Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Chủ nghĩa dân túy ở châu Âu và những tác động đến an ninh thế giới
Thứ tư, 10 Tháng 10 2018 12:23
1342 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Chủ nghĩa dân túy ở châu Âu và những tác động đến an ninh thế giới

(LLCT) - Ngày 9-10-2018, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: Chủ nghĩa dân túy ở châu Âu và những tác động đến an ninh thế giới. Tham dự Hộ thảo có đông đảo các nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng.

Báo cáo đề dẫn, PGS, TS Nguyễn Hữu Thắng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học nhận định: sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy là một hiện tượng nổi bật trong đời sống chính trị quốc tế, thu hút sự chú ý của toàn thế giới hiện nay. Từ 2010 đến nay, nó làm khuynh đảo nền chính trị châu Âu, làm đảo ngược một số đường lối tích cực mà các quốc gia đang theo đuổi, như: sự ổn định xã hội, bình đẳng giới, bình đẳng kinh tế, tự do thương mại, sự bao dung giữa các dân tộc, tôn giáo, sự hợp tác cùng phát triển và toàn cầu hóa. Việc nghiên cứu, thảo luận để tìm hiểu vấn đề này để có những chuẩn bị cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Các nhà khoa học tại Hội thảo tập trung thảo luận hai nội dung cơ bản:

Một là, nguồn gốc, bản chất và những biểu hiện mới của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu

Chủ nghĩa dân túy xuất hiện ở châu Âu vào khoảng thế kỷ XVII -XIX, khởi đầu là các phong trào đấu tranh bảo vệ lợi ích của người nông dân ở Anh - Pháp. Dân túy có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ: là một khuynh hướng tư tưởng, chính trị; là một ý thức hệ; phong trào chính trị - xã hội; phong cách lãnh đạo, chiến lược chính trị của các chính khách. Trào lưu dân túy ở châu Âu phản đối xu hướng liên kết, phê phán các chính sách ủng hộ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; chống nhập cư, phản đối việc đặt lợi ích của EU lên trên chủ quyền và lợi ích quốc gia dân tộc.

Chủ nghĩa dân túy thường xuất hiện ở những nơi có nền dân chủ hình thức; sự nghèo đi tương đối của tầng lớp trung lưu và người lao động kỹ năng thấp ở các nước phát triển khi cách mạng 4.0 ngày càng tác động sâu rộng; sự gia tăng và hiện diện của người nhập cư đe doạ làm mất mát về văn hóa và có một lãnh tụ đủ điều kiện hội tụ được nhiều người.

Xu hướng vận động của chủ nghĩa dân túy ở các nước Nam - Bắc Âu khác nhau. Ở Nam Âu, trào lưu dân túy có xu hướng đứng về cánh tả, được sự ủng hộ của người nghèo và theo đuổi các chương trình xã hội nhắm khắc phục bất bình đẳng về kinh tế. Các nước Bắc Âu lại thiên hữu, dựa vào tầng lớp lao động trung lưu đang suy thóai, nhấn mạnh yếu tố sắc tộc, chống người nhập cư và bảo vệ nhà nước phúc lợi hiện tại. Bên cạnh đó, xu hướng kết hợp dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan làm chia rẽ sâu sắc khối Liên minh châu Âu.

Hiện nay, chủ nghĩa dân túy có một số biểu hiện mới:

- Phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng với nội dung, hình thức ngày càng linh hoạt và mang tính phổ biến. Chủ nghĩa dân túy không chỉ ở châu Âu mà ở nhiều nơi trên thế giới; tác động đến nhiều phương diện: kinh tế, văn hóa, chính trị…;

- Đối tượng mở rộng, không chỉ dừng lại ở nông dân mà có cả tầng lớp tinh hoa, trí thức, doanh nhân...

Hai là, về tác động của chủ nghĩa dân túy châu Âu đến an ninh khu vực và thế giới

Các nhà khoa học cho rằng, chủ nghĩa dân túy có thể gây ra các tác động:

- Làm mất lòng tin đối với các chính thể ở nhiều nước châu Âu và trên thế giới nói chung.

- Gây chia rẽ châu Âu và gây mất đoàn kết đối với các trào lưu tiến bộ trên thế giới;

- Làm xói mòn các giá trị nhân loại như: hoà bình, hợp tác cùng phát triển, tăng nguy cơ xung đột;

- Gây phương hại tới xu hướng tự do hóa thương mại, gây xung đột thương mại giữa các khu vực, các quốc gia và kéo theo sự bất ổn về kinh tế quốc tế ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới;

- Thách thức to lớn với nền tảng của trật tự thế giới mới được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ II, nguy cơ gây bất ổn chính trị;

- Cản trở sự hồi phục và phát triển nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng;

- Mất an ninh thị trường lao động.

 

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền