Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam
Thứ tư, 08 Tháng 3 2017 11:46
1686 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam

(LLCT) - Ngày 6-3-2017, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của đồng chí Tô Hiệu, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học: Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam, ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến xuất sắc của đồng chí với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và bày tỏ sự tri ân đối với nhà lãnh đạo tiền bối, tài năng của Đảng.

PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng; TS Lý Việt Quang, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, tại thôn Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên trong một gia đình nhà Nho yêu nước, cách mạng. Kế thừa truyền thống quê hương và gia đình, đồng chí sớm giác ngộ và hoạt động cách mạng. Năm 1930, đồng chí bị ddichj bắt và kết án bốn năm tù, đày ra Côn Đảo, địa ngục trần gian, trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng; tham gia lãnh đạo cao trào dân chủ ở Bắc Kỳ và được bầu vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1938, đồng chí được Trung ương Đảng điều về đặc trách Bí thư Liên khu B (bao gồm các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, Hải Dương và Hưng Yên) kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Cuối năm 1939, đồng chí bị bắt, giam tại nhà tù Hải Phòng, nhà tù Hỏa Lò rồi bị kết án 5 năm khổ sai, đày lên nhà tù Sơn La vào cuối năm 1940. Tại đây, đồng chí đã tổ chức xây dựng tổ chức Đảng trong nhà tù, đào tạo cán bộ, lãnh đạo phong trào đấu tranh với địch và là linh hồn của tổ chức Đảng trong nhà tù. Do chế độ lao tù tàn bạo, đồng chí Tô Hiệu anh dũng hy sinh ngày 7-3-1944 tại nhà tù Sơn La, khi mới ở tuổi 32.

Phát biểu đề dẫn, PGS,TS Phạm Ngọc Anh khẳng định: Cuộc đời đồng chí Tô Hiệu gắn liền với những sự kiện lịch sử của Đảng và dân tộc ta trong nửa đầu thế kỷ XX. Đồng chí là một trong số các nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng, góp phần làm giàu truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam; là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và noi theo.

PGS,TS Phạm Ngọc Anh khẳng định: truyền thống quê hương, gia đình đã góp phần hình thành tư tưởng yêu nước, dẫn dắt đồng chí Tô Hiệu trở thành chiến sĩ cách mạng. Con đường đến với cách mạng, giác ngộ lý tưởng cộng sản, hiến dâng tuổi trẻ cho dân tộc và nhân dân của đồng chí Tô Hiệu thể hiện sự trưởng thành của tuổi thanh niên yêu nước vì mục tiêu giải phóng dân tộc mà tuổi trẻ ngày nay cần xem như một tấm gương để học tập và làm theo. Đồng chí Tô Hiệu thuộc lớp đảng viên đầu của Đảng, có những đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Đồng chí là tấm gương người cộng sản kiên trung, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Tại Tọa đàm, các nhà khoa học đã trình bày những nghiên cứu về đồng chí Tô Hiệu trên 4 phương diện:

Về những nhân tố ảnh hưởng đến con người, sự nghiệp và nhân cách của đồng chí Tô Hiệu. Các nhà khoa học đề thống nhất rằng, quê hương của đồng chí Tô Hiệu - vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng đã sinh ra nhiều người con ưu tú cho dân tộc. Đồng chí Tô Hiệu được thừa hưởng nhiều phẩm chất, nhân cách, đạo đức cách mạng của quê hương. Bên cạnh đó, truyền thống khoa bảng và yêu nước của gia đình nhà Nho cũng ảnh hưởng đến con người, con đường cách mạng của Tô Hiệu. Người anh trai là Tô Chấn cũng tham gia phong trào giải phóng dân tộc từ rất sớm. Quê hương và truyền thống gia đình là môi trường nuôi dưỡng và phát triển lòng yêu nước, khí phách kiên cường và ý chí quyết tâm cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng của đồng chí Tô Hiệu.

Về con đường cách mạng, giác ngộ lý tưởng cộng sản của đồng chí Tô Hiệu. Các tham luận “Tác động của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đến những hoạt động yêu nước của Tô Hiệu” của PGS,TS Đàm Đức Vượng, Hội đồng Lý luận Trung ương; “Những chuyển biến của đồng chí Tô Hiệu trên con đường đến với chủ nghĩa cộng sản” của PGS,TS Phạm Hồng Chương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… đều khẳng định: đồng chí Tô Hiệu cùng bạn bè và nhiều người thân trong gia đình tham gia các hoạt động yêu nước rất sớm, từ phong trào bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh, đòi thả tự do cho Phan Bội Châu đến các phong trào yêu nước của các chí sỹ Hà Nội… Thông qua hoạt động thực tiễn và sự giúp đỡ của các nhà cách mạng: Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng… Tô Hiệu đã có sự chuyển biến nhận thức sâu sắc, từ người đảng viên của Việt Nam quốc dân Đảng trở thành đảng viên cộng sản kiên trung rồi người lãnh đạo phong trào cộng sản. Quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, từ đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương của đồng chí Tô Hiệu là quá trình nhận thức và hành động nhất quán vì mục tiêu cách mạng: độc lập dân tộc.

Về đóng góp của đồng chí Tô Hiệu với phong trào cách mạng Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Các ý kiến tham luận: “Vai trò của đồng chí Tô Hiệu với việc khôi phục phong trào cách mạng” ở Bắc Kỳ của PGS,TS Vũ Văn Thuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; “Hoạt động và cống hiến của đồng chí Tô Hiệu trong thời kỳ xây dựng Đảng tại Hai Phòng” của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; “Đồng chí Tô Hiệu với công tác xây dựng tổ chức Đảng và đào tạo cán bộ trong ngục tù Sơn La những năm 1940-1944” của TS Trần Văn Hải… đều cho rằng, đồng chí Tô Hiệu thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, có nhiều đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Trong lao tù Côn Đảo, mãn hạn tù trở lại quê hương và Hà Nội, Hải Phòng; khi bị bắt và đày ở tù Sơn La… đồng chí luôn tận tâm, nhiệt tình đóng góp sức lực của mình để củng cố tổ chức Đảng. Đặc biệt, thời gian hoạt động tại Hải Phòng, với cương vị là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí có những đóng góp quan trọng cho việc khôi phục cơ sở đảng; tuyên truyền cách mạng; chỉ đạo các cuộc đình công, bãi công của công nhân. Thời kỳ bị giam cầm trong nhà tù Sơn La, với tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, đồng chí đã cùng với các đồng chí của mình thành lập Chi bộ cộng sản, đào tạo cán bộ chiến sỹ cách mạng và nêu gương sáng về ý chí chiến đấu. Đồng chí là biểu tượng ý chí, tinh thần cách mạng, của niềm tin và chiến thắng, khích lệ hàng vạn chiến sỹ cộng sản khiến quân thù khiếp sợ.

Về tấm gương người cộng sản kiên trung, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tô Hiệu. Các nhà khoa học cho rằng: 32 tuổi đời, hơn 18 năm hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sỹ cộng sản, hoạt động trong thời kỳ dựng Đảng; cống hiến trên nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng, hai lần bị tù đày, tra tấn dã man tại nhà tù thực dân đế quốc, ý chí và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ở đồng chí Tô Hiệu không hề lay chuyển. Cả cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng về sự tận tụy, hy sinh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng. Để làm rõ hơn những cống hiến của đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam, PGS,TS Trần Trọng Thơ cho rằng: cần phải tiếp tục sưu tầm tài liệu, nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện hơn nữa cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của đồng chí, để làm được điều đó cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.

Kết thúc Tọa đàm, PGS,TS Lê Quốc Lý khẳng định: Từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học tập trung lý giải, phân tích, góp phần làm sâu sắc thêm những đóng góp quan trọng của đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, bàn luận, thể hiện chân thực và đúng tầm vóc những đóng góp của đồng chí đối với Đảng và cách mạng. Trong không khí cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Tọa đàm được tổ chức như một sự tri ân bậc tiền bối của cách mạng Việt Nam, đồng thời là hình thức tuyên truyền cách mạng, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần học tập tấm gương người cộng sản ngời sáng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Hoa Mai

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền