Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học “Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định”
Thứ hai, 23 Tháng 1 2017 16:25
1576 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định”

(LLCT) -  Ngày 18-1-2017, tại Nam Định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định”. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo.

 

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học từ nhiều cơ quan nghiên cứu của Trung ương, đại diện các sở, ban ngành, MTTQ tỉnh Nam Định.

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Trong suốt hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục(1925-1988), đồng chí Trường Chinh được phân công đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước như: Quyền Tổng Bí thư, rồi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, v.v.. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII. Trên mọi cương vị công tác, đồng chí Trường Chinh luôn thể hiện là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có đạo đức cách mạng trong sáng, chân thành, khiêm tốn, giản dị, yêu thương đồng chí, đồng bào, đã để lại những dấu ấn đậm nét trong những chặng đường phát triển của dân tộc.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đi sâu, làm sáng tỏ những cống hiến của đồng chí Trường Chinh với Đảng, với nhân dân và quê hương Nam Định. Các tham luận tập trung khắc họa người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến, nhà chiến lược, nhà tổ chức tài năng, nhà báo, nhà thơ, nhà văn hóa Trường Chinh:

Trường Chinh - Nhà cách mạng, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất

Tại Hội thảo, nhiều tham luận khẳng định đồng chí Trường Chinh là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài ba đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nêu rõ, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng bàn định đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc; triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù và thực hiện sự nhân nhượng có nguyên tắc; tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, trấn áp phản cách mạng, bảo vệ thành quả cách mạng.

Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp (từ 31-5 đến 20-10-1946), với vai trò Tổng Bí thư, đồng chí cùng Trung ương Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn, phối hợp nội trị - ngoại giao, bảo vệ nền độc lập còn non trẻ; chăm lo cải thiện đời sống của nhân dân.

TS Nguyễn Văn Hùng (Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương) đi sâu phân tích những cống hiến của đồng chí Trường Chinh với công tác dân vận của Đảng. Đồng chí Trường Chinh luôn yêu cầu và khẳng định nhiệm vụ của dân vận: Phải lấy mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân làm trọng; tăng cường xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ và đáp ứng những lợi ích thiết thân của người dân gắn với lợi ích của tập thể; dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh; xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể.

Nhà chiến lược, nhà tổ chức tài năng

PGS, TS Lê Quốc Lý (Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nêu bật đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế. Đồng chí Trường Chinh là tác giả, là người chủ biên tư tưởng, đường lối Đổi mới, trong đó có đổi mới kinh tế trong giai đoạn có tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc, góp phần tạo nên những bước chuyển vĩ đại của đất nước. Cách thức tiếp cận từ tổng kết thực tiễn đến đổi mới, chuyển biến tư duy lý luận là cách tiếp cận phù hợp, sát thực với tình hình đất nước. Tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh  trong lĩnh vực kinh tế vẫn còn nguyên giá trịđến ngày hôm nay và mai sau. Đó là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế,... Đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN làm cho nền kinh tế nước ta trở thành nền kinh tế thị trường hiện đại và đầy đủ, huy động được mọi nguồn lực cho phát triển, khơi dậy được mọi sức sáng tạo của người dân để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong thực tế.

PGS, TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định tầm nhìn chiến lược của đồng chí Trường Chinh thể hiện ở hai lần để lại dấu ấn lớn trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, đó là vào tháng 5-1941 và “đêm trước” của đổi mới (từ tháng 7-1986).

Nhà báo, nhà thơ, nhà văn hóa lớn

Tại Hội thảo, nhiều tham luận đi sâu phân tích những cống hiến của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, báo chí. GS, TS Tạ Ngọc Tấn (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương) khẳng định, đồng chí Trường Chinh là một nhà báo lớn với nhiều bài báo, tác phẩm quan trọng trong suốt 27 năm làm báo, chỉ đạo nền báo chí cách mạng nước nhà. Từ việc tổ chức tờ báo Dân cày, thức tỉnh nhân dân đấu tranh chống lại ách bóc lột của địa chủ, thực dân, tham gia biên tập báo Búa liềm, báo Người sinh viên, nhà báo Trường Chinh đã sớm rèn luyện ngòi bút sắc sảo. Trong giai đoạn bị tù đày, đồng chí vẫn không ngừng viết báo, đấu tranh cho độc lập dân tộc. Đồng chí làm chủ bút tờ báo Con đường chính ngay trong nhà tù Hỏa Lò, viết cuốn sách Chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cải lương trong thời gian bị tù đày tại nhà tù Sơn La, cuốn sách đã trở thành tài liệu huấn luyện chính trị cho các đảng viên bị tù đày. Trong thời kỳ mặt trận dân chủ, đồng chí tham gia ban biên tập, viết nhiều bài báo, bút chiến quan trọng trên tờ Le Travail xuất bản bằng tiếng Pháp, sau đó là báo Tin tức nhằm tập hợp lực lượng, kêu gọi đấu tranh đòi tự do, dân chủ, dân sinh…Thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa tiến tới Cách mạng Tháng Tám (1939- 1945), Trường Chinh được phân công làm chủ bút báo Giảỉ phóng, sau đó là báo Giải phóng tập mới; trực tiếp phụ trách Tạp chí Cộng sản; báo Cứu quốc; làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Cờ giải phóng. Các bài viết của Trường Chinh thời kỳ này đã phân tích và dự báo chính xác về thời cuộc, kịp thời chỉ ra những nhiệm vụ cấp bách mà những người cách mạng, khi tình hình đã và đang biến đổi rất mau lẹ, phải nhận biết để hành động giành thắng lợi. Đóng góp to lớn từ những bài viết của ông chính là ở sức cổ vũ và sự động viên kịp thời, tập hợp, đoàn kết toàn dân, tiếp thêm sức mạnh cho những người cộng sản đi theo cách mạng, tạo thành dòng thác to lớn nhấn chìm bọn thực dân, phản động.

Trong thời kỳ bảo vệ chính quyền 1945 và những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Trường Chinh vẫn là người phụ trách và cây bút chủ lực của các báo Cờ giải phóng, Sự thật; Sinh hoạt nội bộ; Tạp chí Cộng sản; báo Nhân Dân; chỉ đạo và tham gia Bộ biên tập của tạp chí Học tập -tạp chí Cộng sản; lãnh đạo, tổ chức hoạt động hệ thống báo chí cách mạng giai đoạn từ 1954 đến 1986…

PGS, TS Bùi Đình Phong khẳng định đồng chí Trường Chinh là một nhân cách văn hóa lớn, với tầm tư duy chiến lược, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm, chấp nhận khó khăn. Nổi bật ở đồng chí là thái độ, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Đồng chí cũng có nhiều tác phẩm phản ánh sâu sắc, hoàn chỉnh lý luận về văn hóa, tiêu biểu là Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Người con ưu tú của quê hương Nam Định

Nhiều tham luận tại Hội thảo nêu mối liên hệ mật thiết, gắn bó giữa đồng chí Trường Chinh với quê hương Nam Định. Đồng chí Đoàn Hồng Phong (Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) nêu những chỉ đạo mang tính chiến lược của đồng chí Trường Chinh trong những lần về thăm và làm việc tại tỉnh nhà, trong đó đồng chí đặc biệt quan tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng đời sống kinh tế - xã hội phát triển toàn diện. Tiếp thu những chỉ thị của đồng chí, Nam Định không ngừng phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và chính quyền.

Tham luận của PGS, TS Trần Đức Minh (Chủ tịch Hội Sử học Nam Định) và tham luận của đồng chí Bùi Văn Thảo (Bí thư Huyện ủy Xuân Trường)  phân tích những ảnh hưởng của quê hương, gia đình đến việc hình thành nhân cách, bản lĩnh cách mạng của đồng chí Trường Chinh.

Hội thảo đã nhận được 45 tham luận, là những công trình nghiên cứu chắt lọc, sâu sắc, phản ánh toàn diện sự nghiệp cách mạng và nhân cách đồng chí Trường Chinh, cũng như tình cảm của đồng chí với đất nước, nhân dân. Các tham luận đều đánh giá cao tấm gương đạo đức, tinh thần tập trung, dân chủ, sự thân tình, lối sống giản dị, mẫu mực, sự gắn bó của đồng chí với quê hương. Phát biểu kết luận, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Hội thảo đã góp phần khơi dậy niềm tự hào, tinh thần học tập tấm gương Trường Chinh trong thế hệ trẻ. Kỷ yếu Hội thảo cũng là tài liệu bổ ích, thiết thực phục vụ công tác nghiên cứu, học tập tấm gương đồng chí Trường Chinh trong cả nước.

Lê Minh Ngọc

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền