Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Điều kiện để thực hiện chức năng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam
Thứ sáu, 19 Tháng 5 2017 17:13
1523 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Điều kiện để thực hiện chức năng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam

(LLCT) - Ngày 18-5-2017, Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Điều kiện để thực hiện chức năng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam”.

PGS, TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học; PGS, TS Phạm Quốc Trung, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học Chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các viện chuyên ngành, các đơn vị chức năng trực thuộc Học viện; các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh Viện Kinh tế chính trị học; đại diện lãnh đạo, giảng viên Khoa Kinh tế, Học viện chính trị khu vực I.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Phạm Quốc Trung nêu rõ: vấn đề xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại và hội nhập. Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đang mở ra nhiều hy vọng cho cộng đồng doanh nghiệp vào sự đổi mới môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn, mở ra kỳ vọng về giai đoạn phát triển mới của kinh tế Việt Nam bền vững hơn trong tương lai.

Theo PGS, TS Phạm Quốc Trung, khái niệm “Nhà nước kiến tạo phát triển” do học giả Chalmers Ashby Jonhson đưa ra lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế khi nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Lý luận này ngày càng được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và bổ sung, phát triển trên cơ sở phân tích, tổng kết thực tiễn ở một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Đặc trưng của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là: (i) Các cơ quan nhà nước hoạt động công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, tầm nhìn phục vụ sự phát triển; (ii) nhà nước chuyển từ vai trò quản lý, điều hành sang vai trò kiến tạo phát triển, như: định hướng phát triển, hỗ trợ phát triển, quản trị rủi ro trong phát triển; (iii) nhà nước có quan hệ chặt chẽ, tận tụy phục vụ doanh nghiệp, người dân; tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp, người dân được bình đẳng, tham gia sáng tạo vào quá trình làm giàu cho bản thân và xã hội.

Trên cơ sở các lý thuyết chung về nhà nước kiến tạo, Hội thảo tập trung vào 3 vấn đề chính, đó là: làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình cũng như quá trình xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam; phân tích những điều kiện để Nhà nước Việt Nam thực hiện được chức năng kiến tạo phát triển; đề xuất các giải pháp để xây dựng thành công Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đánh giá những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trong xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, PGS, TS Hoàng Thị Bích Loan và ThS Đỗ Hồng Việt khẳng định, việc xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam là yêu cầu tất yếu. Việt Nam đã có những thuận lợi đó là: đón bắt cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chính phủ điện tử, góp phần nâng cao sự tương tác giữa Chính phủ và người dân; hệ thống chính trị đồng bộ, nhất nguyên về tư tưởng, cùng với sự quyết tâm đổi mới của Đảng để phát triển đất nước; Việt Nam là nước đi sau, có cơ hội tiếp thu các bài học kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những khó khăn như: tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm trong ban hành chính sách, quản lý xã hội; chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; vấn đề tham nhũng, lãng phí; trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước chưa được thực thi trong thực tiễn; chính sách thu hút nhân tài chưa hiệu quả …

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Minh Quang, giảng viên Viện Kinh tế chính trị học, cũng khẳng định vai trò của nhà nước kiến tạo trong nền kinh tế nhằm bảo đảm nền kinh tế phát triển một cách công bằng, bền vững. Đã có nhiều lý thuyết về mô hình nhà nước kiến tạo được đưa ra, nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa đạt được những kết quả như ý. Theo PGS, TS Nguyễn Minh Quang, đó là do chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng ý với quan điểm nay, PGS, TS Nguyễn Khắc Thanh, Viện Kinh tế chính trị học, chỉ ra: muốn có nhà nước kiến tạo đòi hỏi 2 yếu tố là: thể chế và con người. Tuy nhiên, thực trạng Việt Nam hiện nay, thể chế nhà nước chưa phát huy được chức năng kiến tạo phát triển: doanh nghiệp, người dân chưa thực sự phát huy được quyền làm chủ; trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước còn hạn chế, bất cập… Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc chưa hiệu quả, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu… Đây là những nguyên nhân chính khiến cho việc xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam chưa thành công.

Bàn về mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước trong xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam, PGS, TS Đoàn Xuân Thủy, Viện Kinh tế chính trị học, khẳng định: nhà nước chỉ tạo điều kiện chứ không thể làm thay cho doanh nghiệp nhà nước. Mối quan hệ này về cơ bản là không khác gì mối quan hệ của nhà nước với các thành phần kinh tế khác. Doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp ngoài nhà nước đều cần được đối xử bình đẳng như nhau.

Nhà nước cần phải tôn trọng quy luật thị trường, hỗ trợ thị trường phát triển. Đặc biệt, nhà nước kiến tạo phải bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền. Ở Việt Nam hiện nay, Luật cạnh tranh 2005 đã không còn phù hợp, đòi hỏi Nhà nước phải hoàn thiện luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, phải tăng cường năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh của 2 cơ quan đó là: Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh.

Tại Hội thảo, các tham luận đã phân tích, làm rõ các vấn đề: vai trò của Nhà nước kiến tạo với phát triển kinh tế vùng; trách nhiệm giải trình của Nhà nước kiến tạo; phát huy nhân tố con người trong xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam.

Hội thảo đã đúc kết 3 yếu tố chính để thực hiện chức năng Nhà nước kiến tạo phát triển: (1) nhân tố con người phải bảo đảm đủ đức, đủ tài; (2) công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá hiệu quả công việc; (3) yếu tố thể chế: cần hoàn thiện các thể chế liên quan như tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, cơ chế kiểm soát quyền lực…

 

Thúy Thảo

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền