Trang chủ    Tin tức    Hội thảo Kinh nghiệm các nước Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững
Chủ nhật, 16 Tháng 6 2013 00:30
2360 Lượt xem

Hội thảo Kinh nghiệm các nước Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững

Ngày 06-6-2013, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm của các nước Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững.

(Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo, ảnh VOV)

 

 

 

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN; Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; các vị lãnh đạo và đại diện các bộ, ban, ngành và một số địa phương Việt Nam; đoàn đại biểu các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh, đại diện Đoàn Ngoại giao và các tổ chức quốc tế cùng nhiều học giả, nhà nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Năm 1999, Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh (FEALAC) được thành lập, tạo ra cơ chế nhằm tăng cường hiểu biết, giao lưu và hợp tác giữa hai khu vực Đông Á và Mỹ La-tinh. Hiện nay, tham gia Diễn đàn có 36 quốc gia thành viên, gồm 16 nước Đông Á và 20 nước Mỹ La-tinh, chiếm 40% dân số và 30% quy mô kinh tế toàn cầu.

Qua 14 năm thành lập và phát triển, hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp, bình đẳng và cùng có lợi, Diễn đàn đã thiết lập ba Nhóm công tác, ngày càng hoàn thiện về tổ chức và cơ chế hoạt động với các cuộc họp định kỳ của các quan chức cao cấp và Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên. Đã có trên 200 dự án và sáng kiến được triển khai trong khuôn khổ hợp tác của Diễn đàn, mang lại những lợi ích thiết thực cho các nước thành viên, nhất là các nước đang phát triển.

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, kinh tế thế giới đã phải trải qua quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ, một mặt tạo ra những cơ hội to lớn để các nước Đông Á và Mỹ La-tinh tham gia sâu và hiệu quả hơn vào phân công lao động toàn cầu; mặt khác đặt ra cho tất cả các nước những thách thức không nhỏ, nhất là nguy cơ tụt hậu và “lỗi nhịp” so với sự phát triển chung của thế giới. Bên cạnh đó, các thách thức phát triển như nghèo đói, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và an ninh năng lượng có xu hướng ngày càng gay gắt, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.

Đông Á và Mỹ La-tinh thời gian qua đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của thế giới, đồng thời đạt nhiều thành tựu ấn tượng trong phát triển xã hội, trở thành những “điểm sáng" trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế toàn cầu, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 66% vào tăng trưởng kinh tế của thế giới trong năm 2013. Một số nước thành viên FEALAC đã trở thành những câu chuyện thành công về phát triển kinh tế - xã hội, là “hình mẫu” về sự phát triển năng động, khả năng duy trì tăng trưởng cao và liên tục, thoát bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, các nước Đông Á và Mỹ La-tinh phần lớn là các nền kinh tế đang phát triển, vậy nên còn cả một chặng đường dài để có thể đạt được sự bền vững cả về kinh tế, môi trường và xã hội.

Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế; các thách thức đối với sự phát triển bền vững, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu. Quan tâm đến vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững, tháng 02-2013, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Đề án tổng thể về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó xác định ba nội dung là: tái cơ cấu kinh tế, chủ chốt là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty và tái cơ cấu tài chính - ngân hàng.

Hội thảo Kinh nghiệm các nước Diễn đàn Đông Á - Mỹ La-tinh về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững đã tạo cơ hội để các đại biểu trao đổi, đề xuất các định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và định hướng tăng cường hợp tác quốc tế của các nước FEALAC. Sau phần khai mạc, Hội thảo tập trung thảo luận một số nội dung chính sau:

Một là, đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế khu vực Đông Á và Mỹ La-tinh, những tác động đối với các nước thành viên FEALAC; trên cơ sở đó, xác định những nội dung, lĩnh vực cần ưu tiên trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững hiện nay.

Hai là, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm và thông lệ tốt và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Với sự đa dạng về văn hóa, chính trị, kinh tế các nước thành viên FEALAC sẽ được áp dụng linh hoạt tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa của mỗi nước đối với những kinh nghiệm từ sự thành công cũng như những bài học từ sự thất bại. Thông qua nội dung trình bày của các nước về những nghiên cứu chuyên ngành và những kinh nghiệm chính sách thực tiễn của mình, liên quan đến chủ đề này, mỗi nước có thể tự rút ra những bài học có ích cho mình trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách kinh tế; đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa hai khu vực đầy tiềm năng.

Ba là, đề xuất các sáng kiến và biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế giữa các nước FEALAC trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vai trò tham gia và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và khu vực trong quá trình này.

Kết quả thảo luận sẽ được phản ánh trong Báo cáo gửi tới Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh lần thứ sáu - cơ chế làm việc ở cấp cao nhất của FEALAC - sẽ diễn ra vào ngày 13 và 14-6-2013 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a.

Hội thảo là nguồn tham khảo có giá trị cho tất cả các nền kinh tế Đông Á và Mỹ La-tinh, gợi mở những hợp tác về kinh tế - phát triển trong khuôn khổ Diễn đàn Đông Á - Mỹ La-tinh, củng cố mối liên kết giữa các nước vì mục tiêu phát triển bền vững cho cả hai khu vực.

 

Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền