Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học "Lý luận và thực tiễn về chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc"
Thứ sáu, 16 Tháng 9 2016 16:28
1806 Lượt xem

Hội thảo khoa học "Lý luận và thực tiễn về chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc"

(LLCT) - Ngày 15-9-2016, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Lý luận và thực tiễn về chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc". Dự và chủ trì hội thảo có PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Trịnh Đức Thảo, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, các cán bộ thực tiễn.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Khai mạc Hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh, Tây Bắc là vùng rộng lớn có vị trí chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là an ninh - quốc phòng. Hiện nay, Tây Bắc đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Vì vậy, vấn đề phát triển Tây Bắc theo hướng bền vững được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Để làm điều đó,  phát triển nguồn nhân lực, trong đó có cán bộ người dân tộc thiểu số đặc biệt quan trọng.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS Cao Anh Đô, khẳng định: chính sách cán bộ, phát triển nguồn nhân lực luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tây Bắc là vùng trọng yếu đối với an ninh quốc gia nên việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa vùng này đặc biệt quan trọng, trong đó, việc đào tạo cán bộ nói chung và cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng có ý nghĩa quyết định đến việc phát triển bền vững của vùng. Hội thảo tập trung nghiên cứu cơ sở làm rõ lý luận và thực tiễn về bồi dưỡng, đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số; đánh giá thực trạng cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số nói chung và tại vùng Tây Bắc nói riêng. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho cán bộ dân tộc thiểu số vùng này.

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã nêu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiếu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia. Các tham luận nhấn mạnh, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nên trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực công tác được nâng cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số cần phải được tăng cường hơn nữa nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

TS Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, cho rằng, Đảng ta luôn xác định đường lối, chính sách dân tộc có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Nhiều văn kiện, chỉ thị đã được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo tiền đề để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, các quy định cụ thể, chính sách đối với công tác cán bộ thiểu số còn chưa đồng bộ: đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng… Vì thế, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, khiến trình độ, năng lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thời gian tới, cần rà soát các văn bản pháp quy để bổ sung, thay đổi cho phù hợp; điều chỉnh một số chính sách liên quan đến thực hiện chế độ cử tuyển về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc; sửa đổi chế độ tuyển dụng công chức, viên chức, tập trung ưu tiên cho con em dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm cơ cấu dân số. Một số chính sách khác cần được bổ sung như: quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ trong hệ thống bộ máy nhà nước; xây dựng đội ngũ trí thức người dân tộc, nhất là người tiêu biểu… Bên cạnh đó, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương cần xây dựng môi trường chính sách, thúc đẩy hoạt động có hiệu quả của các tổ chức địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cán bộ các cấp ở vùng dân tộc; xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ và khuyến khích cán bộ, công chức vùng dân tộc…

Đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên cho biết: Để nâng cao năng lực hiệu quả trong chỉ đạo điều hành nhiệm vụ chính trị của cấp ủy và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Điện Biên đã và đang đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số ở cơ sở. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức người dân tộc thiểu số, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương cần có sự hỗ trợ và thống nhất thực hiện các chính sách từ Trung ương để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, để những cán bộ này trở thành những hạt nhân trong quản lý điều hành hệ thống chính trị; đồng thời là những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, thay đổi những tập tục lạc hậu, thúc đẩy phát triển nông thôn vùng Tây Bắc... Bên cạnh  đó, cần có quy hoạch cán bộ nói chung chứ không chỉ có quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng chí kiến nghị, Đảng và Nhà nước có chính sách thích hợp để cán bộ lãnh đạo, quản lý vùng khó khăn, chênh lệch về trình độ phát triển vẫn có thể đạt tiêu chuẩn như các vùng phát triển; không nên có sự ưu tiên về tiêu chuẩn học vấn, chuyên môn mà cần có yêu cầu ngang bằng thậm chí cao hơn thì mới có thể lãnh đạo đưa vùng này phát triển.

TS Cao Minh Công, TS Phạm Anh cho rằng, hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, vùng Tây Bắc không nằm ngoài quỹ đạo đó. Để nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số không nên hạ thấp tiêu chuẩn cán bộ này nhưng cần có sự hỗ trợ cho họ tiếp cận cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Mặt khác việc rà soát các văn bản pháp quy, chính sách đào tạo bồi dưỡng cũng rất cần thiết.

Kết thúc Hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh: với hơn 30 tham luận, các nhà khoa học đã góp phần làm sang tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn; đánh giá thực trạng cán bộ cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số; trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị để nâng cao chất lượng công tác này. Đây sẽ là những luận cứ quan trọng để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu đề tài, góp phần hoàn thiện chính sách về công tác này.

 

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền