Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học quốc tế: "Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa"
Thứ tư, 20 Tháng 12 2017 16:33
1625 Lượt xem

Hội thảo khoa học quốc tế: "Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa"

(LLCT) - Ngày 19-12-2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa” hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm Đối tác chiến lược, 1 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Hội thảo gồm 2 phiên với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học Ấn Độ và Việt Nam.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Chủ trì Hội thảo có: GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Bối cảnh thế giới và khu vực đang có những biến đổi to lớn và sâu sắc, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia trong đó có Việt Nam, Ấn Độ. Thích nghi và phát triển trong bối cảnh này, nếu chỉ dựa vào sức mạnh cứng thì không đủ mà cần phải dựa trên sức mạnh mềm, là sự tổng hòa của nhiều nhân tố như: chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, khoa học công nghệ, chất lượng dân số, năng lực đoàn kết và ổn định… Sức mạnh mềm còn có thể làm cho các quốc gia không liên kết về địa lý, khác nhau về hệ tư tưởng có thể xích lại gần nhau, liên kết với nhau vì mục đích chung là ổn định và phát triển.

Đồng chí khẳng định: Việt Nam và Ấn Độ là đối tác tự nhiên, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, quan hệ hai nước đã đạt đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đó là sự ủng hộ, hợp tác trong đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước, ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, tác động tới việc định hình chính sách quốc gia của mỗi nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Trong suốt tiến trình ấy, sức mạnh mềm luôn là sợi dây kết nối Việt Nam và Ấn Độ.

Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung luận giải sâu hơn bản chất, nội hàm phong phú của sức mạnh mềm, nguồn lực, giá trị, vai trò, tác động của sức mạnh mềm so với sức mạnh cứng và sức mạnh thông minh; việc tạo dựng, định hình phát triển sức mạnh mềm của Việt Nam và Ấn Độ trong suốt tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước trong tương lai. Từ đó, đánh thức, khơi dậy tiềm năng vốn có của hai quốc gia dân tộc, để hoạch định chủ trương, chính sách, phương châm, cách thức và bước đi hợp lý nhằm làm phong phú hơn, đậm nét hơn sức mạnh mềm của hai nước Việt Nam và Ấn Độ, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác phát triển song phương.

Phát biểu tại Hội thảo, ngài Parvathaneni Harish nhấn mạnh tác động của toàn cầu hóa đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - chính trị - văn hóa thế giới. Trong bối cảnh đó, sức mạnh mềm dân tộc cần được phát huy. Với Ấn Độ là nền văn hóa phong phú, đa dạng. Đây là sự kế thừa từ nền văn minh cổ đại hàm chứa tư tưởng thế giới đại đồng và nền chính trị hiện đại: đấu tranh giải phóng dân tộc, sự đoàn kết đưa nhân dân thoát khỏi đói nghèo trong xây dựng Tổ quốc, sức mạnh của văn hóa tranh biện và sự thu hút của ẩm thực, âm nhạc dân gian, phim ảnh… Đó cũng là cội nguồn làm nên sức mạnh mềm của văn hóa Ấn Độ và là những nét tương đồng làm nên mối quan hệ lâu dài, tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ. Mối quan hệ của hai nước không chỉ giới hạn trong đấu tranh giành độc lập, trong xây dựng đất nước mà hiện nay đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực, tác động tới việc hình thành chính sách quốc gia của mỗi nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Mong rằng qua Hội thảo được trao đổi, có thêm những phương thức khai thác và tăng cường sức mạnh mềm của hai nước, góp phần làm sâu sắc quan hệ hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý nêu rõ:  Sức mạnh mềm là khái niệm khoa học mới do GS Joshep Samuel Nye, Trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ đề xướng từ thập niên 90 thế kỷ XX. Sức mạnh mềm tạo ra hình ảnh tích cực, sự tôn trọng, ngưỡng mộ, làm cho các quốc gia có sức mạnh mềm mại hơn trong mắt các quốc gia khác. Sức mạnh mềm có thể làm cho các quốc gia không liên kết về địa lý, khác nhau về hệ tư tưởng có thể xích lại gần nhau, liên kết với nhau vì mục đích chung là ổn định, phát triển. Mối quan hệ Việt Nam - Ấn độ trải qua hàng ngàn năm lịch sử được ghi dấu bởi nhiều mốc lịch sử quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, văn hóa, quốc phòng, giáo dục - đào tạo,… Có được điều đó là nhờ cả hai nước có điểm tương đồng lớn: cùng có sức mạnh mềm.

Với hơn 100 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu tại hai phiên của Hội thảo, các học giả đã góp phần làm sáng tỏ các nội dung:

Lý luận về sức mạnh mềm

Các học giả đi sâu phân tích luận giải các khái niệm, nội hàm tư tưởng sức mạnh mềm do GS Joshep Samuel Nyeđề xướng. Từ đó, bổ sung, đưa ra các quan điểm mới về sức mạnh mềm trong thời đại ngày nay, như: sức mạnh thông minh, địa - chiến lược, địa - kinh tế, địa - văn minh. Vấn đề vai trò, vị trí của sức mạnh mềm, mối quan hệ giữa sức mạnh mềm và sức mạnh cứng, phương pháp thể hiện cũng được các học giả bàn luận.

Sức mạnh mềm Ấn Độ

Các lĩnh vực lịch sử, địa lý, dân số, tư tưởng triết học, tôn giáo, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, văn hóa, văn học nghệ thuật, kiến trúc,… góp phần khẳng định, làm giàu cho văn hóa và làm nên sức mạnh mềm Ấn Độ. Theo thời gian, Ấn Độ ngày càng chứng tỏ là một quốc gia sở hữu sức mạnh mềm bền vững và có sự lan tỏa rộng trên toàn thế giới với nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Sức mạnh mềm của Việt Nam

Các nội dung: cội nguồn, cơ sở hình thành sức mạnh mềm Việt Nam; vai trò, tác động, giá trị truyền thống sức mạnh mềm trong quá trình dựng nước, đấu tranh giành độc lập chủ quyền quốc gia, cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước; phương thức, giải pháp phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa... được các nhà khoa học Việt Nam và Ấn Độ luận giải sâu sắc. Một số học giả cho rằng, với vị trí địa lý trải dài bên Biển Đông, nơi giao thương quan trọng của các nước trong khu vực và trên thế giới, với bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam đã hun đúc, dựng xây cho mình truyền thống văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc. Về phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa, nhiều học giả khẳng định, trong bối cảnh mới, Việt Nam nhất định phải giữ gìn, củng cố, phát huy những nhân tố tốt đẹp trong truyền thống dân tộc như lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, chủ nghĩa dân tộc lành mạnh, lòng tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết,… Nhiều học giả đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để giữ gìn, phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh mới với nhiều biến đổi nhanh chóng, phức tạp.

Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ từ góc độ sức mạnh mềm

Các nhà khoa học tập trung bàn luận một số vấn đề: vai trò, tác động sức mạnh mềm đối với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ; giữ gìn, phát triển sức mạnh mềm Việt Nam, sức mạnh mềm Ấn Độ trong thế giới đầy biến động; đổi mới, cải cách là sức mạnh mềm lớn nhất chi phối phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa Việt Nam và Ấn Độ. Các giải pháp và phương hướng cho tương lai cũng được các nhà khoa học bàn luận.

Hoa Mai

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền