Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm Phổ biến, quán triệt nội dung luật tố cáo năm 2018 và các văn bản có liên quan
Thứ tư, 05 Tháng 12 2018 16:48
1159 Lượt xem

Tọa đàm Phổ biến, quán triệt nội dung luật tố cáo năm 2018 và các văn bản có liên quan

(LLCT) -  Sáng 5-12-2018, Ban Thanh tra, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm Phổ biến, quán triệt nội dung Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản có liên quan. TS Đinh Văn Minh – Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, trực thuộc Thanh tra Chính phủ báo cáo Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các đơn vị cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên trong Học viện.

Luật Tố cáo năm 2018 (số 25/2018/QH14) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12-6-2018 tại kỳ họp thứ 5, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.Luật có 9 chương, 67 điều, tăng 1 chương và 17 Điều so với Luật Tố cáo năm 2011.  

TS Đinh Văn Minh nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng Luật Tố cáo năm 2018 của Đảng và Nhà nước ta nhằm: khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo năm 2011; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo là quyền con người; tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo như Chỉ thị 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Luật Tố cáo năm 2018 kế thừa quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ và về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Luật Tố cáo năm 2018 còn quy định về nguyên tắc giải quyết tố cáo, áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo các hành vi bị nghiêm cấm và điều khoản thi hành.

Đối với người tố cáo, Luật quy định các quyền của người tố cáo như: thực hiện tố cáo; được bảo đảm bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác; được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; quyền rút tố cáo của người tố cáo. Bên cạnh các quyền, Luật Tố cáo quy định người tố cáo có các nghĩa vụ: cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra (Điều 9).

Đối với người giải quyết tố cáo, Luật quy định các quyền sau: yêu cầu người tố cáo đến làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà người tố cáo có được, yêu cầu người bị tố cáo đến làm việc, giải trình về hành vi bị tố cáo, cũng cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố tụng; yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo, tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm căn cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo và quy định khác của pháp luật có liên quan; áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 11).

Trong giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (Điều 12).

Luật Tố cáo năm 2018 đã bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, trong Kiểm toán nhà nước và trong các cơ quan khác của Nhà nước như tại các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp... (Từ Điều 14 đến Điều 17). Luật cũng quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 18) và thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước (Điều 19). Luật Tố cáo năm 2018 tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo năm 2011 khi quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức (Điều 21); Luật quy định Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội (Điều 20).

Luật Tố cáo năm 2018 cũng bổ sung thêm một số quy định mới về tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo; bảo vệ người tố cáo.  

Nguyễn Thị Lan

         

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền