Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: Đồng chí Võ Chí Công với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam
Thứ ba, 08 Tháng 8 2017 11:26
1592 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: Đồng chí Võ Chí Công với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

(LLCT) - Kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, sáng 7-8-2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Đồng chí Võ Chí Công với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam”. PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng;  PGS, TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng chủ trì Tọa đàm.

Đồng chí Võ Chí Công sinh ngày 7-8-1912 tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ năm 1930 - 1931; tháng 5 năm 1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Được rèn luyện và trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, đồng chí đã sớm trở thành cán bộ lãnh đạo của Ðảng trên các cương vị Bí thư chi bộ, Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ (1-1940), Bí thư lầm thời Tỉnh ủy Quảng Nam (3-1940)... Năm 1943, đồng chí bị địch bắt, kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù giam ở nhà lao Hội An rồi bị đầy đi nhà tù Buôn Mê Thuột. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, tháng 3-1945, đồng chí ra tù trở về thực tiễn tham gia chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám trên cương vị Trưởng Ban Khởi nghĩa của tỉnh.

Sau Cách mạng Tháng Tám (8-1945), Đảng và Nhà nước đã phân công cho đồng chí giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Thanh tra quân Khu V, Bí thư Ban Cán sự Đông Bắc Miên, Khu uỷ viên Khu V, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Bí thư Khu uỷ V. Từ 1961 đến 1975, với bí danh Năm Công, đồng chí giữ chức Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Bí thư khu uỷ V, Chính uỷ Quân khu V, Phó ban Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 12-1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1978, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam. Từ tháng 4-1981, đồng chí được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (3-1982), đồng chí được Ban Chấp hành bầu vào Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS, TS Đỗ Xuân Tuất nhấn mạnh, Tọa đàm khoa học về đồng chí Võ Chí Công là dịp để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng, đồng thời bày tỏ sự tri ân đối với người “chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời phấn đấu cho độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân và vì lý tưởng cộng sản; một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta”.

Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Võ Chí Công không chỉ trung kiên với lý tưởng của Đảng mà còn khẳng định bản lĩnh của một nhà lãnh đạo cách mạng bởi sự xuất hiện và thành công của đồng chí khi phải vượt qua các thử thách nghiệt ngã nhất trong thời kỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc (1930-1945), tới công cuộc bảo vệ chế độ mới (1945-1946), qua hai cuộc hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975). Ở mỗi giai đoạn cách mạng, đồng chí đều thể hiện rõ thái độ trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân để đối diện và làm thay đổi những quan niệm, những phương thức hoạt động, những phương án có sẵn hoặc những quan điểm cũ kỹ, giáo điều, xa rời thực tiễn, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của nhân dân bằng sự sáng tạo, trí tuệ khoa học và cách mạng, sự tin tưởng vô biên vào sức mạnh nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Với những cống hiến đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí Võ Chí Công xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Hơn 20 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm tập trung phân tích làm rõ tài năng lãnh đạo và những đóng góp, cống hiến to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Các tham luận tại Tọa đàm khẳng định, với hơn 80 năm hoạt động, cống hiến liên tục của đồng chí Võ Chí Công cho Ðảng, cho cách mạng, đầy hy sinh gian khổ, nhưng vô cùng vẻ vang, đồng chí đã để lại cho Ðảng và nhân dân ta tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tấm gương của người cộng sản mẫu mực, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng của Ðảng. Ðồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng kiên cường; một nhà lãnh đạo tài năng, luôn suy nghĩ và hành động một cách sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn, lấy kết quả của hoạt động trong thực tiễn làm thước đo chân lý; gắn bó mật thiết với nhân dân.

Phân tích những đóng góp của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp xây dựng Đảng, PGS, TS Đức Vượng (Hội đồng lý luận Trung ương) khẳng định, đồng chí Võ Chí Công có sự tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh vô địch và trí tuệ sáng tạo vĩ đại của nhân dân đối với Đảng và cách mạng. Bởi vậy đồng chí yêu cầu toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đảng phải có các chủ trương, chính sách phù hợp với lợi ích của nhân dân. 

Nhiều ý kiến phát biểu tại Tọa đàm khẳng định, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, đồng chí Võ Chí Công đã vượt mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì bám đất, bám dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, tổ chức chỉ đạo quân và dân Liên khu V chiến đấu không lùi bước, giành được nhiều thắng lợi to lớn.

Đánh giá những đóng góp của đồng chí Võ Chí Công với Nghị quyết Trung ương 15 của Đảng, TS Lý Việt Quang (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) nhấn mạnh, trải nghiệm, tôi luyện trong thử thách, trong thực tế lãnh đạo, điều hành các cấp, với tác phong sâu sát quần chúng, với bản lĩnh cách mạng và tài trí kiên cường, đồng chí Võ Chí Công đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 lịch sử, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam. Sau Nghị quyết này, Bộ Chính trị quyết định đồng chí làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, cùng với Trung ương Cục chỉ đạo tổ chức Ðại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS, TS Phạm Hồng Chương (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) khẳng định những hoạt động của đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam gắn với sự sáng tạo của nhà lãnh đạo với thực tiễn, với nhân dân, thể hiện rõ nhất trong công tác tổ chức cán bộ và lãnh đạo quân sự. 

Các tham luận tại Tọa đàm khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú và những cống hiến của đồng chí Võ Chí Công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp đổi mới, với công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay. 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, PGS, TS Lê Quốc Lý đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và các nhà khoa học. Các phân tích, lý giải đã góp phần làm sâu sắc thêm những đóng góp của đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam. Những tổng kết đúc rút từ thực tiễn cách mạng và tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đồng chí đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong quá trình đổi mới đất nước hiện nay.

Nguyễn Thị Lan

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền