Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm: Chia sẻ Báo cáo nghiên cứu toàn cầu về giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng
Thứ hai, 26 Tháng 6 2017 10:26
1517 Lượt xem

Tọa đàm: Chia sẻ Báo cáo nghiên cứu toàn cầu về giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng

(LLCT) Chiều 20-6-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm: Chia sẻ Báo cáo nghiên cứu toàn cầu về giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng. PGS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; ông Carlos Silva Jauregui, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ban Giảm nghèo và Công bằng thuộc Ngân hàng Thế giới tại Washington D.C; ông Mario Negre, chuyên gia Kinh tế, Ban Giảm nghèo và Công bằng thuộc Ngân hàng Thế giới tại Washington D.C., cùng đông đảo các nhà khoa học, trong và ngoài Học viện.

Nghiên cứu toàn cầu về giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng được Ngân hàng thế giới thực hiện năm 2016 với mục đích tìm hiểu vấn đề bất bình đẳng trên thế giới và xây dựng các giải pháp thông qua việc tìm hiểu lợi ích của các nước khi muốn thu hẹp hố sâu bất bình đẳng. Khảo sát của nghiên cứu được thực hiện tại các nước áp dụng các chính sách có mục tiêu giảm bất bình đẳng, đồng thời phân tích số lượng lớn các bằng chứng để tìm ra các giải pháp hiệu quả để áp dụng đối với từng quốc gia. Nghiên cứu chỉ ra rằng, ở các quốc gia bình đẳng hơn, người dân thường khỏe mạnh hơn, nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, ổn định xã hội cao hơn những nước kém bình đẳng. Những quốc gia có đầu tư sáng suốt vào công tác thu hẹp bất bình đẳng thường có sự tăng trưởng kinh tế bền vững hơn những nước không đầu tư. Giảm bất bình đẳng sẽ có lợi cho đa số người dân trên thế giới.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao chất lượng cũng như hệ thống giải pháp mà Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu về giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng đã đề ra trong việc giảm thiểu nghèo đói, bất bình đẳng xã hội và tăng trưởng kinh tế. Với cách tiếp cận đa chiều về nghèo đói, kết quả nghiên cứu của WB giúp các nhà lãnh đạo ở mỗi quốc gia có cái nhìn bao quát, đầy đủ hơn trong quá trình tìm ra căn nguyên cũng như hoạch định, thực thi chính sách cho phát triển bền vững. Ở Việt Nam hiện nay, tình trạng nghèo đói đã giảm song tỷ lệ nghèo vẫn tập trung cao ở nhóm người dân tộc thiểu số, dân cư ở vùng sâu, vùng xa xôi, hẻo lánh; và tốc độ tăng trưởng kinh tế không ổn định. Kết quả Nghiên cứu góp phần gợi mở cho Việt Nam những giải pháp phù hợp nhằm giảm nghèo bền vững và đáp ứng yêu cầu hội nhập toàn cầu.

Trình bày báo cáo Nghiên cứu toàn cầu về giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng tại Tọa đàm,Ông Ousmane Dione phân tích rõ những kết quả nghiên cứu đã đạt được trong việc tìm hiểu tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng trên thế giới. Tình trạng nghèo đói cùng cực trên toàn cầu đang tiếp tục giảm trong giai đoạn hiện nay. Năm 2013, tỷ lệ dân số thế giới sống trong đói nghèo đạt mức giảm ấn tượng 1,7 điểm phần trăm, từ 12,4 % xuống còn 10,7%. Tuy vậy, do tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu nên mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt đói nghèo cùng cực trên toàn  thế giới (chỉ còn 4%) đang đứng trước nguy cơ khó đạt được. Giảm nghèo trong những năm tới có thể sẽ không bảo đảm đủ tiến độ để đạt được mục tiêu trên. Ngay cả với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong 20 năm qua cũng sẽ khó có thể đạt đến mốc năm  2030 chấm dứt nghèo cùng cực. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang tiếp tục suy giảm, trong khi đó tốc độ giảm nghèo ở một số khu vực chính đang có chiều hướng giảm.

Một trong những nguyên nhân gây ra nghèo đói là tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Nghiên cứu chỉ rõ sự tác động đa chiều của bất bình đẳng thu nhập tới tăng trưởng kinh tế. Ở phần lớn các nước, mức thu nhập của hộ gia đình đóng vai trò lớn trong việc quyết định những cơ hội học hành, địa vị xã hội, nghề nghiệp sẽ mở ra (hay khép lại) với con em họ. Bất bình đẳng thu nhập dẫn đến những cơ hội bất bình đẳng trong cuộc đời của thế hệ kế tiếp. Điều đó cũng có nghĩa là ở những nước kém bình đẳng đang lãng phí các nguồn lực quan trọng (năng lực sản xuất của nhiều thành viên xã hội), sử dụng thiếu hiệu quả và bền vững. Bất bình đẳng thu nhập sẽ sản sinh hay làm trầm trọng thêm các hình thức bất bình đẳng khác, như bất bình đẳng về sức khỏe, tuổi thọ trung bình… Bất bình đẳng thu nhập thường làm suy yếu các mối ràng buộc xã hội và tạo ra một môi trường nghi kỵ lẫn nhau giữa các thành phần xã hội. Do làm suy giảm sự thống nhất, lòng tin trong xã hội mà tình trạng bất bình đẳng cao tạo ra kẽ hở cho chủ nghĩa dân túy, cũng như chủ nghĩa cực đoan tôn giáo hay chính trị.

Ông Ousmane Dione cho rằng, trong tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay, giảm bất bình đẳng sẽ tạo ra đòn bẩy quan trọng để chấm dứt đói nghèo.

Phát biểu tại Tọa đàm, Chuyên gia kinh tế trưởng Carlos Silva Jauregui nêu bật một số giải pháp mà Nghiên cứu toàn cầu về giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng đề ra trong việc giảm thiểu bất bình đẳng và tăng trưởng kinh tế: 1) Áp dụng các can thiệp phát triển trẻ nhỏ và dinh dưỡng như: các chương trình nuôi con bằng sữa mẹ, dinh dưỡng; đào tạo kỹ năng làm cha, mẹ để giúp cha, mẹ tạo môi trường tối ưu cho phát triển thể chất, tinh thần, ngôn ngữ, nhận thức của trẻ; các chương trình ở trường mầm non giúp tăng tiếp cận giáo dục chính quy… 2) Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân bằng việc bảo đảm tiếp cận chăm sóc sức khỏe phổ cập. Chương trình này dựa trên cơ sở là tất cả mọi người phải nhận được sự chăm sóc cần thiết, khi cần và với chi phí phù hợp. 3) Phổ cập tiếp cận giáo dục có chất lượng trên cơ sở đảm bảo chất lượng dạy học ở các cấp. 4) Trợ cấp bằng vật chất cho hộ nghèo theo định kỳ hoặc với các hộ nghèo “có điều kiện” khi họ thỏa mãn một số điều kiện nhất định, như đảm bảo con cái đi học đều được nhận trợ cấp… 5) Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn như hệ thống “điện, đường, trường, trạm” đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh kế của người dân. 6) Cải cách thuế nhằm giảm thâm hụt tài khóa, tăng nguồn thu để chi tiêu xã hội cũng như nâng cao tính bình đẳng về thuế.

Các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đánh giá cao những kết quả của Nghiên cứu toàn cầu về giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng và cho rằng ở Việt Nam hiện nay, tình trạng nghèo đói đã giảm songđối tượng nghèo là người dân tộc thiểu số (ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa) chiếm trên một nửa số người nghèo, trong khi tốc độ giảm nghèo trong nhóm thiểu số có sự chậm lại. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, các cộng đồng dân tộc và thích ứng với những yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyễn Thị Lan

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền