang Thắng, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng bối cảnh thế giới đang biến động nhanh hơn, phức tạp hơn, các sự kiện diễn ra ken dày hơn, khó lường hơn, trong đó các biến động tiêu cực nhiều hơn tích cực.

Đồng chí Tôn Sinh Thành nhấn mạnh các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đang trở thành vấn đề lớn trên toàn cầu; chủ nghĩa khủng bố quốc tế mà nổi rõ là Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang gây ra những mối đe dọa lớn đối với an ninh thế giới. Các vấn đề tái xu thế chạy đua vũ trang, vấn đề sắc tộc, tôn giáo, khủng hoảng di cư, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường ngày càng gia tăng.

Bức tranh châu Á có nhiều biến động về chính trị, ngoại giao do sự tác động của quá trình quốc tế hóa và khu vực hóa. Châu Á vẫn là khu vực năng động nhất, song vẫn có nhiều mảng tối do Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, tăng cường yêu sách về chủ quyền Biển Đông, không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ đang thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, tạo ra sự cạnh tranh trong khu vực giữa hai cường quốc. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đang có nhiều thách thức trong đoàn kết nội khối.

Về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, các học giả khẳng định Ấn Độ luôn ủng hộ Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, cũng như trong hòa bình, xây dựng, bảo vệ đất nước.Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1972, đến năm 2007 nâng lên tầm quan hệ đối tác chiến lược. Hiện nay, hai nước đã có nhất trí cao trong việc tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược và phát triển quan hệ đối tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ; nhất trí tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh; nhất trí cao về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó, nổi bật nhất là vấn đề Biển Đông.

Trong quan điểm của Chính phủ Ấn Độ, Việt Nam là trụ cột thiết yếu ở Đông Nam Á, là nhân tố quan trọng nhất trong Chính sách Hướng Đông, nay là Hành động phía Đông của Ấn Độ.

Theo PGS,TS Thái Văn Long, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ luôn không ngừng phát triển, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, song những thành tựu trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Do đó, trong bối cảnh mới, hai bên cần thúc đẩy hợp tác tích cực hơn nữa trên nhiều mặt, theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất và trên cơ sở lợi ích lâu dài.

2. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới

Các nhà khoa học nhấn mạnh, Ấn Độ có sức nặng địa chính trị, địa kinh tế, có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, có khả năng trở thành hình mẫu về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với thể chế dân chủ lớn nhất thế giới. Quan hệ kinh tế hai nước đã có những bước phát triển đáng kể. Trong giai đoạn 2007-2015, thương mại song phương tăng gấp 5 lần từ 1 tỷ USD lên trên 5 tỷ USD, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam tăng 3 lần, đạt 570 triệu USD. Nền kinh tế hai nước có những điểm tương đồng như đều đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, đều là những nước đang phát triển, kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, đều cần vốn, thị trường, công nghệ. Trong bối cảnh hiện nay, hai nước có thể tận dụng các yếu tố chính trị, các khung pháp lý, các lợi thế do FTA và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ mang lại để đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng.

3. Bối cảnh mới, tầm nhìn mới trong quan hệ hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam - Ấn Độ

Về quan hệ hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ. Theo các học giả, nền văn hóa Việt Nam và Ấn Độ có nhiều đặc điểm tương đồng, quá trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ đã diễn ra từ lâu trong lịch sử. Đạo Phật, và sau đó là đạo Hindu đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giao lưu văn hóa giữa hai nước. Các học giả cũng phân tích chính sách phát triển văn hóa, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa của Ấn Độ, khẳng định sự hòa hợp, không xung đột của văn hóa Ấn Độ khi vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Về hợp tác phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo Việt Nam - Ấn Độ và các lĩnh vực khác. Các nhà khoa học đã tập trung phân tích thực trạng, thành tựu phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo của Ấn Độ và quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng Việt Nam cần tích cực và chủ động hợp tác hơn nữa với Ấn Độ về khoa học công nghệ, nhằm tranh thủ những thành tựu to lớn mà Ấn Độ đã đạt được trong nhiều lĩnh vực, như công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, hạt nhân, y học, công nghệ sinh học… Đồng thời, cần tăng cường hợp tác văn hóa và giáo dục, nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Ngoài ra, một số tham luận tập trung phân tích làm rõ vấn đề quyền con người trong bối cảnh đa dạng văn hóa, vấn đề bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, vai trò của đối ngoại công chúng trong phát huy sức mạnh mềm ở Ấn Độ và tác động của các lĩnh vực này đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hiện tại và tương lai…

Thùy Linh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền