Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm “Bản chất của một nền kinh tế thị trường xã hội - kinh nghiệm của Đức”
Thứ tư, 19 Tháng 6 2013 12:55
6159 Lượt xem

Tọa đàm “Bản chất của một nền kinh tế thị trường xã hội - kinh nghiệm của Đức”

Ngày 13-6-2013, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương và Văn phòng Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Bản chất của một nền kinh tế thị trường xã hội - kinh nghiệm của Đức”.

Tham dự buổi tọa đàm có GS,TS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS,TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện của nhiều tổ chức Đức đang công tác tại Việt Nam; cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu từ những viện nghiên cứu trong nước.

Tọa đàm là một trong những hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện FES nhằm trao đổi lý luận, kinh nghiệm giúp Việt Nam nghiên cứu trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời góp phần tổng kết 30 năm đổi mới ở Việt Nam.

Với sự trình bày một cách súc tích, các diễn giả Đức đã nêu khá toàn diện, sâu sắc về bản chất của nền kinh tế thị trường xã hội Đức, bao gồm các vấn đề chủ yếu sau:

- Quan điểm chung nhất của các nhà kinh tế học kinh điển về kinh tế thị trường.

- Những nguyên tắc quan trọng của mô hình kinh tế thị trường xã hội với tư tưởng thể chế là chủ yếu và tìm kiếm sự cân đối trong quan hệ giữa ba yếu tố: quyền tự do của cá nhân, bảo đảm về kinh tế và xã hội, tăng trưởng.

- Các chức năng của nhà nước và công tác kế hoạch của nhà nước trong một nền kinh tế định hướng thị trường. Trong đó nhấn mạnh, chức năng của nhà nước là khác nhau trong những hệ thống kinh tế khác nhau; công tác kế hoạch của nhà nước phụ thuộc vào hệ thống hiến định, kinh tế và thể chế, do đó, kinh nghiệm của nước ngoài khi áp dụng cần có sự điều chỉnh nhất định để phù hợp. Nhìn chung, mức độ thị trường nhiều khi có thể, còn mức độ can thiệp của nhà nước nhiều khi cần thiết.

- Các giai đoạn phát triển mô hình kinh tế thị trường xã hội Đức; những yêu cầu phải có sự cân bằng giữa cạnh tranh hiệu quả với công bằng xã hội, kinh tế xanh; mô hình tổ chức nhà nước và những vấn đề về lập kế hoạch, chính sách kinh tế vĩ mô để thực hiện được điều này.

- Các giá trị cơ bản mà kinh tế thị trường xã hội Đức coi là nền tảng (theo quan điểm của Đảng Dân chủ xã hội Đức) bao gồm: tự do, công bằng và đoàn kết. Từ đó, những chính sách kinh tế theo tinh thần dân chủ xã hội là phải giải quyết được mối quan hệ giữa năng suất, đổi mới, tăng trưởng và bảo đảm công bằng xã hội; giữa quyền sở hữu tư nhân và cạnh tranh với trách nhiệm xã hội; giữa chức năng tự chủ kinh doanh với quyền tham quyết của người lao động.

- Những nguyên tắc mà phe dân chủ xã hội coi là cơ bản trong chính sách kinh tế thị trường xã hội như: bảo đảm tăng trưởng về chất, tăng trưởng xanh; bảo đảm cân đối xã hội và tính bền vững không chỉ về môi trường sinh thái mà cả về công bằng xã hội.

Về phía Việt Nam, TS. Đinh Quang Ty (Hội đồng Lý luận Trung ương) đã trình bày khái quát sáu nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, khẳng định thời kỳ tiến lên chủ nghĩa xã hội là rất dài và mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có tính đặc thù, chưa có tiền lệ trong lịch sử.

Sau trình bày của những diễn giả, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi sôi nổi về nhiều vấn đề liên quan như: mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội; sự can dự của đảng cầm quyền vào nền kinh tế thị trường; nhược điểm của kinh tế thị trường xã hội,…

Kết luận buổi tọa đàm GS,TS Vũ Văn Hiền khẳng định Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên quá trình này đòi hỏi cần phải có thời gian và sự hoàn thiện dần dần. Việt Nam sẽ hướng tới xây dựng một mô hình kinh tế tốt cho nhân dân Việt Nam.

 

Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền