Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam
Thứ hai, 24 Tháng 4 2017 17:32
1684 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam

(LLCT) - Ngày 21-4-2017, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học: Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam, nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí  (5-5-1902 – 5-5-2017).

PGS, TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; PGS, TS Hoàng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902, tại thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Trước cảnh đất nước bị đô hộ bởi thực dân Pháp, nhân dân sống trong cảnh lầm than, đồng chí sớm nung nấu ý chí cứu dân, cứu nước. Từ một đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tân Việt cách mạng Đảng, được giác ngộ lý tưởng cách mạng, Phan Đăng Lưu trở thành đảng viên và cán bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1940, gần như toàn bộ BCH Trung ương Đảng bị bắt và giết hại, chỉ còn một mình, đồng chí Phan Đăng Lưu đã chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị tái lập BCH Trung ương Đảng (11-1940). Ngày 22-11-1940, đồng chí bị địch bắt, và ngày 26-8-1941, bị thủ tiêu bí mật tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định.

Tọa đàm đã tập trung làm rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với cách mạng Việt Nam, trong đó tập trung vào các nội dung chính:

Một là, những nhân tố góp phần hình thành nên phẩm chất và nhân cách cao đẹp của đồng chí Phan Đăng Lưu.

Trao đổi về những nhân tố hình thành phẩm chất và nhân cách cao đẹp của Phan Đăng Lưu, PGS, TS Nguyễn Thị Kim Dung đã chỉ rõ, có 4 yếu tố: Trước hết, đó là truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, yêu thương con người của dân tộc Việt Nam. Thứ hai là truyền thống yêu nước của quê hương Nghệ An. Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, hiếu học, nơi có nhiều người đỗ đạt trong các khoa thi (hơn 1000 người). Nơi đây là quê hương của nhiều phong trào yêu nước sôi nổi, gắn liền với tên tuổi của nhiều bậc anh hùng, nghĩa sĩ trong lịch sử Việt Nam. Đây cũng là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, đã hình thành nên ý chí và nghị lực phấn đấu cho con người Nghệ An. Thứ ba, Phan Đăng Lưu được sinh ra trong một gia đình, dòng họ có truyền thống yêu nước, khoa bảng. Một yếu tố quan trọng nữa là sự nhận thức của Phan Đăng Lưu. Không cam chịu trước cảnh nước mất nhà tan, anh ấp ủ hoài bão đấu tranh để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân, sớm dấn thân vào con đường cách mạng.

Hai là, những đóng góp của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với cách mạng Việt Nam.

Trao đổi về những hoạt động của Phan Đăng Lưu trong tổ chức Phục Việt, PGS, TS Phạm Hồng Chương đã làm rõ bước ngoặt trong cuộc đời của Phan Đăng Lưu từ một người yêu nước trở thành một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, trở thành Uỷ viên Thường vụ của Tân Việt cách mạng Đảng (7-1928); đặc biệt là đóng góp của đồng chí trong thuyết phục Tân Việt phát triển theo đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tìm hiểu hoạt động của Phan Đăng Lưu tại Trung Quốc qua tài liệu của mật thám Pháp, PGS, TS Trần Minh Trưởng nêu 3 nội dung, đó là Phan Đăng Lưu sang Trung Quốc khi nào, có vai trò gì và những hoạt động của đồng chí tại Trung Quốc. Hiện nay, có nhiều tài liệu với nội dung chưa thống nhất về số lần Phan Đăng Lưu sang Trung Quốc và các hoạt động của đồng chí tại Trung Quốc. Theo PGS, TS Trần Minh Trưởng, đồng chí Phan Đăng Lưu sang Hương Cảng ngày 15-12-1928 để hợp nhất Tân Việt Cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tuy nhiên, đã không bắt liên lạc được với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, vì thế ngày 11-5-1929, đồng chí trở về nước. Tháng 9-1929, đồng chí lại được cử sang Quảng Châu, Trung Quốc, nhưng trên đường đi bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng. Như vậy, Phan Đăng Lưu chỉ có 1 lần sang Trung Quốc. Đồng chí cũng không tham gia 1 trong 3 lớp học của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu như nhiều tài liệu đã viết.

Về vai trò của Phan Đăng Lưu trong khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), PGS, TS Nguyễn Thanh Tâm nêu rõ: cuối năm 1939, Phan Đăng Lưu được Trung ương Đảng điều động vào Nam Kỳ để phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ, đồng chí góp phần to lớn đưa phong trào cách mạng ở đây phát triển lên một bước mới. Giữa tháng 10-1940, nhận thấy chủ trương khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đủ điều kiện, đồng chí đã kiên trì chỉ đạo Xứ ủy Nam Kỳ tạm hoãn khởi nghĩa, chờ xin chỉ thị của Trung ương. Đồng chí Phan Đăng Lưu đã ra gặp Xứ uỷ Trung Kỳ và Bắc Kỳ, triệu tập cuộc họp, cùng với Xứ uỷ Bắc Kỳ, tổ chức Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị cũng đồng thời quyết định hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ, giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu trở lại Nam Kỳ truyền đạt quyết định. Tuy nhiên, vừa về tới Sài Gòn, đồng chí đã bị địch bắt.

Ba là, tấm gương đạo đức sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu - một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, trên con đường cách mạng đầy gian khổ, hy sinh. Hai lần bị tù đày, tra tấn dã man trong nhà tù của đế quốc nhưng không làm lay chuyển được ý chí sắt đá của người chiến sĩ cộng sản. Về tấm gương đạo đức sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu,PGS, TS Bùi Đình Phong nêu rõ: cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu là tấm gương đạo đức sáng ngời, có thể gói gọn trong 6 chữ: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm, Trung. Đồng chí là một người lãnh đạo tiêu biểu, một nhân cách văn hoá lớn, là tấm gương cho các thế hệ noi theo.

 

Thúy Thảo

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền