Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Quản lý xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay: lý luận và thực tiễn
Thứ hai, 26 Tháng 6 2017 10:42
1711 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Quản lý xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay: lý luận và thực tiễn

(LLCT) - Ngày 23-6-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học: Quản lý xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay: lý luận và thực tiễn. PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; GS, TS Lê Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Xã hội học Chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đông đảo các giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý xã hội trong giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam hiện nay, sự cần thiết phải nghiên cứu về quản lý xã hội, cũng như xây dựng hệ thống chương trình đào tạo về quản lý xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước.

Hội thảo tập trung đánh giá và làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra đối với quản lý xã hội trong điều kiện xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, với ba nội dung chính:

- Làm rõ khái niệm quản lý xã hội, hệ thống hóa các lý thuyết và các vấn đề lý luận, thực tiễn trong nghiên cứu quản lý xã hội;

- Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý xã hội ở nước ta hiện nay;

- Đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, triển khai vào đào tạo về quản lý xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là ở Học viện.

Phát biểu tại hội thảo, GS, TS Lê Ngọc Hùng làm rõ khái niệm quản lý xã hội; phân biệt quản lý xã hội với quản lý các lĩnh vực cụ thể như quản lý kinh tế, quản lý giáo dục... Quản lý xã hội có 5 chức năng, đó là: thích ứng, hướng đích, duy trì, đoàn kết. 5 nguyên lý cơ bản chi phối quản lý xã hội bao gồm: cởi mở, hướng đích, đa chiều, hợp trội và phản trực cảm.

Phân tích quản lý xã hội từ cách tiếp cận lý thuyết hệ thống, GS, TS Lê Duy Hợp đưa ra hệ thống các khái niệm về lý thuyết hệ thống cũng như các loại hệ thống. Theo GS, TS Lê Duy Hợp, quản lý là một dạng hoạt động của chủ thể tác động vào khách thể nhằm đạt được hai mục đích là duy trì tình trạng tốt đẹp và phát triển tình trạng tốt đẹp đó. Quản lý xã hội hiểu theo nghĩa hẹp là quản lý các mặt xã hội cụ thể (như quản lý kinh tế, giáo dục, y tế…); quản lý xã hội theo nghĩa rộng là quản lý các mặt xã hội tổng thể, đây chính là vấn đề còn yếu ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng lý thuyết cấu trúc xã hội vào quản lý xã hội, GS, TS Nguyễn Đình Tấn cho rằng, việc nghiên cứu cấu trúc xã hội (bao gồm cấu trúc xã hội theo chiều ngang và cấu trúc xã hội theo chiều dọc) không những không làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, mà còn là cơ sở để đưa ra các chính sách quản lý xã hội, hóa giải những chia rẽ, tạo điều kiện cho phát triển xã hội công bằng và bền vững. Nghiên cứu cấu trúc xã hội gắn liền với nghiên cứu các thiết chế xã hội. Thiết chế xã hội là mô hình hành vi để mọi người trong xã hội tuân theo; nó có vai trò điều chỉnh hành vi của con người. Các thiết chế xã hội có đặc điểm là khá bền vững, chậm biến đổi và có xu hướng phụ thuộc vào nhau. Trong một xã hội trì trệ, các thiết chế xã hội có thể ngăn cản những cải cách, đổi mới. Vì vậy, đổi mới xã hội phải gắn với đổi mới thiết chế xã hội. Việc đổi mới thiết chế xã hội phải thận trọng, từng bước, nhịp nhàng, đổi mới đồng thời kinh tế và chính trị, cũng như có sự theo dõi, điều chỉnh kịp thời.

Nghiên cứu vấn đề quản lý xã hội và đô thị hóa ở Việt Nam, GS, TS Trịnh Duy Luân chỉ ra những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh trong quá trình đô thị hóa như: sự quá tải của cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội; ô nhiễm môi trường; bất bình đẳng trong xã hội gia tăng; các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội… Trong khi đó, khác với các lĩnh vực khác của xã hội, đô thị hóa không có một cơ quan quản lý nhà nước chủ quản, mà thuộc về nhiều cơ quan, sự quản lý thiên về các yếu tố kinh tế, vật chất (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường…). Vì vậy, để phát triển bền vững, trong định hướng quản lý xã hội với quá trình đô thị hóa phải chú trọng nguyên tắc: bảo đảm sự hài hòa trong quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế - phát triển xã hội, phát triển con người - bảo vệ môi trường.

Các ý kiến phát triển tại Hội thảo cũng thống nhất cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay, quản lý xã hội là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi tư duy hệ thống, đa chiều. Quản lý xã hội phải bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hạn chế những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường.

 

Nguyễn Thúy Thảo

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền