Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học “Thể chế kinh tế của các nước G7 hiện nay”
Thứ sáu, 14 Tháng 10 2016 17:06
3273 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Thể chế kinh tế của các nước G7 hiện nay”

(LLCT) - Sáng 14-10, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Kinh tế chính trị học phối hợp với Vụ quản lý khoa học tổ chức Hội thảo “Thể chế kinh tế của các nước G7 hiện nay”. Tham dự và chủ trì hội thảo có PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện, PGS, TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, PGS,TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài học viện.

 

(Toàn cảnh Hội thảo)

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp, cục diện thế giới đang biến đổi một cách sâu sắc, phức tạp, khó lường. Tính không cân bằng của cục diện kinh tế thế giới biểu hiện rõ hơn trong tất cả các lĩnh vực, đồng thời cơ cấu phát triển và phương thức tăng trưởng kinh tế của các nước cũng đứng trước những thay đổi sâu sắc. Bối cảnh đó đặt ra những thách thức lớn cho các thể chế toàn cầu nói chung và sự biến đổi thể chế kinh tế của các nước G7 nói riêng, buộc các nước G7 phải có những điều chỉnh lớn trong chiến lược phát triển, thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế cũng như cách xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu”.

Trình bày về sự biến đổi thể chế kinh tế của các nước G7 trong thời gian qua, PGS,TS Ngô Tuấn Nghĩa cho rằng: Sau chiến tranh thế giới thứ II, các nước G7 đều có xu hướng gia tăng sự điều tiết kinh tế của nhà nước trong phạm vi quốc gia, tùy theo điều kiện cụ thể mà mỗi nước lựa chọn thể chế kinh tế phù hơp. Nhìn chung, thể chế kinh tế ở các nước G7 có đặc điểm chung là đều hướng tới dựa vào cơ chế thị trường, không ngừng hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường theo hướng văn minh, đặc biệt là hệ thống pháp luật. Mục tiêu chiến lược của xây dựng các thể chế kinh tế của G7 là bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân thông qua các biện pháp tăng cường, củng cố chế độ và thích ứng với điều kiện thay đổi; khắc phục chu kỳ kinh tế, hoàn thiện cơ cấu nền kinh tế, ổn định lưu thông tiền tệ; duy trì việc làm; giải quyết các vấn đề xã hội; cân bằng kinh tế đối ngoại; ổn định giá cả, duy trì cạnh tranh; bảo vệ môi trường…

Đến đầu thế kỷ XXI, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi lớn, bản thân những điều chỉnh của G7 không thể đáp ứng nhu cầu quản lý tài chính quốc tế ngày càng phức tạp. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 và những hậu quả nặng nề của nó khiến kinh tế thế giới có nhiều nhiều diễn biến tiêu cực. Những cải cách về thể chế kinh tế của G7 trong nhiều năm qua còn tương đối hạn chế. Các thành viên G7 đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, sự ra đời của nhóm các nền kinh tế mới nổi như BRICS khiến vai trò của G7 dần bị lu mờ, sức ảnh hưởng của cả G7 hay từng quốc gia riêng lẻ cũng dần suy yếu. Do đó, trong thời gian tới các nước G7 cần phải có sự điều chỉnh thể chế kinh tế một cách hợp lý, trong đó, bảo đảm ổn định vĩ mô, phát triển bền vững và lành mạnh hệ thống tài chính – tiền tệ toàn cầu là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất mà quá trình điều chỉnh thể chế kinh tế của các quốc gia G7 cần hướng đến”.

Theo PGS,TS Đoàn Xuân Thủy, trong nội bộ G7, các quốc gia đều khẳng định sự thay đổi thể chế kinh tế là quan trọng và hết sức cần thiết, song cần điều tiết ở mức độ phù hợp, tập trung vào một số lĩnh vực. Trong đó mỗi nước đều có chính sách ưu tiên riêng với các lĩnh vực khác nhau, thí dụ Nhật Bản ưu tiên cải cách cơ cấu kinh tế; Pháp xác định kinh tế tư nhân cần vững mạnh, Nhà nước cần giữ tỷ lệ lớn về tài sản để có cơ sở giải quyết thâm hụt ngân sách, song cần giảm bớt sự can thiệp trực tiếp để kích thích kinh tế tư nhân. Còn ở bình diện chung, trong sự thay đổi môi trường kinh doanh toàn cầu, sự thay đổi thể chế kinh tế của các nước G7 cần theo hướng xây dựng mối quan hệ cùng điều tiết, điều tiết mang tính liên quốc gia hướng tới khu vực và toàn cầu.

Phát biểu tại hội thảo, PGS,TS Nguyễn Minh Quang khẳng định: Từ góc độ an sinh xã hội, khuyết tật lớn nhất của nền kinh tế thị trường các nước G7 là sự chênh lệch giàu nghèo. Để duy trì được các chính sách an sinh xã hội quan trọng như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tuổi già…, các nước cần có nguồn thu ngân sách lớn. Hiện nay, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức; tốc độ tăng trường kinh tế sụt giảm khiến cho ngân sách suy giảm theo. Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên, dẫn đến thời gian hưởng lương hưu tăng, tạo  gánh nặng cho ngân sách các nước. Ngoài ra, cơ cấu dân số, cơ cấu thu nhập và cơ cấu gia đình của các nước  đều có sự thay đổi, đòi hỏi thể chế an sinh xã hội phải thay đổi theo. Do đó, một trong những giải pháp có thể áp dụng trong thời gian tới là kéo dài thời gian làm việc một cách từ từ, đối với từng nhóm đối tượng (thí dụ Đức dự kiến đến năm 2035 tăng tuổi về hưu lên 67 tuổi).

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra các đề xuất gợi ý chính sách hội nhập của Việt Nam trước tác động của những biến đổi thể chế kinh tế trong các nước G7.

PGS,TS Hoàng Thị Bích Loan cho rằng tất yếu cần có các tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hoạt động theo quy luật thị trường. Bên cạnh đó cần xác định rõ vai trò điều tiết của nhà nước trong nền kinh tế một cách phù hợp. Đồng thời, cần xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam một cách phù hợp trước sự tác động của xu hướng bảo hộ mậu dịch mới.

Thùy Linh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền