Trang chủ    Tin tức    Hội thảo: Cải cách quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng: kinh nghiệm của Xinhgapo và gợi ý đối với Việt Nam
Thứ hai, 13 Tháng 3 2017 17:39
1566 Lượt xem

Hội thảo: Cải cách quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng: kinh nghiệm của Xinhgapo và gợi ý đối với Việt Nam

(LLCT) Ngày 10-3-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Xinhgapo) tổ chức Hội thảo Cải cách quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng: kinh nghiệm của Xinhgapo và gợi ý đối với Việt Nam. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự hợp tác trên nhiều phương diện, trước hết là trong xây dựng hệ thống quản trị quốc gia và phòng chống tham nhũng.

 

(PGS, TS Nguyễn Viết Thảo phát biểu đề dẫn Hội thảo)

PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và GS Alan Chan, Hiệu trưởng Trường Đại học Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học xã hội, Đại học Công nghệ Nanyang chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có bà Catherine Wong Siow Ping, Đại sứ Xinhgapo tại Việt Nam; bà Joanne NG, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Xinhgapo; GS Tan Kong Yam, Đại học Công nghệ Nanyang; GS Eric Heikkila, Giám đốc Chương trình Sáng kiến quốc tế, Đại học Nam California; GS Liu Hong, Hiệu trưởng Khoa học xã hội nhân văn, Đại học Công nghệ Nanyang; GS Tobin, Đại học Quốc gia Seoul; TS Dai Shiyan, Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công Nanyang, Xinhgapo; Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng đông đảo giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo bày tỏ sự tin tưởng vào những thành công và kết quả  thiết thực mà Hội thảo sẽ mang lại trong việc đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả với thực tiễn cải cách quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay. Trên tinh thần đó, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh Hội thảo cần giới thiệu, phân tích, đánh giá những thành tựu nổi bật trong quản trị nhà nước và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt là Xinhgapo gắn với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Từ đó tìm ra những biện pháp có tính khả thi cao mà Việt Nam có thể áp dụng trong hoàn cảnh thực tiễn hiện nay nhằm xây dựng một hệ thống quản trị nhà nước bảo đảm công bằng, minh bạch, hiệu quả, văn minh; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Catherine Wong Siow Ping phân tích những yếu tố góp phần vào thành công của Xinhgapo trong việc xây dựng Chính phủ, hệ thống quản trị nhà nước, bà Catherine nêu bật những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể áp dụng để quản trị nhà nước tốt hơn như: chú trọng đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng bộ máy quản trị nhà nước trong sạch, không có tham nhũng, đảm bảo minh bạch trên mọi phương diện và tạo sự thông thoáng để người dân dễ dàng tiếp cận với mọi loại hình dịch vụ…

Phát biểu tại Hội thảo, GS Alan Chan cho rằng, việc kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn là điều kiện tiên quyết để tìm ra các giải pháp đặc thù, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi quốc gia trong việc cải cách quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Hội thảo Cải cách quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng: kinh nghiệm của Xinhgapo và gợi ý đối với Việt Nam được xem là hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi để đưa ra những chính sách phù hợp nhằm phòng chống tham nhũng giữa hai quốc gia.

Hơn 20 tham luận và các ý kiến phát biểu trong 2 phiên, Hội thảo đã tập trung phân tích, làm sáng tỏ những kinh nghiệm của Xinhgapo trong việc cải cách quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng; đồng thời gợi mở những giải pháp mà Việt Nam có thể áp dụng nhằm cải thiện hệ thống quản trị nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Giới thiệu những thành công của Xinhgapo trong cạnh tranh quốc tế và xây dựng hệ thống quản trị nhà nước tốt, GS Tan Kong chỉ rõ: tham nhũng là một trong những rào cản làm sụt giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu và tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia. Những quốc gia có mức độ tham nhũng cao hầu hết có cơ sở hạ tầng và các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thấp, do đó khả năng cạnh tranh toàn cầu yếu và có tác động tiêu cực tới việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam là quốc gia có mức độ tham nhũng khá cao nhưng có thị trường nội địa lớn, có thể sử dụng thị trường này để thu hút vốn đầu tư nước ngoài với việc áp dụng một số kinh nghiệm mà Xinhgapo đã thực hiện như: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Từ đó, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng GPD, cải thiện đời sống mọi tầng lớp nhân dân, hạn chế tham nhũng.

Trình bày tham luận “Các chính sách phòng chống tham nhũng ở  Xinhgapo”, GS Chan Soo Sen (Đại học Nanyang) nêu rõ mục tiêu phòng, chống tham nhũng của Xinhgapo là làm cho những người làm việc trong bộ máy công quyền không nghĩ về hành vi tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng. Để làm được điều đó, Xinhgapo đã áp dụng một số chính sách như: thay đổi văn hóa làm việc trong tất cả các bộ, ngành và Chính phủ; xử phạt nghiêm minh những hành vi tham nhũng; trả lương hợp lý cho người lao động để họ đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác; cán bộ, công chức không được nhận quà dưới mọi hình thức và phải công bố tài sản cá nhân hằng năm; hạn chế các giao dịch tiền mặt và thay thế chúng bằng các giao dịch điện tử để dễ dàng kiểm soát và ngăn chặn tham nhũng; … Đây là những chính sách, cách thức mà Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng trong việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và xây dựng hệ thống quản trị nhà nước tốt.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Bùi Phương Đình (Viện Lãnh đạo học và chính sách công) phân tích làm rõ nội hàm khái niệm trách nhiệm giải trình và chỉ ra mối tương quan giữa trách nhiệm giải trình với cải cách nền quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Theo đó, trách nhiệm giải trình của cá nhân và tổ chức trong hệ thống công quyền là trụ cột quan trọng trong quản trị nhà nước tốt và là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tham nhũng. Ở Việt Nam, trách nhiệm giải trình thể hiện trong Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định 90/2013/NĐ-CP ngày 8-8-2013 của Chính phủ về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tuy nhiên, nội dung khái niệm trên mới chỉ đề cập đến trách nhiệm giải trình hành chính mà chưa bao quát các phương diện cần giải trình của cơ quan nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng. Do đó, Việt Nam cần: (1) Mở rộng quan niệm về trách nhiệm giải trình để bao quát được các loại hình trách nhiệm giải trình chính trị - pháp lý - xã hội và nghiên cứu nâng cấp Nghị định 90 thành Luật về trách nhiệm giải trình; (2) Tăng cường nghiên cứu và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Tiếp cận thông tin đã được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2016; (3) Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ quan tư vấn chính sách mang tính độc lập tương đối với bộ máy chính quyền, nghiên cứu, điều tra và công bố các báo cáo quản trị với trọng tâm là trách nhiệm giải trình của cơ quan chính quyền cả cấp Trung ương và cơ sở.

Tham luận “Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”, PGS, TS Nguyễn Thị Báo (Ban Thanh tra Học viện) nêu một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng như: bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng có đủ các quy định để lấp khoảng trống pháp luật hiện hành; đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ trong hoàn thiện một số pháp luật liên quan như: Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Kinh tế…; quy định cụ thể, rõ ràng về hành vi tham nhũng, kê khai, minh bạch tài sản và thu nhập cá nhân; sửa đổi, bổ sung một số chức năng, quyền hạn của cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng…

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Ngô Tuấn Nghĩa (Viện Kinh tế chính trị học) chỉ rõ mối tương quan giữa thủ tục hành chính và tham nhũng vặt ở Việt Nam. Thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp, nhất là hệ thống cung ứng dịch vụ công là một trong những kẽ hở để tham nhũng vặt nảy sinh và gia tăng. Do đó, một trong những biện pháp giảm thiểu tham nhũng vặt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, tạo sự thuận tiện, dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin của người dân và xây dựng cơ chế kiểm soát của người dân đối với hệ thống cung ứng dịch vụ công.

Nguyễn Thị Lan

          

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền