Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam”
Thứ hai, 26 Tháng 9 2016 15:33
3283 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam”

(LLCT) - Kỷ niệm 140 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876 - 1/10/2016), sáng 23-9-2016, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam”.

Dự Hội thảo có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Lâm Phương Thanh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; đồng chí Vũ Ngọc Hoàng nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tỉnh Quảng Nam, có các đồng chí: Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Chính, Trưởng ban Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: cụ Huỳnh Thúc Kháng là một chí sỹ yêu nước nổi tiếng, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Quảng Nam. Cuộc đời cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước chân chính, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, đồng thời là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập. Ghi nhận những cống hiến to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng cụ Huỳnh Thúc Kháng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất.

Hội thảo là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, là dịp để học tập tấm gương một nhà lãnh đạo, nhà yêu nước tài năng, đức độ, hết lòng vì nước vì dân. Từ đó, nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm mỗi người ở mỗi vị trí, cương vị cụ thể đều có thể đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng trong Báo cáo đề dẫn Hội thảo khẳng định: Cụ Huỳnh Thúc Kháng là gương mặt tiêu biểu của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX; là tấm gương của tinh thần yêu nước và cách mạng, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, cả đời phấn đấu vì nước, vì dân. Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1-10-1876, trong một gia đình nhà Nho tại làng Thạnh Bình (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước), vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học. Nổi tiếng học giỏi, đỗ đạt sớm nhưng cụ xác định học không để ra làm quan, mà để giúp dân, giúp nước. Kế thừa truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương Quảng Nam, trực tiếp chứng kiến nỗi đau “nước mất nhà tan”, cụ Huỳnh sớm quyết chí gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Cùng những sĩ phu yêu nước đương thời như Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can khởi xướng phong trào Duy Tân, tích cực tuyên truyền tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, cổ xúy công cuộc canh tân đất nước…

Phong trào Duy tân thất bại, cụ Huỳnh bị bắt giam và tù đày tại Côn Đảo từ năm 1908 đến 1921. Sau khi được trả lại tự do, cụ tiếp tục hoạt động yêu nước và đến năm 1926, trúng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ, được bầu làm Viện trưởng; năm 1927, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân tích cực đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải ban hành các quyền dân sinh, dân chủ, cải cách thể chế chính trị thuộc địa…

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp, Huỳnh Thúc Kháng với cương vị Quyền Chủ tịch nước đã điều hành mọi hoạt động của chính quyền cách mạng, vừa tích cực xây dựng, củng cố tiềm lực của đất nước, vừa đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các lực lượng phản động. Cụ từ trần trên đường đi công tác, ngày 21-4-1947, tại Quảng Ngãi.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề:

Về những nhân tố tác động hình thành nhân cách, sự nghiệp Huỳnh Thúc Kháng. Các nhà khoa học khẳng định: Sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, ở vùng vùng đất Quảng Nam “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống văn hóa; trực tiếp chứng kiến cảnh nước mất, đồng bào sống cơ cực, lầm than dưới ách xâm lược, cụ Huỳnh Thúc Kháng sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân và mang cốt cách con người Xứ Quảng: điềm đạm, thẳng thắn, khí khái. Không chỉ kế thừa, giữ gìn những di sản tinh thần quý báu của quê hương, cụ Huỳnh Thúc Kháng còn phát triển mạnh mẽ và làm sâu đậm hơn những truyền thống đó, góp phần tạo sức sống bền vững của những giá trị văn hóa Xứ Quảng trong lòng dân tộc. Cụ Huỳnh Thúc Kháng chính là nhân cách tiêu biểu của con người Xứ Quảng, là người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, niềm tự hào của đồng bào Quảng Nam, của nhân dân Việt Nam.

Về những đóng góp của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với cách mạng Việt Nam.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: không chỉ là một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc; một nhà lãnh đạo tài năng điều hành Bộ Nội vụ, Chính phủ giải quyết nhiều công việc khó khăn, cấp bách với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”; cụ Huỳnh Thúc Kháng còn là nhà hoạt động văn hóa xuất sắc; là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà sử học, nhà giáo dục, là người tiên phong tuyên truyền, cổ động học chữ quốc ngữ. Di sản văn hóa tinh thần cụ để lại cho chúng ta vô cùng quý báu.

PGS, TS Lê Quốc Lý chỉ rõ: cống hiến lớn nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sang về chủ nghĩa yêu nước của một chí sĩ cách mạng, cả cuộc đời không màng danh vị, giàu sang; hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển của đất nước.

PGS,TS Trương Công Huỳnh Kỳ (Đại học Sư phạm Huế), PGS,TS Bùi Đình Phong (Học viện CTQG Hồ Chí Minh) khẳng định: là một trong nhữngngười khởixướng, lãnh đạo phong tràoDuy Tân, cụHuỳnh Thúc Kháng đã đi tiên phong, giúp phong trào làm nên những trang sử vẻ vang, oanh liệt. Cụ Huỳnh Thúc Kháng khuyến khích học tập theo cách mới, mở mang dân trí, phát triển kinh tế theo hướng tư bản trong khuôn khổ hợp pháp. Những tư tưởng đổi mới ngày càng đi sâu vào quần chúng, tác động mạnh mẽ, lôi cuốn quần chúng đứng lên đấu tranh, trở thành phong trào sôi nổi, khiến thực dân Pháp và tay sai phải lo sợ. Trên cương vị chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân, tuy bị pháp luật chính quyền thực dân kiểm duyệt gắt gao, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã khéo léo tổ chức tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, bảo đảm đúng tôn chỉ của Báo là phản ánh được nguyện vọng của người dân. Đồng thời, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã viết nhiều bài báo nghiên cứu lịch sử, văn hóa hết sức có giá trị, phản ảnh tình hình xã hội, tố cáo tội ác thực dân, phong kiến, bày tỏ quan điểm duy tân, bảo vệ chủ quyền biển đảo, kêu gọi nhân dân tích cực học tập lịch sử dân tộc....

Cống hiến nổi bật của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với đất nước và dân tộc được thể hiện khi cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tín nhiệm giao đảm nhiệm cương vị Quyền Chủ tịch Chính phủ trong thời gian Người sang thăm nước Pháp. Thực hiện phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng đã điều hành Chính phủ tập trung vào các nhiệm vụ tối cao của toàn dân tộc, khéo léo, chủ động trong quan hệ đối nội, đối ngoại, đồng thời tích cực chuẩn bị thế và lực của toàn dân, sẵn sàng đối phó với âm mưu quay lại xâm lược của thực dân Pháp.

Đồng chí Lê Vĩnh Tân (Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ) khẳng định: trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần xây dựng và kiện toàn tổ chức, bộ máy trong những ngày đầu thành lập; xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức bộ máy của chính quyền cách mạng; quản lý công chức, công vụ, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đặc biệt chú ý đến bảo vệ quyền tự do các nhân, quyền con người.

GS,TS Mạch Quang Thắng cho rằng: năng lực của Huỳnh Thúc Kháng là năng lực kết hợp đối nội đối ngoại mà có thể hài hòa được các loại ý kiến khác nhau. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp rất lớn vào công việc của Chính phủ, giữ yên được thế phát triển của cách mạng trong lúc hiểm nghèo, Hồ Chí Minh đi vắng.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: cụ Huỳnh Thúc Kháng có nhiều đóng góp tích cực vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Quan niệm: “trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc” đã thể hiện rõ tấm lòng của con người suốt đời yêu nước, thương dân.

PGS, TS Bùi Đình Phong khẳng định: trên cương vị mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, cụ Huỳnh Thúc Kháng có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động của Chính phủ; điều hành bộ máy nhà nước, giải quyết kịp thời những vấn đề nội trị, ngoại giao, thẳng thắn vạch mặt chân tướng của các đảng phái phản động đi ngược lại lợi ích dân tộc. Trên vai trò Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng, với uy tín rất cao về tài năng và đức độ, đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò đoàn kết, tập hợp các cá nhân, tổ chức yêu nước trong dân tộc cùng tham gia vào sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của toàn dân.

Bàn về đóng góp của cụ Huỳnh Thúc Kháng với lực lượng công an nhân dân những ngày đầu thành lập, Thượng tướng, TS Nguyễn Văn Thành (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an) nêu rõ: trên cương vị Quyền Chủ tịch Chính phủ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký ban hành nhiều văn bản pháp lý về công tác an ninh, trật tự, góp phần giữ vững kỷ cương, giữ nghiêm phép nước, ngăn chặn hoạt động chống phá điên cuồng của các thế lực phản cách mạng, góp phần tích cực vào thành công của cách mạng Việt Nam.

Về tấm gương ngời sáng của một nhân cách cao đẹp, các tham luận của đồng chí Võ Văn Thưởng, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, PGS,TS Bùi Đình Phong… đã khẳng định: cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng của một nhân cách cao đẹp, không màng danh lợi, không sợ nghèo khổ, uy quyền, mà đầy nhiệt huyết yêu nước, hành động vì nước vì dân. Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Cụ ra đi thanh thản, để lại “lời vĩnh quyết” như một lời hiệu triệu, kêu gọi mọi người đoàn kết, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân cách đó, lối sống cao thượng đó của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được nhân dân ghi tạc vào lòng và tiếp tục tỏa sáng theo các chặng đường phát triển của dân tộc Việt Nam.

Về tình cảm của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với Quảng Nam, Quảng Nam đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng, đồng chí Phan Việt Cường khẳng định: cụ Huỳnh Thúc Kháng có tình cảm gắn bó sâu đậm với nhân dân Quảng Nam. Tấm gương nhân cách cao đẹp của cụ là giá trị tinh thần to lớn và là niềm tự hào của nhân dân Quảng Nam. Di sản tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời của cụ Huỳnh Thúc Kháng sẽ tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Quảng Nam ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với vị thế của vùng đất văn hiến và cách mạng.

Bế mạc Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: hơn 60 tham luận của các nhà khoa học đã làm rõ hơn cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 140 Ngày sinh Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng.

 

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền