Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học quốc tế: Lãnh đạo và đổi mới chính sách trong kỷ nguyên số
Thứ năm, 01 Tháng 11 2018 15:42
1343 Lượt xem

Hội thảo khoa học quốc tế: Lãnh đạo và đổi mới chính sách trong kỷ nguyên số

(LLCT) - Ngày 30, 31 – 10 – 2018, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Lãnh đạo và đổi mới chính sách trong kỷ nguyên số.

Đồng chủ trì Hội thảo có PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS, TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global; PGS, TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học. Tham dự Hội thảo có GS Jasson Shaw, Đại học Nanyang (Singapore), GS Marian Moszoro, Đại học George Mason (Hoa Kỳ), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Tài chính Ba Lan,… cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế và Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: Trong suốt thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ về mọi lĩnh vực phát triển từ tăng trưởng GDP đến xóa đói giảm nghèo, từ thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến tạo lập môi trường thông thoáng hơn cho kinh tế tư nhân trong nước phát triển…Từ một quốc gia nghèo đói, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia đang phát triển trung bình thấp. Đây là một quá trình chuyển đổi sâu sắc, đa chiều cạnh: chuyển đổi từ nền văn minh nông nghiệp cổ truyền sang văn minh nông nghiệp hiện đại; chuyển đổi từ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của nhà nước.

Các báo cáo quốc tế đều chỉ ra, mặc dù Việt Nam có sự gia tăng lớn trong các chỉ báo về tăng trưởng kinh tế, hay đổi mới sáng tạo(1) nhưng cho đến nay không nằm trong nhóm các nước sẵn sàng cho nền sản xuất theo CMCN 4.0(2). Bối cảnh đó sẽ khiến cho tác động của CMCN 4.0 càng phức tạp và khó dự báo đối với Việt Nam.

PGS, TS Lê Quốc Lý nhận định: Việt Nam nhận thức rõ sự phát triển của đất nước trong thời gian dài trước Đổi mới mang tính đơn chiều tuyến tính trong một hệ thống ổn định thì nay được đặt trước các kịch bản phát triển đa chiều, nhiều thách thức đi cùng với những cơ hội bứt phá trong một môi trường quốc tế đầy biến động. Quá trình này sẽ đặt ra những thách thức cho lãnh đạo, quản lý và điều hành đất nước. 

GS, TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE nêu rõ: chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà tri thức và công nghệ đang là những đòn bẩy, là yếu tố chủ chốt tạo lên sự thay đổi của xã hội. Trong xu thế phát triển bền vững, số hóa và sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác cần thay đổi để phù hợp với luật chơi mới, vai trò của nhà lãnh đạo là rất quan trọng trong quá trình đổi mới đó. Do đó, Việt Nam cần nắm chắc cơ hội và thách thức để đưa đất nước bắt kịp với tiến trình phát triển của thế giới. Đây cũng là chủ đề của Hội thảo Lãnh đạo và đổi mới chính sách trong kỷ nguyên số.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày (30 và 31-10-2018) gồm 6 phiên với gần 60 bài viết khoa học và hơn 30 báo cáo tham luận. Các báo cáo tham luận đã tập trung chia sẻ cách nhìn nhận, phương thức khả thi trong hành động và những bài học kinh nghiệm quý báu về lãnh đạo và đổi mới chính sách ở nhiều nước trên thế giới. Đó là tư duy về mạng lưới phục vụ cho lãnh đạo thành công (bài Tham luận mở đầu của GS Jasson Shaw); kinh nghiệm của Ấn Độ trong triển khai chính quyền điện tử (tham luận của ông Tapasvi); những sáng kiến cụ thể trong huy động nguồn lực khu vực công, khu vực tư nhân và xã hội phục vụ cho các dự án phát triển bền vững (GS Marian Mozsoro); những nỗ lực cải cách quyết liệt của chính phủ Việt Nam để phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách thuận tiện và hiệu quả hơn (ông Ngô Hải Phan, Văn phòng Chính phủ).

Với góc nhìn khoa học và thực tiễn, các báo cáo tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ những vấn đề sau:

Về lãnh đạo: Các nhà khoa học nêu rõ tầm quan trọng của tầm nhìn và chiến lược để dẫn dắt đất nước phát triển. Đồng thời, cũng chỉ ra những thách thức đang đặt ra đối với công tác lãnh đạo và điều hành sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xác định chiến lược để các tổ chức (trước tiên là các cơ quan nhà nước) tự thay đổi để thích ứng với kỷ nguyên số hóa; Những năng lực cần thiết và cốt lõi của người lãnh đạo để tổ chức hoạt động lãnh đạo, quản lý có hiệu quả trong môi trường biến đổi.

Về đổi mới chính sách: Các tham luận nhận định, trong thời gian dài, các mô hình chính sách, quy định và tiêu chuẩn truyền thống thường tương đối tuyến tính, mất khá nhiều thời gian và theo cách tiếp cận từ trên xuống. Ngày nay, các yêu cầu về làm chính sách để bắt kịp tốc độ thay đổi đồng thời duy trì khả năng phản ứng điều chỉnh chính sách phù hợp sẽ đòi hỏi cách thức xây dựng và thực thi chính sách khác, phải theo kịp với những bước tiến chưa từng có của thời đại mới - CMCN 4.0.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý khẳng định, Hội thảo Lãnh đạo và Đổi mới chính sách trong kỷ nguyên số là diễn đàn khoa học mang tầm quốc tế, là hoạt động hợp tác quan trọng giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội Khoa học và chuyên gia người việt toàn cầu (AVSE Global). Đồng chí đánh giá cao và ghi nhận những kết quả, ý kiến trao đổi bổ ích và thiết thực của các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam. Những kết quả này là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà khoa học trong và ngoài Học viện vận dụng vào nghiên cứu, giảng dạy; là cơ sở tham khảo quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong tiến trình đổi mới và xây dựng đất nước.

_________________

(1)   World Economic Forum, 2018. Global Innovation index 2018. Việt Nam đứng thứ 45 trên 127 quốc gia được khảo sát, tăng thêm 2 bậc so với thứ 47 vào năm 2017.

(2)   World Economic Forum, 2018. Readiness for the Future of Production Report 2018. Việt Nam thuộc vào số đông các nước chưa sẵn sàng cho sản xuất theo CMCN 4.0

 

Bảo Ngọc

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền