Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Phương pháp nghiên cứu văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam hiện nay
Thứ ba, 21 Tháng 3 2017 16:42
1623 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Phương pháp nghiên cứu văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Ngày 18-3-2017, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: Phương pháp nghiên cứu văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam hiện nay - Hội thảo đầu tiên trong đề tài “Văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam hiện nay: thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp” thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020.

PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển; PGS, TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội thảo. Dự hội thảo có các nhà khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan nghiên cứu khác.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Phạm Duy Đức nêu rõ: trong tiến trình đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; việc phát huy vai trò của văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinih tế có nhiều vấn đề đặt ra. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương,… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển.

Việc làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế, mối quan hệ giữa văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế, đánh giá thực trạng các vấn đề này, đề xuất quan điểm, giải pháp thực hiện có hiệu quả văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới có ý nghĩa to lớn.

Tại Hội thảo, các tham luận và ý kiến phát biểu tập trung làm rõ một số nội dung:

Về văn hóa trong chính trị, các ý kiến tham luận của GS, TS Hoàng Chí Bảo, PGS, TS Lê Quý Đức, GS Hoàng Vinh… và một số ý kiến đều thống nhất khẳng định: vấn đề xây dựng văn hóa trong chính trị nói chung, cụ thể là xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trọng tâm là xây dựng đạo đức, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước đã được nêu ra và triển khai qua nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động lớn mang ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc. Đặc biệt, Trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Đảng ta đã đưa ra nhiệm vụ: xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, trong đó nhấn mạnh trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên.

Các nhà nghiên cứu cũng tập trung thảo luận và khẳng định nội hàm khái niệm văn hóa trong chính trị không chỉ tập trung vào vấn đề đạo đức, pháp luật mà phải bàn đến cả trình độ tư duy, năng lực của chủ thể chính trị; thể chế và thiết chế chính trị trong mối quan hệ với môi trường văn hóa chính trị; con người chính trị trong điều kiện một đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc tập trung xây dựng khung lý thuyết văn hóa trong chính trị và các tiêu chí cơ bản để đánh giá văn hóa trong chính trị cũng cần cụ thể hơn, cần tập trung trí tuệ của nhiều nhà khoa học và chính trị.

Về văn hóa trong kinh tế, các tham luận tập trung làm rõ quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện; văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các tham luận nêu bật quan điểm của Đại hội XII nhấn mạnh yêu cầu xây dựng văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là những vấn đề lý luận mới, có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu rộng nhằm mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Các ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ rõ những bất cập cần khắc phục, trước hết là vấn đề nội hàm khái niệm văn hóa trong kinh tế cần làm sáng tỏ, cần cụ thể hóa: văn hóa trong kinh tế không chỉ có văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp mà còn bao hàm cả tầm nhìn, quy hoạch phát triển, thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh sáng tạo và ứng dung khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, xóa bỏ các rào cản đối với sự phát triển kinh tế từ góc độ văn hóa.

Kết quả Hội thảo, với nhiều ý kiến tham luận tâm huyết, giàu trí tuệ của các nhà khoa học đã cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn quý báu, là những gợi ý sâu sắc để các thành viên tham gia Đề tài triển khai đúng hướng, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII và chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Hoa Mai

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền