Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học quốc tế: Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược
Thứ năm, 23 Tháng 3 2017 10:10
1658 Lượt xem

Hội thảo khoa học quốc tế: Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược

(LLCT) - Ngày 21-3-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược. Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Hoạt động đối ngoại giữa Việt Nam và Ấn Độ được Chính phủ phê duyệt nhằm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS, TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương; đại diện Ban đối ngoại Trung ương, Văn phòng chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Về phía Ấn Độ có Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; Ngài Neeklakantan Ravi, cựu Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; Thiếu tướng Vinod Anand, Chuẩn tướng Abhay Kumar Singh, cùng các học giả, chuyên gia nghiên cứu cao cấp.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh:  Năm 2017 là năm đánh dấu kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Việt Nam (7/2007-7/2017) và đã được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tới Hà Nội (tháng 9-2016). Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử lâu đời, hai nước luôn hỗ trợ nhau trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tình bạn tin cậy, tình đoàn kết hữu nghị, tình cảm sâu sắc mà lãnh đạo và nhân dân hai nước dành cho nhau luôn không ngừng được củng cố. Trong bối cảnh mới hiện nay, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác toàn diện hơn nữa, bao gồm hợp tác quốc phòng và an ninh trên mọi phương diện, hợp tác sâu rộng về kinh tế, hợp tác khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và văn hóa, giáo dục - đào tạo…

Trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ lịch sử văn minh lâu đời từ hơn hai thiên niên kỷ nay. Đạo Phật và đạo Hindu đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia. Trong thời kỳ hiện đại, quan hệ gần gũi giữa hai nước có được nhờ sự tương đồng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của hai dân tộc dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mahatma Gandhi và Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Mối quan hệ “trong sáng như bầu trời không gợn mây” như Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định, đã được thể hiện thông qua việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Nhà nước năm 1972, nâng cấp thành Đối tác chiến lược năm 2007, và tiếp tục nâng cấp thành Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016.

Đại sứ Parvathaneni Harish đánh giá: Việt Nam là một trong những ưu tiên ngoại giao đặc biệt của Ấn Độ, bởi vai trò quan trọng của Việt Nam đối với lợi ích kinh tế chiến lược của Ấn Độ. Các chuyến thăm cao cấp từ năm 2014 đến 2016 đã phản ánh hiện thực này. Chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Việt Nam là cuộc viếng thăm đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ kể từ năm 2011, đánh dấu sự khởi đầu một thời kỳ mới của quan hệ song phương. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã đặt bối cảnh mới và tầm nhìn mới của quan hệ hai nước trong khuôn khổ chính sách Hướng Đông và cách tiếp cận Hành động phía Đông của Ấn Độ, cũng như xác định tầm quan trọng của ASEAN đối với Ấn Độ.

45 năm qua, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ không ngừng được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nổi lên 5 trụ cột chủ yếu: chính trị - ngoại giao, quốc phòng – an ninh, kinh tế - thương mại, năng lượng, văn hóa – giáo dục – khoa học công nghệ, ngoại giao nhân dân. Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm sáng tỏ các nội dung cơ bản:

1. Về chính trị - ngoại giao

Các nhà khoa học đều thống nhất rằng, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp, có độ tin cậy chính trị cao, có sự song trùng về lợi ích chiến lược; sẵn sàng tin tưởng, chia sẻ trên hầu hết các vấn đề song phương, cũng như đa phương.

Sự tin cậy chính trị đó luôn được củng cố thông qua việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước. Theo TS Rajaram Panda, hầu như tất cả các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Ấn Độ như Tổng thống, Phó Tổng thống, người phát ngôn và nhiều bộ trưởng cấp cao, v.v.. đã tới thăm Việt Nam. Đặc biệt, tầm quan trọng mà Ấn Độ dành cho Việt Nam đã được nhấn mạnh hơn với sự kiện Thủ tướng N.Modi tới thăm Việt Nam. Đây cũng là thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ tới thăm Việt Nam trong 15 năm qua.

TS Anirban Ganguly cho rằng Việt Nam là trụ cột quan trọng của Ấn Độ trong “Chính sách hành động Hướng Đông”. Định hướng này đã tạo ra sự cân bằng và tiềm năng phát triển trong tương lai của mối quan hệ Việt - Ấn. Với việc tăng cường mối quan hệ trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”, đây là thời điểm thuận lợi để đưa ra lộ trình cho sự hợp tác văn minh giữa hai quốc gia.

2. Về quốc phòng – an ninh

Các học giả khẳng định, hợp tác quốc phòng – an ninh là trụ cột chiến lược trong quan hệ hai nước. Hai bên đã trao đổi các chuyến thăm cấp Bộ trưởng Quốc phòng, xác lập cơ chế đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng quốc phòng, cùng tuyên bố về tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2015-2020.

Thiếu tướng Vinod Anand nhấn mạnh: Việt Nam - Ấn Độ đã phối hợp chặt chẽ trên các mặt hợp tác an ninh khác bao gồm cả vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống; chống khủng bố, chống tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia và tăng cường an ninh mạng.

3. Về kinh tế - thương mại

Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 16% và đạt hơn 5 tỷ USD năm 2015. Hai bên đã đa dạng hóa phạm vi thương mại và xác định các lĩnh vực mới để đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ. Tính đến tháng 9-2016, Ấn Độ có 131 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 524 triệu USD, đứng thứ 25 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

4.Về hợp tác năng lượng

Hai quốc gia đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Ngoài 3 lô dầu ngoài khơi mà Tập đoàn dầu khí ONGC Videsk (OVL) của Ấn Độ đang thăm dò, mới đây Việt Nam đã mời Ấn Độ thăm dò thêm 5 lô dầu mới trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Các lĩnh vực như điện khí hóa, điện, năng lượng tái tạo cũng được hai bên gia tăng hợp tác.

5. Về văn hóa – giáo dục – khoa học công nghệ và ngoại giao nhân dân

Việt Nam và Ấn Độ đã phối hợp triển khai nhiều chương trình hoạt động có ý nghĩa như trao đổi các đoàn nghệ thuật và lễ hội, liên hoan phim, triển lãm xuất bản phẩm, tác phẩm nghệ thuật…

Mỗi năm Ấn Độ dành cho Việt Nam 150 suất học bổng đào tạo đại học và sau đại học trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và công nghệ.

Hợp tác khoa học công nghệ song phương cũng được thúc đẩy. Năm 2016, hai bên đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực này như xây dựng trạm tiếp nhận, xử lý tín hiệu viễn thám tại Việt Nam, cung cấp cho Việt Nam các trang thiết bị hạt nhân, sinh học, dược phẩm, năng lượng tái tạo…

Giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng được tăng cường qua các hoạt động quảng bá du lịch, trao đổi đoàn cấp địa phương, thiết lập quan hệ hữu nghị giữa các thành phố lớn...

Các nhà khoa học đánh giá kết quả hợp tác song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt được nhiều thành tựu to lớn, song trong một số lĩnh vực trụ cột vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của mỗi nước. Do đó, cần phải có tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới, tăng cường phát huy những nhân tố tương đồng, đánh giá đúng tiềm năng hợp tác của mỗi nước trong từng lĩnh vực, từ đó xác định hướng ưu tiên, thế mạnh để hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ ngày càng hiệu quả.

Thùy Linh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền