Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm: trao đổi kinh nghiệm về những sáng kiến và chính sách phúc lợi xã hội tại Phần Lan
Thứ tư, 31 Tháng 10 2018 16:07
1332 Lượt xem

Tọa đàm: trao đổi kinh nghiệm về những sáng kiến và chính sách phúc lợi xã hội tại Phần Lan

(LLCT) – Kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Phần Lan (1973-2018), chiều 29-10-2018, Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam (KIPA), tổ chức Tọa đàm: “Trao đổi kinh nghiệm về những sáng kiến và chính sách phúc lợi xã hội tại Phần Lan”. PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ngài Kari Kahiluoto, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam; GS, TS Ilkka Taipale, tác giả cuốn sách Những sáng kiến Phần Lan chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo cho biết, những sáng kiến, kinh nghiệm tích cực và chính sách phúc lợi xã hội trong cuốn sách Những sáng kiến Phần Lan đã được phổ biến trong nhiều chương trình đào tạo của các đơn vị trong hệ thống Học viện và có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng học giả, giảng viên, cán bộ nghiên cứu trong và ngoài Học viện. Do đó, Tọa đàm Trao đổi kinh nghiệm về những sáng kiến và chính sách phúc lợi xã hội tại Phần Lan có ý nghĩa thiết thực, góp phần làm sáng tỏ những sáng kiến và chính sách xã hội mà Việt Nam có thể học tập, áp dụng trong thực tiễn phát triển đất nước. Đặc biệt, Tọa đàm diễn ra trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -  Phần Lan góp phần củng cố và phát triển thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.

Phát biểu tại Tọa đàm, Ngài Kari Kahiluoto nhấn mạnh, cuốn sách Những sáng kiến Phần Lan là tập hợp những sáng kiến đổi mới xã hội và các kinh nghiệm trong việc hoạch định, tổ chức thực hiện những chính sách xã hội ở Phần Lan và Bắc Âu. Trong thực tiễn, việc áp dụng các sáng kiến hay chính sách xã hội mới này có ảnh hưởng sâu rộng, tích cực tới mọi thành viên trong xã hội Phần Lan và Bắc Âu. Việt Nam có nền kinh tế với mức tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững và đang gặp phải những vấn đề xã hội cần giải quyết như Phần Lan những năm trước đây, do đó những sáng kiến và chính sách xã hội mà Phần Lan đã thực hiện có thể áp dụng thành công tại Việt Nam.

Từ một quốc gia nghèo khó bị chiến tranh tàn phá, Phần Lan ngày nay đã đạt được mức độ bình đẳng xã hội cao nhất thế giới và trở thành một trong những quốc gia có nền công nghệ thông tin phát triển cao nhất. Có được thành tựu đó là do Phần Lan đã thực hiện nhiều chính sách phúc lợi xã hội như: giáo dục miễn phí, chính quyền tự quản, bình đẳng giới, ra quyết định dựa trên sự đồng thuận và an sinh xã hội cho tất cả mọi người... Những vấn đề đó đã được GS, TS Ilkka Taipale thể hiện cô đọng trong cuốn sách Những sáng kiến Phần Lan. Cuốn sách đã được dịch và xuất bản bằng 50 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Hindi, tiếng Nhật... và mới nhất là tiếng Việt Nam (12-2017).

Trao đổi về những sáng kiến và chính sách phúc lợi xã hội tại Phần Lan, GS, TS Ilkkal Taipale chia sẻ với các đại biểu, nhà khoa học tham dự tọa đàm những nội dung về xã hội, chính trị và cuộc sống thường ngày ở Phần Lan. Những sáng kiến được trình bày đa dạng từ các cấu trúc chính trị phổ quát đến những niềm vui thường nhật, với các chủ điểm từ Quốc hội độc viện đến tủ phơi bát, từ chăm sóc trẻ ban ngày tới cầu giặt công cộng, từ công việc cộng đồng (“đàn ong thợ”) đến chủ nghĩa ba bên, từ bơi lội trong băng đến chính phủ liên hiệp, và từ hệ điều hành Linux đến Ông già Noel.

Tại Tọa đàm, các đại biểu thảo luận về những nội dung được trình bày trong cuốn sách, các kinh nghiệm phát triển đất nước của Phần Lan như: xây dựng và vận hành hệ thống an sinh xã hội; các biện pháp huy động nguồn lực xã hội; các biện pháp phòng, chống tham nhũng..., đã gợi mở nhiều ý tưởng, bài học kinh nghiệm quý cho hiện nay.

Nguyễn Thị Lan

 

 

 

         

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền