Trang chủ    Tin tức    Hội thảo tổng kết nghiên cứu năm thứ ba về Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong khuôn khổ Dự án DEEP vì tầm nhìn Việt Nam
Thứ hai, 11 Tháng 6 2018 11:55
1282 Lượt xem

Hội thảo tổng kết nghiên cứu năm thứ ba về Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong khuôn khổ Dự án DEEP vì tầm nhìn Việt Nam

(LLCT) - Nằm trong khuôn khổ Dự án Chương trình đối tác chia sẻ kinh nghiệm phát triển (DEEP) vì tầm nhìn Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc phê duyệt, ngày 8-6-2018, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Đại học Yonsei Hàn Quốc tổ chức Hội thảo khoa học tổng kết nghiên cứu năm thứ ba về chủ đề Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Dự án DEEP; PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện; ông Kim Jinoh, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam; ông Lee Doo Won, Giám đốc tổng thể dự án DEEP, Giám đốc nghiên cứu năm thứ ba chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện đến từ KOICA Việt Nam; các nhà khoa học Trường Đại học Yonsei Hàn Quốc, Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, Trường Quản lý và Chính sách công KDI; về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài Học viện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định ý nghĩa quan trọng của các nghiên cứu về Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của dự án DEEP trong bối cảnh nước ta hiện nay. Các nghiên cứu đã góp phần xác định rõ vai trò của nhà nước trong quá trình hình thành thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, coi thể chế kinh tế với tư cách vừa là một sản phẩm, vừa là công cụ sắc bén để Nhà nước thực hiện hiệu quả vai trò của mình trong quá trình chuyển nền kinh tế đất nước sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong Dự án DEEP, đây là nghiên cứu tiếp nối các chủ đề nghiên cứu Phát triển nguồn nhân lựcCải cách khu vực công trong 2 năm qua, do đó có được cái nhìn tổng thể và góp phần vào thành công chung của Dự án. Trên tinh thần đó, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Hội thảo cần tập trung phân tích, làm rõ các kết quả nghiên cứu, những khuyến nghị, chính sách của Dự án, đặc biệt là các đề xuất về xây dựng và hoàn thiện thể chế xã hội có thể áp dụng phù hợp trong thực tiễn Việt Nam.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, ông Kim Jinoh nhấn mạnh, Dự án DEEP được thực hiện từ năm 2015 với mục tiêu thực hiện hiệu quả những hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, đồng thời góp phần củng cố mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Hội thảo là dịp để tổng kết kết quả nghiên cứu mang tính tổng thể, góp phần xác định rõ các phương thức có thể áp dụng trong xây dựng, hoạch định các chính sách Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, GS Lee Doo Won, Giám đốc dự án DEEP nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để báo cáo kết quả nghiên cứu không chỉ của năm 3 của Dự án mà của cả năm 1 và 2 trước đó, tạo thành chuỗi các kết quả nghiên cứu, có đóng góp nhất định đến xây dựng các thể chế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là cải cách hành chính công, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Từ đó xây dựng cách thức để Việt Nam thực hiện cải cách, hướng đến chế độ chính sách ngày càng hoàn hảo, trong đó Chính phủ Việt Nam là chủ thể thực hiện các chính sách đó.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học báo cáo các kết quả nghiên cứu Dự án Chương trình đối tác chia sẻ kinh nghiệm phát triển (DEEP) vì tầm nhìn Việt Nam trong năm thứ 3 trên cơ sở phân tích EIMES (Xây dựng và hoàn thiện thể chế hệ thống kinh tế thị trường) tại Việt Nam. Nghiên cứu EIMES gồm 4 phần: (1) Hệ thống kinh tế Việp Nam được phân tích với việc nhấn mạnh về hệ thống phúc lợi xã hội; (2) Nghiên cứu về phát triển thị trường tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (3) Phân tích cách thức và giải pháp để tăng cường hệ sinh thái ngành công nghiệp Việt Nam (4) Hệ thống phúc lợi bền vững cho thị trường lao động được phân tích với việc xem xét tính linh hoạt của lực lượng lao động và bảo hộ việc làm. Đây là nghiên cứu năm cuối của dự án nên nghiên cứu năm ba này có sự kết hợp các kết quả chính của nghiên cứu năm thứ nhất và thứ hai về Phát triển nguồn nhân lực cấp caoCải cách khu vực công.

Báo cáo kết quả nghiên cứu về hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam tại Hội thảo, GS Jin Park đề xuất một số gợi ý có thể áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam như: xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng và linh hoạt, có sự kiểm soát tốt; mở rộng diện bao phủ và mức hỗ trợ, phát huy chế độ bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa các nguồn đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội, xây dựng cơ quan độc lập giám sát, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội; thực thi hiệu quả các chính sách an sinh xã hội để khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội; khuyến khích mọi người lao động thay vì hỗ trợ vô điều kiện. Riêng đối với hệ thống hưu trí, GS Jin Park nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam phải có kế hoạch kéo dài tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 với nam và 55 lên 60 với nữ từ năm 2021; xây dựng chế độ bảo hiểm hưu trí cần đa tầng nấc và linh hoạt; điều chỉnh công thức tính lương hưu phù hợp với chuẩn mực quốc tế; mở rộng diện bao phủ lương hưu; thúc đẩy xã hội hóa cung cấp dịch vụ y tế, hỗ trợ người già…

Chia sẻ kết quả nghiên cứu về các chính sách kinh tế lành mạnh phục vụ tăng trưởng và phát triển thị trường tài chính tại Hội thảo, các nhà khoa học của nhóm nghiên cứu khái quát những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng thị trường vốn và phân bổ các nguồn lực tài chính trong quá trình quá độ hướng tới một nền kinh tế thị trường. Áp dụng vào thực tiễn Việt Nam hiện nay, các nhà khoa học đề xuất Chính phủ và Nhà nước Việt Nam cần có những biện pháp làm giảm tác động tiêu cực của dòng vốn nước ngoài ngắn hạn và lôi kéo đầu tư dài hạn từ nước ngoài.

Phân tích cách thức và giải pháp để tăng cường hệ sinh thái ngành công nghiệp Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu PGS, TS Yun Jeong Choi (Đại học Yonsei) đề xuất Chính phủ Việt Nam cần tăng cường các thể chế và hệ thống để hỗ trợ cho tính trung lập cạnh tranh và sân chơi bình đẳng và làm cho nó hoạt động hiệu quả bằng cách thay đổi văn hóa. Để thực hiện tư  nhân hóa và cải cách nội bộ doanh nghiệp nhà nước thành công, cơ quan độc lập cần thực hiện các kế hoạch hành động mang tầm chiến lược và chi tiết. Các ưu đãi và lợi ích cần được phân bổ theo sự cạnh tranh và hiệu quả theo nguyên tắc thị trường dưới một hệ thống minh bạch.  

Khuyến nghị các chính sách cho Việt Nam trong việc đảm bảo bền vững thị trường lao động, TS Yuong Park (Đại học Yonsei) và nhóm nghiên cứu cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy đối thoại trong và giữa các doanh nghiệp, giữa người lao động và sử dụng lao động nhằm có những chính sách để tối đa hóa tạo việc làm theo cấu trúc ba chiều của người lao động, người sử dụng lao động và đại diện chính phủ; Phát triển năng lực của các sở giáo dục và đào tạo để chuẩn bị cho sự thay đổi nhanh chóng trong cơ cấu việc làm khi cơ cấu công nghiệp chuyển từ ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều vốn; Tăng cường năng lực thể chế như tăng chi phí nhân công tối thiểu, cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường quyền lao động cơ bản và mở rộng phạm vi bảo hiểm xã hội.

Nguyễn Thị Lan

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền