Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học quốc tế: 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và một thế kỷ chủ nghĩa xã hội hiện thực - giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại (1917-2017)
Thứ sáu, 18 Tháng 8 2017 17:27
2069 Lượt xem

Tọa đàm khoa học quốc tế: 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và một thế kỷ chủ nghĩa xã hội hiện thực - giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại (1917-2017)

(LLCT) - Ngày 17-8-2017, tại Hà Nội, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và một thế kỷ Chủ nghĩa xã hội hiện thực: Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại (1917-2017)”. Dự Tọa đàm có các các nhà khoa học, đại biểu đến từ Liên bang Nga, Trung Quốc, Lào, Cu Ba, Thụy Điển và Việt Nam.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Thong Sa Lit Mang No Meck, Uỷ viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào; GS, TS Lý Như Quân, Nguyên Phó Giám đốc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc và GS, TS, V.V.Kondrashine, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Kinh tế, Viện Lịch sử Nga, Viện Hàn lâm khoa học Nga, Uỷ viên Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng trong bài phát biểu đề dẫn nhấn mạnh: Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng mang sứ mệnh khai sinh ra CNXH hiện thực - một kiểu phát triển xã hội mới, công bằng và dân chủ hơn cho thế giới hiện nay. Một thế kỷ quá độ đi lên CNXH đã diễn ra với rất nhiều thăng trầm, có cả những thành tựu và cả những đổ vỡ, thất bại. Nhưng cũng từ thực tiễn này, mỗi nước trên con đường xây dựng CNXH hiện thực đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và bước đầu xác định trên thực tế một số quy luật của quá trình xây dựng CNXH. Với ý nghĩa đó, đồng chí đề nghị nhà khoa học tập trung làm rõ những nội dung: giá trị thời đại, ý nghĩa mở đường và tinh thần khai sáng cho cả một thế kỷ phát triển vừa qua; nhìn nhận lại sự hình thành và phát triển CNXH hiện thực ở mỗi nước và trào lưu XHCN trên thế giới một thế kỷ qua.

Tại Tạo đàm, các nhà khoa học đã tập trung, trao đổi về các vấn đề :

Về giá trị thời đại của Cách mạng tháng Mười Nga. Các ý kiến phát biểu đều thống nhất rằng: Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những cuộc cách mạng có ý nghĩa lịch sử vô cùng  lớn lao của nhân loại, đem lại nhiều đổi thay cho thế giới về cả lý luận và thực tiễn. Cách mạng Tháng Mười Nga là một sự kiện vĩ đại của lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX, mở đầu thời đại mới: thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới; đánh dấu bước chuyển biến về chất của CNXH khoa học: từ lý luận đã trở thành hiện thực sinh động. Đồng thời, Cách mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên.

PGS,TS Thong Sa Lit Mang No Meck khẳng định: Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng đầu tiên trên thế giới giành được thắng lợi, thành lập nhà nước của công nông; ảnh hưởng sâu rộng, tác động toàn diện, sâu sắc đến tiến trình phát triển lịch sử thế giới; phá vỡ mắt xích trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng. Đây là cuộc cách mạng xã hội đầu tiên thực hiện mục tiêu giải phóng nhân dân lao động khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc.

GS, TS Lý Như Quân, trong bài tham luận “Tôn trọng phép biện chứng lịch sử, phù hợp với trào lưu của thời đại, nắm bắt cơ hội cải cách phát triển - bàn về "Đảng Cộng sản Trung Quốc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin như thế nào trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" cho rằng: Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại cho Đảng Cộng sản Trung Quốc những kinh nghiệm cơ bản trong lãnh đạo cách mạng, xây dựng và cải cách đất nước, là kinh nghiệm thành công cho Đảng Cộng sản Trung Quốc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc.

GS, TS V.V.Kondrashine, khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm thay đổi căn bản cả Nga và toàn thế giới. Đặc biệt, được thành lập bởi cuộc cách mạng Nga vĩ đại, Liên Xô đã giải quyết được một loạt những vấn đề quan trọng toàn quốc của Nga, đặt nền móng cho sự phát triển hiện tại và tương lai.

Nhìn nhận lại sự hình thành và phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực ở mỗi nước và trào lưu xã hội chủ nghĩa trên thế giới một thế kỷ vừa qua. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, hiện thực hóa lý tưởng CNXH thật vinh quang nhưng cũng không hề dễ dàng. Thực tiễn nhiều chiều cạnh của chủ nghĩa xã hội hiện thực một thế kỷ qua, dưới cái nhìn của khoa học hôm nay, có thể rút ra những vấn đề có tính quy luật hoặc những kinh nghiệm để quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở mỗi nước trong thế kỷ XXI đạt hiệu quả.

GS, TS Lý Như Quân khẳng định, Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì và phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc, kiên trì Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, không chỉ kết hợp hữu cơ giữa kiên trì và phát triển, mà còn nhất định phải chuẩn bị tiến hành đấu tranh vĩ đại trong điều kiện lịch sử có nhiều cái mới, xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc.

Ngài Pereric Hgberg, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam đã nêu một số kinh nghiệm của Thuỵ Điển trong việc xây dựng một nhà nước phúc lợi xã hội, hiện đại, đổi mới và phát triển, đó là: Thụy Điển đã kết hợp phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện công bằng xã hội và phúc lợi xã hội tốt; hay nói cách khác, kết hợp giữa CNXH và CNTB. Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng xác định: niềm tin và sự thống nhất là tiền đề phát triển Nhà nước chứ không phải Nhà nước tạo ra niềm tin. Đây là một trong những nhân tố quan trọng của sự phát triển.

PGS, TS Thong Sa Lit Mang No Meck trao đổi về mô hình CNXH mà đang xây dựng, trên tinh thần đổi mới, tiếp tục giữ vững lập trường lý tưởng XHCN trong từng giai đoạn, xác định mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội đoàn kết, dân chủ, công bằng và văn minh; duy trì 6 nguyên tắc và 9 tiền đề bảo đảm cho sự nghiệp phát triển tiến lên CNXH.

Kết thúc Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định lại giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các mô hình CNXH trên thế giới để có những kinh nghiệm thực tiễn cho công cuộc phát triển. Đồng chí cho biết, vào tháng 10-2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga.

 

Hoa Mai

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền