Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình
Thứ sáu, 02 Tháng 2 2018 18:28
1465 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 – 2/2/2018)ngày 1-2-2018, tại Thái Bình, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình”.

Tham dự Đoàn Chủ tịch Hội thảo có các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy; TS Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. 

Dự hội thảo có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện lãnh đạo thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy; đông đảo các nhà khoa họ và đại diện dòng họ của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Phát biểu khai mạc, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo xuất sắc thời dựng Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, người đồng chí, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Cuộc đời của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Hội thảo được tổ chức vừa để tri ân những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng thời vừa góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng hái thi đua lao động sáng tạo, học tập và công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục, ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng đem hết sức lực, trí tuệ phục vụ cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Tự hào về truyền thống quê hương, noi gương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng vạn người con của quê hương Thái Bình đã lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những chiến công xuất sắc. 

Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hà Nội khẳng định: Đạo đức và phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được thể hiện ở sự tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng; ở lòng tin sắt đá vào sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản; và sự tự nguyện hy sinh, phấn đấu, tận tuỵ làm việc, hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho non sông đất nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đi sâu phân tích, làm sáng tỏ, sâu sắc thêm về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Võ Văn Thanh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định: Thái Bình là vùng địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng, nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và nhiều chí sĩ yêu nước khác. Có thể khẳng định, những phẩm chất truyền thống đã góp phần hun đúc ý chí và phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của quê hương Thái Bình, lại được nuôi dưỡng, chở che từ truyền thống của một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Cuộc đời của Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủ (1908-1932), nhưng sự nghiệp và sự cống hiến của đồng chí cho cách mạng Việt Nam thật lớn lao. 

Đánh giá về vai trò của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong việc thúc đẩy phong trào cách mạng của Việt Nam phát triển, đồng chí Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, dù đảm nhận cương vị nào, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng luôn bám sát phong trào công nhân, thường xuyên thâm nhập địa bàn để đến với các tổ chức và quần chúng cách mạng, động viên, nuôi dưỡng phong trào, hướng dẫn cách tổ chức phương pháp đấu tranh và cách thức hoạt động thích hợp. Bằng năng lực, nhãn quan nhạy bén, cộng với kinh nghiệm thực tiễn đúc rút được từ lao động, rèn luyện, gần gũi với phong trào công nhân, đồng chí vừa hoạt động, vừa tổ chức đảng viên, mở lớp huấn luyện cán bộ, viết tài liệu, rải truyền đơn đấu tranh, góp phần đưa phong trào cách mạng phát triển ngày một mạnh mẽ cả về chất và lượng.

GS, TS Mạch Quang Thắng trong tham luận của mình đã khẳng định: Cuộc đời của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chỉ vẻn vẹn có 24 năm (1908-1932). Ngắn, nhưng lại đạt đến cái tối đa của sự dâng hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngắn, nhưng Nguyễn Đức Cảnh để lại tiếng thơm cho đời. Ngắn, nhưng lại chất chứa bao điều nhắn nhủ cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Cuộc đời của đồng chí đã để lại những bài học quý giá cho hậu thế đó là bài học về: Sự tiếp tục bồi dưỡng cho một chí hướng yêu nước, người cách mạng là phải sâu sát với người lao động, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ do Đảng phân công. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có nguồn gốc xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước, trọng nghĩa tình; đồng thời trải qua không ít sóng gió, va đập trong cuộc sống thời niên thiếu do sớm bị mồ côi cha. Không xuất thân trong gia đình công nhân và bản thân mình là một học sinh, nhưng Nguyễn Đức Cảnh chủ động bám sát vào phong trào đấu tranh của công nhân. Lịch sử tổ chức Công đoàn và Phong trào công nhân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ tới Nguyễn Đức Cảnh, người có công rất lớn, người khai sinh ra tổ chức Công hội đỏ Bắc Kỳ và tổ chức Công đoàn Việt Nam. 

PGS, TS Phạm Xanh nhấn mạnh: Cống hiến nổi trội của Nguyễn Đức Cảnh được biểu hiện trên 2 phương diện: 

Thứ nhất, là một trong những người thấm nhuần tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc hướng phát triển vào công nhân, khi phát hiện thấy tổ chức chính trị thân cộng này có khả năng đi chệch hướng đã nhanh chóng đưa ra giải pháp đúng đắn, sáng tạo cho phong trào tiếp tục phát triển. Phong trào vô sản hóa được phát động ở Bắc Kỳ nhanh chóng trở thành phong trào của Hội Thanh niên trên quy mô toàn quốc. Phong trào vô sản hóa sáng tạo đó đã thúc đẩy mạnh sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân, nhân tố quyết định sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Thứ hai, là người lăn lộn trong phong trào công nhân ở trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam - vùng mỏ Quảng Ninh và thành phố cảng Hải Phòng, thấu hiểu nguyện vọng cấp thiết của họ, Nguyễn Đức Cảnh đã cùng với những đồng chí của mình như Hạ Bá Cang, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện sớm bắt tay xây dựng các tổ chức nghiệp đoàn trong công nhân. Và cuối cùng Nguyễn Đức Cảnh trở thành lãnh tụ của tổ chức công hội Việt Nam. Và với tư cách đó, đồng chí thay mặt giai cấp công nhân Việt Nam có mặt tại Hội nghị hợp nhất Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.

Hội thảo là dịp để tri ân những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng thời vừa góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng hái thi đua lao động sáng tạo, học tập và công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra. Tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, chúng ta nguyệnhọc tập tấm gương của một nhân cách cộng sản mẫu mực, kiên trì vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh theocon đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc đã lựa chọn.

 

TS Nguyễn Xuân Trung

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền