Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Các tạp chí của Học viện với quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng”
Thứ sáu, 28 Tháng 10 2016 08:35
3208 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Các tạp chí của Học viện với quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng”

(LLCT) - Nhân Kỷ niệm 40 năm Tạp chí Lý luận chính trị (1976- 2016), chiều 26 - 10- 2016, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: Các tạp chí của Học viện với quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng”.

(GS, TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo)

Tới dự Hội thảo có GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện; GS, TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện; các đồng chí Phó Giám đốc Học viện; đồng chí  Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Học viện; đại diện lãnh đạo các vụ, viện của Học viện; các đồng chí lãnh đạo và biên tập viên các tạp chí của Học viện cùng đông đảo các nhà khoa học; đại diện một số cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Các tạp chí của Học viện có vai trò hết sức quan trọng, là tiếng nói của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các học viện trực thuộc, đồng thời là tiếng nói của giới lý luận, chính trị các cấp. Một số tạp chí của Học viện đã trở thành tài liệu tham khảo quan trọng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác hoạch định chính sách, những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu về lý luận chính trị.

Hội thảo là dịp để các tạp chí của Học viện nhìn lại một cách thẳng thắn những đóng góp cũng như những yếu kém của mình trong việc phản ánh, cổ vũ quá trình đổi mới tư duy lý luận và phát triển lý luận của Đảng trong hơn 30 năm qua, nhằm làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình là phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu lý luận của Học viện, phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển lý luận của Đảng.

Báo cáo đề dẫn của PGS, TS Vũ Hoàng Công trên cơ sở tổng hợp từ hơn 30 tham luận gửi tới Hội thảo, đã nêu bật những đóng góp của các tạp chí Học viện với đổi mới tư duy lý luận của Đảng trong 30 năm qua; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém; đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Hội thảo đã được nghe 8 ý kiến phát biểu của các nhà khoa học:

PGS,TS Trần Khắc Việt đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của các tạp chí Học viện, đó là sự phân tán về chủ đề, không tập trung vào chuyên mục lý luận chính trị; chưa tập trung khai thác đặc trưng, ưu thế riêng có của Học viện là nghiên cứu phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin; chưa xử lý thỏa đáng quan hệ giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; tính luận giải đường lối của Đảng đậm nét hơn tính đề xuất, đấu tranh lý luận. PGS,TS Trần Khắc Việt nêu rõ: “mặc dù các tạp chí Học viện đã có tỷ lệ bài nhất định đạt yêu cầu về chất lượng, nhưng tổng hợp lại chưa tạo thành vị thế, bản sắc riêng của các tạp chí của Học viện trong đời sống lý luận chính trị ở nước ta” hay “ Ngay cả việc kịp thời phân tích sâu sắc những điểm mới về nhận thức, tư duy, quan điểm trong Nghị quyết Trung ương để góp phần đổi mới nhận thức chung trong toàn Đảng, các tạp chí cũng chưa làm tốt”.

Để các tạp chí của Học viện góp phần tích cực hơn nữa vào quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng, đồng chí nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị nêu một số kinh nghiệm là: cần chủ động xây dựng kế hoạch biên tập xuất bản tạp chí, các chủ đề trong năm; bám sát chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, chiến lược khoa học của Học viện; phối hợp chặt chẽ với Ban Chủ nhiệm các chương trình, đề tài khoa học trọng điểm; tranh thủ ý kiến tư vấn của Hội đồng biên tập; trong 12 số tạp chí/năm, cần tổ chức từ 2 đến 3 số số chuyên đề để phản ánh chuyên sâu từng chủ đề lớn về lý luận, đề cập vấn đề một cách tập trung, có hệ thống. Các tạp chí cần tăng cường công tác thẩm định bài, thực hiện tốt công tác cộng tác viên, các tạp chí nên xây dựng danh sách các cộng tác viên chủ chốt, phân công từng biên tập viên phụ trách các nhóm cộng tác viên.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý đánh giá: trong 30 năm đổi mới, các tạp chí Học viện đã đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới chung của cả nước, đã đăng nhiều bài viết có chất lượng, hàm chứa nhiều tư duy đổi mới về kinh tế, góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng và hoạch định đường lối, cơ chế, chính sách, thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển. Đồng thời, các tạp chí đã có những đóng góp quan trọng vào công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện. PGS, TS Lê Quốc Lý đề nghị các tạp chí trong thời gian tới, cần đẩy mạnh đăng nhiều bài viết có chất lượng hơn nữa về kinh tế, đặc biệt là các bài viết tổng kết thực tiễn, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế cho phù hợp với tình hình mới hiện nay. Đẩy mạnh đăng tải các bài viết cập nhật các kiến thức kinh tế hiện đại, các nghiên cứu về mô hình kinh tế phát triển trên thế giới và rút ra bài học vận dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế ở Việt Nam.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc đánh giá: Thành tựu về đổi mới tư duy, phát triển lý luận đã được các tạp chí lý luận của Học viện phản ánh rõ nét. Các tạp chí còn là diễn đàn để các nhà khoa học thể hiện sự tìm tòi, đổi mới về lý luận trên các lĩnh vực. Hiện nay, nhiều vấn đề thực tiễn và lý luận cần tiếp tục được tổng kết, nghiên cứu sâu sắc và làm rõ, như: Thế nào là quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; xây dựng và hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất theo định hướng nào cả về hình thức sở hữu, cơ chế quản lý và phân phối. Bản chất và những đặc trưng của kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam và khác với kinh tế thị trường tự do (Mỹ), kinh tế thị trường xã hội (Đức), kinh tế thị trường nghiệp đoàn (Nhật Bản) như thế nào. Những vấn đề về tiến bộ, công bằng xã hội và thể hiện trong các chính sách xã hội, ngăn ngừa phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội. Lý luận về phát triển văn hóa, xây dựng con người như thế nào để ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức, xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh…Tất cả những vấn đề này đòi hỏi các tạp chí của Học viện phải cổ vũ và phản ánh kịp thời hơn những nỗ lực nghiên cứu, đổi mới tư duy của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, từ đó góp phần đổi mới tư duy, phát triển lý luận của Đảng ta lên tầm cao mới.

GS, TS Mạch Quang Thắng nhận xét: các tạp chí của Học viện còn tình trạng trùng lặp chủ đề, dạng bài; một số tạp chí tuy đã có những cái riêng, nhưng nhìn chung còn trùng lặp rất lớn. Do đó, các tạp chí phải tìm xem diễn đàn của mình là những vấn đề gì, những chủ đề là thế mạnh riêng có của Học viện để tạo thành những quả đấm chủ lực thúc đẩy sự phát triển tư duy lý luận; cần coi trọng các bài viết về tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận.

PGS, TS Nguyễn Viết Thảo khẳng định các tạp chí của Học viện trong 30 đổi mới đã đứng ở “vị trí tiên phong của báo chí lý luận của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội”. Nhiều vấn đề lý luận nóng bỏng nảy sinh từ thực tiễn xây dựng đất nước và đấu tranh tư tưởng hiện nay cần toàn thể đội ngũ khoa học của học viện và các tạp chí của Học viện phải góp phần giải đáp trên tinh thần đổi mới tư duy. PGS, TS Nguyễn Viết Thảo nêu 5 yêu cầu đặt ra đối với các tạp chí Học viện, đó là: yêu cầu bảo đảm tính khoa học, học thuật và tính Đảng, tính chính trị của các tạp chí; yêu cầu bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí nói chung và chức năng, nhiệm vụ của Trường Đảng nói riêng; các tạp chí của Học viện phải bảo đảm tiếng nói chung thống nhất của Học viện nhưng phải thể hiện được bản sắc riêng của từng tạp chí; giữa việc duy trì sự ổn định, truyền thống với hiện đại hóa cơ quan báo chí trong kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện; các điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, nhu cầu chính đáng mở các tạp chí, bản tin của Học viện…

GS, TS Lê Hữu Nghĩa đánh giá, trong những năm qua, các tạp chí của Học viện đã có sự đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức, ngày càng xứng đáng là gương mặt tinh thần của Học viện, phản chiếu kết quả nghiên cứu của Học viện, góp phần cùng với Đảng đổi mới tư duy lý luận. Đồng chí cũng chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém của các tạp chí với quá trình đổi mới tư duy lý luận, trước hết là do tiềm lực của đội ngũ các nhà nghiên cứu lý luận của đất nước cũng như của Học viện còn mỏng.

GS, TS Phan Xuân Sơn nêu rõ, trong những năm qua, các tạp chí Học viện đã có những đóng góp nhất định vào đổi mới tư duy lý luận; các bài tuyên truyền về đổi mới tư duy lý luận, chứng minh, minh họa đổi mới tư duy lý luận thì các tạp chí làm khá tốt. Tuy nhiên, các bài viết tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận còn ít, chất lượng còn hạn chế; việc phát hiện những vấn đề mới của các tạp chí còn ít.

PGS,TS Nguyễn Ngọc Hà nêu bật những đóng góp của Tạp chí Lịch sử Đảng trong đổi mới tư duy lý luận, đó là: Tạp chí đã ngày càng gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo của ngành Lịch sử Đảng và Học viện, góp phần thúc đẩy khoa học Lịch sử Đảng phát triển; đã góp phần quan trọng vào công tác giáo dục tư tưởng, tình cảm cách mạng, tổng kết lý luận và thực tiễn, phản ánh và cổ vũ đổi mới tư duy lý luận, phục vụ công cuộc đổi mới đất nước. Để thúc đẩy phát triển tư duy lý luận, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà đề nghị cần tăng cường kết nối các tạp chí Học viện trong việc tổng kết thực tiễn các địa phương, vùng miền để cung cấp luận cứ khoa học cho phát triển lý luận; kết nối chặt hơn nữa giữa các tạp chí với hoạt động nghiên cứu khoa học, các tạp chí phải trở thành một cơ quan nghiên cứu khoa học.

Với hơn 30 tham luận gửi đến Hội thảo và 8 ý kiến phát biểu, Hội thảo đã khẳng định những đóng góp của các tạp chí Học viện vào quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng trong 30 năm đổi mới trên các phương diện: Thứ nhất, đã nỗ lực chuyển tải kịp thời tư duy đổi mới của Đảng thể hiện trong các văn kiện Đại hội và Hội nghị Trung ương tới đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận, và đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành. Thông qua việc đăng tải các bài viết, công trình nghiên cứu khoa học, các tạp chí Học viện đã góp phần luận giải, làm sáng tỏ các điểm mới trong văn kiện của Đại hội Đảng, qua đó thể hiện tư duy mới và sự phát triển lý luận của Đảng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, đối ngoại…Thứ hai, đã nỗ lực phản ánh kịp thời thành quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn mới nhất của đội ngũ các nhà nghiên cứu trong và ngoài Học viện trên các lĩnh vực thuộc phạm vi, tôn chỉ, mục đích của tạp chí; Thứ ba, đã mạnh dạn đăng tải các bài nghiên cứu mang tính tìm tòi, phát hiện, thể hiện tư duy mới trong cách tiếp cận giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước, hay những vấn đề khó và nhạy cảm của lý luận; Thứ tư,  đã cố gắng thể hiện tư duy mới trong đấu tranh tư tưởng bằng việc đăng tải các bài viết nghiên cứu phê phán các quan điểm sai trái, thù địch trên tinh thần khoa học, khách quan, cầu thị.

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học đối với sự phát triển của các tạp chí. Những kiến nghị, giải pháp mà các nhà khoa học nêu ra, Ban Giám đốc Học viện, lãnh đạo các tạp chí sẽ nghiêm túc tiếp thu để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các tạp chí.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, để đổi mới tư duy lý luận, trước hết phải từ các nhà khoa học, các viện chuyên ngành…Tuy nhiên, các tạp chí với chức năng, nhiệm vụ của mình, phải là đầu mối để tổ chức những vấn đề, những nội dung nghiên cứu lý luận để quy tụ, đặt hàng các nhà nghiên cứu viết bài. Muốn làm tốt điều đó, lãnh đạo các tạp chí và đội ngũ cán bộ biên tập cần được thường xuyên nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng; phải có đủ tầm, đủ khả năng để biên tập, thẩm định bài; phải đặt ra những yêu cầu nghiêm túc, khắt khe về chất lượng đối với các bài đăng trên tạp chí.

Đối với hoạt động của Hội đồng biên tập cần đi vào thực chất hơn, xây dựng quy chế hoạt động, kinh phí hoạt động cho Hội đồng biên tập để phát huy vai trò của các thành viên Hội đồng biên tập trong công tác thẩm định bài, tham mưu, tư vấn về chủ đề hằng năm và từng số tạp chí.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, các tạp chí của Học viện cần phải được quy hoạch lại một cách hợp lý để tránh sự trùng lắp, khẳng định được bản sắc riêng của mỗi tạp chí, không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức, đóng góp xứng đáng vào phát triển tư duy lý luận của Đảng.

Minh Phương, Hương Hạnh 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền