Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm: Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn - Những giải pháp tổng thể
Thứ sáu, 23 Tháng 9 2016 14:48
1612 Lượt xem

Tọa đàm: Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn - Những giải pháp tổng thể

(LLCT) - Ngày 20-9-2016, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) tổ chức Tọa đàm: Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Những giải pháp tổng thể.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS, TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công bố các nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn trên các tạp chí khoa học, đặc biệt là các tạp chí quốc tế; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thúc đẩy công tác này hiệu quả. Công bố quốc tế các nghiên cứu khoa học của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam có ngày càng nhiều cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao từ nước ngoài về, việc truy cập, tìm kiếm thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu ngày càng nhanh chóng, kịp thời, song những khó khăn trong công tác này vẫn hiện hữu, như: rào cản về ngôn ngữ, nắm bắt thông tin chưa kịp thời, chưa thống nhất về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học.

 Một số kinh nghiệm đối với các chủ nhiệm đề tài nhằm thúc đẩy việc công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu khoa học được nêu ra như: tích cực, chủ động, có trách nhiệm tham gia các hội thảo, tọa đàm quốc tế; mạnh dạn quyết tâm nhận đề nghị của đối tác; tích cực tham gia các nghiên cứu chung; xây dựng quan hệ chuyên môn với các học giả quốc tế/ Việt kiều; tìm hiểu các tiêu chuẩn tạp chí quốc tế (ISI, Scopus, Bulletin, working paper…), cách viết một bài báo quốc tế; nâng cao trình độ tiếng Anh…

Phát biểu tại Tọa đàm, GS, TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia đánh giá tầm quan trọng của việc nhận diện, định vị khoa học xã hội và nhân văn để tìm ra hướng nghiên cứu sát thực nhất trong bối cảnh thế giới và thực tiễn đất nước, đồng thời đưa ra các tiêu chí cần thực hiện nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu. Theo đó, một số tiêu chí chủ yếu là: Xây dựng tạp chí khoa học đạt chuẩn quốc tế; Xây dựng bộ phận hỗ trợ tiếng Anh (chuyên sâu); tư  vấn lựa chọn tạp chí uy tín để công bố kết quả nghiên cứu; tư vấn lựa chọn chủ đề nghiên cứu, xây dựng các nhánh của đề tài nghiên cứu; xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh; nâng cao các tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu; triển khai phần mềm chống “đạo văn”…

Phát biểu tại Tọa đàm, TS Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Nafosted trao đổi các yêu cầu về chất lượng trong công bố quốc tế các nghiên cứu khoa học, trong đó có quy định sản phẩm của một nghiên cứu khoa học cơ bản do Nafosted tài trợ phải có ít nhất 1 công bố quốc tế và 2 công bố quốc gia. Khoa học xã hội và nhân văn có những đặc điểm khác biệt với các ngành khoa học khác, có những lĩnh vực tính hội nhập cao song có những lĩnh vực rất hạn chế. Việc công bố quốc tế các nghiên cứu trong những lĩnh vực này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự hội nhập quốc tế của các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Hiện nay, Quỹ Nafosted đã ban hành Chương trình Hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ với nhiều điểm mới, tạo sự đa dạng trong hình thức công bố kết quả nghiên cứu, giúp các nhà khoa học dễ dàng tiếp cận với các gói tài trợ của Quỹ.

Trình bày các chương trình hỗ trợ nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và Chương trình Hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ tại Tọa đàm, ThS Mai Thế Bình, Phó Giám đốc Nafosted nêu bật những hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ được Quỹ xem xét hỗ trợ, tài trợ, bao gồm:

1. Tham dự và báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế
2. Nghiên cứu sau tiến sỹ

3.Thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài

4.Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam

5.Công bố công trình khoa học công nghệ trong nước và quốc tế

6. Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước

7. Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng

8. Hỗ trợ nhà khoa học trẻ tài năng được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác

9. Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ, hỗ trợ

Đối tượng áp dụng đối với các chương trình hỗ trợ trên gồm:Tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam, tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại nước ngoài đăng ký chương trình nghiên cứu sau tiến sỹ tại Việt Nam; các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chia sẻ kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong công bố nghiên cứu quốc tế, PGS, TS Nguyễn Văn Chính (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhấn mạnh nhu cầu và hướng phát triển công bố các kết quả nghiên cứu khoa học. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, vấn đề đặt ra là cần thay đổi tư duy của người làm khoa học để nâng cao chất lượng các nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh (liên đơn vị), các nhóm nghiên cứu hợp tác trong nước và quốc tế; đồng thời đổi mới, thống nhất về hình thức trình bày, công bố kết quả nghiên cứu khoa học theo chuẩn mực quốc tế của các tạp chí khoa học trong nước…

ThS Nguyễn Thị Lan

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền