Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học "Chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam: 25 năm nhìn lại"
Thứ năm, 15 Tháng 9 2016 16:25
1938 Lượt xem

Hội thảo khoa học "Chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam: 25 năm nhìn lại"

(LLCT)- Sáng 13-9-2016, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam: 25 năm nhìn lại”.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội; các đại biểu sở ban, ngành thành phố Hà Nội, Đồng Nai, Sơn La; các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS,TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay đã đạt được những thành tựu cơ bản, làm thay đổi một cách sâu sắc, toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực tôn giáo, các văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống, mang lại khởi sắc mới cho đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Cộng đồng đồng bào có tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta đã góp phần tích cực trong công tác đối ngoại của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực tôn giáo và nhân quyền với hai sự kiện tiêu biểu là Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (năm 2006) và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc thông qua Báo cáo định kỳ phổ quát rà soát  tình hình bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam chu kỳ 2/UPR (năm 2014). Tuy nhiên, trước những biến đổi phức tạp, nhanh chóng của tình hình chính trị, an ninh, văn hóa thế giới, dưới tác động của toàn cầu hóa, công tác tôn giáo và chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam đã và đang bộc lộ một số bất cập. Nhiều chủ trương của Đảng về vấn đề tôn giáo chậm được thể chế hóa để triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức: tôn giáo, tín ngưỡng có nguy cơ bị lợi dụng thành “vũ khí” tinh thần làm giảm dần vai trò chủ đạo, giá trị nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc lợi dụng vấn đề tong iaos, tín ngưỡng làm phương tiện chống phá công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Do đó, việc đánh giá thành tựu và hạn chế của việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác tôn giáo, tín ngưỡng, trên cơ sở đó góp ý, đề xuất ý kiến cho dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo là công việc quan trọng.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý khẳng định: Trong mấy thập kỷ gần đây, vấn đề tôn giáo ngày càng trở nên phức tạp trên phạm vi toàn cầu, không gian tôn giáo tương tác mạnh mẽ với không gian thế tục. Để xử lý đúng đắn những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo... Nhận thức, quan điểm và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác này có nhiều đổi mới: coi tôn giáo, tín ngưỡng là vấn đề còn tồn tại lâu dài; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Nhờ đó, trong vài thập niên trở lại đây, ở Việt Nam, các tôn giáo có sự phát triển về tín đồ, chức sắc,… Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận đều hoạt động theo đúng giáo luật và pháp luật, gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học tập trung thảo luận 2 nội dung chính.

Về kết quả 25 năm thực hiện chính sách pháp luật về tôn giáo, các nhà khoa học cho rằng, nhờ chính sách, pháp luật phù hợp nên công tác này đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác này cũng bộc lộ một số yếu kém, hạn chế cần khắc phục.

PGS,TS Nguyễn Thanh Xuân (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo, được thể hiện rõ  trên 3 nội dung: Tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài và là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo về văn hóa, về chính trị. Nhờ đó, công tác tôn giáo, tình hình tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến linh hoạt tôn giáo ổn định, tuân thủ pháp luật và gắn bó cùng dân tộc.

Tiến sỹ Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhìn nhận, tôn giáo có thể có đóng góp rất ý nghĩa đối với mở rộng phúc lợi xã hội, cung cấp dịch vụ xã hội, giáo dục và khuyến khích công dân sống có trách nhiệm hơn đối với đất nước.

PGS,TS Lê Quốc Lý, thẳng thắn nêu một số hạn chế, yếu kém trong công tác tôn giáo:  nhiều nội dung chỉ đạo của Đảng về vấn đề tôn giáo chậm được pháp luật hóa và thể chế hóa để triển khai trên thực tế. Một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, không khả thi, chưa thể hiện đầy đủ, sâu sắc tinh thần đổi mới của Đảng và Nhà nước về tôn giáo. Pháp luật về tôn giáo chưa đồng bộ và thống nhất, chưa đủ sức mạnh về pháp lý như một bộ luật để bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân, cũng như xử phạt những hành vi vi phạm...

Về xây dựng chính sách pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng, các nhà khoa học cho rằng, cần xây dựng chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng với phương châm chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo và phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân và tín đồ là thước đo giá trị, chuẩn mực. Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng cần khắc phục những hạn chế và đón trước những thay đổi trong tương lai.

Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Xuân, khi xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo, cần có quy định công nhận tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi lợi nhuận, để bảo đảm rà soát lại các vấn đề lớn của các quy định pháp luật hiện hành. Hoạt động truyền giáo trong hoàn cảnh mới cần phải nhìn nhận là việc bình thường của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, là “thiên chức” của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và các tín đồ tôn giáo; cần có quan điểm lịch sử và cụ thể trong ứng xử với các hoạt động truyền giáo. Trong Luật cần có sự “nới mở” cần thiết đối với hoạt động truyền giáo cho phù hợp. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ chủ thể truyền đạo, cách thức, hình thức, phạm vi truyền đạo.

TS Hoàng Văn Chung cho rằng, Luật này cần giải quyết 5 nhóm vấn đề lớn: mục đích và sự cần thiết, các khái niệm cơ bản, quyền tự do tôn giáo, đổi mới trong quản lý nhà nước về tôn giáo, tôn giáo tham gia hoạt động dịch vụ xã hội. Nhà nước không thể bao cấp toàn bộ phúc lợi xã hội, đặc biệt là công tác từ thiện nhân đạo, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, người mắc tệ nạn xã hội… Trong khi đó, các tôn giáo có thể tham gia làm tốt những việc này. Do đó, cần hành lang pháp lý phù hợp để các tôn giáo hoạt động thuận lợi.

Kết thúc Hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý khẳng định, 32 bài tham luận và các phát biểu tại Hội thảo của các nhà khoa họcđã góp phần nghiên cứu, tổng kết, phân tích, đánh giá chính sách và pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam trong 25 năm qua; đặc biệt chỉ rõ bất cập, hạn chế và nguyên nhân của bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng; từ đó có những kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng và bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Lê Minh Ngọc

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền