Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam
Thứ sáu, 12 Tháng 5 2017 10:57
2037 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam

(LLCT) - Sáng 10-5-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam”.

PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS, TS Nguyễn Hữu Thắng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí Cộng sản, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, đại diện lãnh đạo Học viện khu vực I, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các viện chuyên ngành, các đơn vị chức năng trực thuộc Học viện, các nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài Học viện.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh, Hội thảo Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam với mục đích giúp các cấp, các ngành, các nhà khoa học hiểu đúng, nắm chắc bản chất của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0), đồng thời có thể hiểu rõ hơn những thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng này với sự phát triển của nước ta hiện nay.

Theo PGS, TS Lê Quốc Lý, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thể hiện qua nhiều bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước và đặc biệt là tại chương trình nghị sự Hội nghị Trung ương 5 khóa XII. Tuy nhiên, đến nay, nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong cán bộ, đảng viên, trong các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và trong xã hội nói chung còn hạn chế; chưa có những nghiên cứu một cách hệ thống về bản chất, tác động cũng như thời cơ, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp này. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, các tiền đề, điều kiện cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn rất hạn chế, trở ngại. Mô hình, trình độ phát triển kinh tế, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ còn hạn chế, tiềm lực cho phát triển cả về nhân lực và vật lực còn rất khiêm tốn…

Trên tinh thần đó, tại Hội thảo, các đại biểu phân tích sâu hơn về bản chất, ý nghĩa của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu những tác động của nó tới Việt Nam; làm rõ hơn những cơ hội, thời cơ, khó khăn, thách thức từ cuộc Cách mạng này đối với Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các biện pháp, kiến nghị nhằm sớm có kế hoạch, chương trình hành động, có chính sách, đặc biệt là chính sách công nghiệp, chính sách đào tạo, chính sách về khoa học - công nghệ … nhằm chủ động, tích cực đón nhận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0  được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS). Bản chất của Cách mạng công nghiệp 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,...

Đại tá Lê Thế Mẫu chỉ rõ, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng, làm biến đổi nhanh chóng nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi trong toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Đặc biệt, cuộc Cách mạng này tạo ra nền sản xuất và dịch vụ linh hoạt; tạo ra kỷ nguyên mới trong công nghệ robot. Dự báo vào khoảng giữa thập kỷ thứ ba của thế kỷ này, 10% dân số sẽ mặc quần áo kết nối với internet, 30% việc kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo. Những kết quả của cuộc Cách mạng 4.0 sẽ tạo ra nền sản xuất linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ở mọi thời điểm; hình thành môi trường giao tiếp mới giữa con người và máy móc trên phạm vi toàn cầu; mở ra kỷ nguyên mới cho robot thông minh; kỷ nguyên lắp ráp các phương tiện vật chất từ nguyên tử và hình thành công nghiệp sản xuất không có phế thải…

PGS, TS Nguyễn Chí Dũng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đánh giá, Việt Nam đang ở giữa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và tích cực ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để đi tắt, phát triển. Cơ hội là rất lớn nhưng những thách thức cũng không nhỏ, đó là thách thức từ chính nội tại quá trình phát triển và thách thức từ môi trường kinh tế quốc tế mà Việt Nam đang hội nhập.

Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo cho rằng, để Việt Nam nhanh chóng trở thành nước công nghiệp hiện đại, cần đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện nền giáo dục, xây dựng và phát triển các nguồn lực kinh tế, xã hội đã có. GS Đặng Quốc Bảo, (Học viện Quản lý giáo dục), khẳng định để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống giáo dục nước nhà cần kiến tạo lại bảo đảm theo các tiêu chí như có sức chứa, sức hút, sức thấm và sức sáng tạo; đồng thời cần hình thành một số loại tư duy như: logíc, hình tượng, biện chứng, ngôn ngữ, quy trình, kỹ thuật – công nghệ, kinh tế, chính trị, quản lý nhằm tạo ra mô hình nhân cách con người đạo đức, bổn phận, tư duy trên nền tảng giáo dục. Trước sự phát triển của công nghệ thông tin, việc học tập là yêu cầu đối với tất cả mọi người để tạo ra con người hành động, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. 

Tại Hội thảo, nhiều phát biểu, tham luận đã phân tích, làm rõ các nội dung: Đặc điểm và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tới phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cuộc cánh mạng vào phát triển nông nghiệp ở Việt Nam; vấn đề quyền con người và an ninh quốc gia đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0…

Hội thảo đã khẳng định và thống nhất một số điểm: (1) Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa khắp thế giới, vì vậy cần phải nắm bắt, nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến và có những đề xuất về bước đi, giải pháp chính sách; (2) Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất gắn với các công nghệ đột phá như internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số; (3) Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động nhanh, mạnh, rộng khắp chưa từng có trong lịch sử đến tất cả các ngành, lĩnh vực, trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực; (4) Đối với Việt Nam, cuộc cách mạng này tạo ra nhiều thời cơ cho phát triển, đặc biệt là trong phát triển công nghệ, lựa chọn mô hình phát triển mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, thuận lợi hóa tiêu dùng, phát triển nhiều ngành nghề mới, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân, nâng cao vị thế quốc gia. Đồng thời, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn; (5) Để bắt kịp với Cách mạng công nghiệp 4.0, cần đổi mới tư duy của mỗi người dân và của toàn xã hội, quan tâm và thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng này vào thực tiễn; Đảng, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách thích hợp tích cực hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyễn Thị Lan

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền