Trang chủ    Tin tức    Hội thảo: Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa – Trường hợp của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ
Thứ sáu, 07 Tháng 10 2016 16:54
3281 Lượt xem

Hội thảo: Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa – Trường hợp của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ

(LLCT) - Ngày 6-10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ châu Á và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa - Trường hợp của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ”.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất đàm phán ký một loạt các FTA thế hệ mới quan trọng, việc tìm kiếm các chính sách hỗ trợ phù hợp với các cam kết, nhằm tạo điều kiện để các ngành kinh tế trong nước tận dụng các cơ hội thị trường, cạnh tranh được với các đối tác mạnh từ bên ngoài, bảo đảm những lợi ích cốt lõi của Việt Nam trong hội nhập là rất quan trọng.

Điểm qua các cam kết quốc tế sau khi Việt Nam tham gia WTO và các FTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) đã khái quát những biện pháp hỗ trợ và trợ cấp cho doanh nghiệp nội địa; định hình phần không gian chính sách còn lại cho các ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ và ngành dịch vụ (thuộc ngành bán lẻ)…

Ngành bán lẻ hiện chiếm khoảng 50% tổng số các doanh nghiệp với 2 triệu cơ sở kinh doanh cá thể (hay còn gọi là hộ kinh doanh), ngoài ra, còn có khoảng 1.750 dự án FDI. Lĩnh vực này không chỉ có tác động xã hội mạnh mẽ bởi thu hút tới hơn 3 triệu lao động đang làm việc, mà còn tác động kinh tế khi nắm giữ vai trò đầu ra cho nhiều ngành sản xuất và tạo động lực to lớn cho phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, rủi ro đối với ngành bán lẻ đang hiện hữu ngày càng rõ nét khi ngày càng nhiều các dự án FDI đầu tư ồ ạt vào kênh bán lẻ hiện đại. Cùng với đó là sự cạnh tranh yếu ớt và thiếu chuyên nghiệp của kênh bán lẻ truyền thống… Hệ lụy là sản xuất nội địa đang mất dần đầu ra.

Đồng quan điểm trên, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, việc Việt Nam tham gia TPP và Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) - hai Hiệp định có cam kết mạnh trong mở cửa thị trường bán lẻ cũng như xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa là một tác động không nhỏ khiến ngành bán lẻ đứng trước nhiều thách thức lớn. Sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới tại Việt Nam đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này của các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn. Cạnh tranh cũng khiến các nhà bán lẻ Việt Nam bộc lộ những điểm yếu về lao động, tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý, công nghệ kiểm soát quy trình.. 

Cùng với ngành bán lẻ, hiện trạng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ cũng không khả quan hơn. Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia trong lĩnh vực gỗ của tổ chức Forest trend Hoa Kỳ cho biết, trong 1 thập kỷ qua (2004-2014), kim ngạch xuất khẩu gỗ đã tăng lên 6 lần. Năm 2015, ngành này đạt mức 6,9 tỷ USD xuất khẩu với giá trị gia tăng tương đối lớn. Hiện tại, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ có khoảng 3.900 doanh nghiệp với 340 làng nghề và tạo việc làm cho khoảng 300 nghìn lao động. Ngành này hiện đang nắm vai trò đầu ra cho sản xuất lâm nghiệp và tác động tới đời sống của hàng triệu lao động trồng rừng; đồng thời tác động trực tiếp tới chính sách môi trường và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm bắt được những yêu cầu cụ thể về thị trường xuất khẩu, tính pháp lý nguồn gốc gỗ nguyên liệu, quy định về sử dụng lao động, quy định liên quan đến hóa chất sử dụng trong sản phẩm...

Để khắc phục những hạn chế, vượt qua thách thức, thúc đẩy ngành kinh doanh chế biến gỗ và bán lẻ, tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng một mặt, các nhà bán lẻ Việt Nam cần có hành động cụ thể để cải thiện cơ bản năng lực cạnh tranh của mình, mặt khác cần có các chính sách hỗ trợ hợp lý từ phía Nhà nước.

Một số ý kiến đề xuất chính sách hỗ trợ đối với ngành bán lẻ như hỗ trợ thuế và ưu đãi đầu tư; hỗ trợ tài chính bằng cách khuyến khích cho vay tín dụng và cải cách cơ chế thu thuế đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Ngoài ra, cần các chính sách khuyến khích đào tạo lao động để cải thiện năng lực chuyên môn và nâng cao trình độ quản lý trong ngành bán lẻ. Cùng với đó là hỗ trợ thông tin thị trường để bảo đảm thực thi hiệu quả và chặt chẽ các cam kết mở cửa thị trường của ngành bán lẻ.

Đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, kiến nghị thực hiện một số giải pháp để loại bỏ rủi ro đối với từng chủ thể thực hiện. Cụ thể như: thiết lập cơ chế kiểm tra tính hợp pháp nguồn gốc gỗ theo yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu và phải miễn phí thực hiện cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống kiểm soát chuỗi cung hiệu quả và hỗ trợ một phần chi phí cho doanh nghiệp để xây dựng chứng chỉ cam kết chất lượng…; khắc phục rủi ro về lao động bằng cách hỗ trợ đào tạo lao động nghề mộc cho các doanh nghiệp…

Không gian chính sách là những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để phát triển kinh doanh. Qua việc Việt Nam ký các cam kết thương mại quốc tế thì không gian này bị hạn chế đi rất nhiều, vì thế những biện pháp còn lại có thể sử dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước không còn nhiều. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng một cách linh hoạt và hợp lý các biện pháp hỗ trợ thì vẫn tận dụng được những lợi thế của mình.

Lê Bảo Ngọc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền