Trang chủ    Tin tức    Hội thảo: “Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam”
Thứ năm, 23 Tháng 5 2019 08:15
2291 Lượt xem

Hội thảo: “Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam”

(LLCT) - Ngày 22-5, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam”.

Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, nổi bật ở đó là khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng; đó là kết tinh của tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Di chúc là những lời căn dặn thiết tha, chứa đựng biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách, thể hiện trong từng lời nhắc nhở, dặn dò trước lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa.

Bác đã chuẩn bị cho việc ra đi của mình một cách ung dung và thanh thản:  "tôi để lại mấy lời" cho đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bè bạn khắp nơi khỏi cảm thấy đột ngột. Mấy lời để lại của Bác chứa đựng nội dung phong phú và sâu sắc, từ chuyện nước nhà, chuyện thế giới, dặn dò lãnh đạo, nói với nhân dân, về hiện tại và tương lai, về việc chung và việc riêng. Đó chính là những lời cô đọng nhất, sâu sắc nhất về tâm nguyện, là tình cảm, ý chí, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng.
GS, TS Hoàng Chí Bảo có bài tham luận tại hội thảo với chủ đề “Minh triết của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc”, trong đó khái quát: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản, một nhà tư tưởng mácxít hiện đại, nhưng lại mang cốt cách hiền triết Á Đông, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Chỉ với khoảng 1000 từ, bản Di chúc đã làm nên một tổng kết lớn về lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam, về sự nghiệp của Đảng, của dân tộc; đó còn là một thiết kế lý luận về đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình. Người đã lựa chọn Độc lập - Tự do - Hạnh phúc làm hệ giá trị cốt lõi để phát triển, làm lý tưởng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng, là mục tiêu và lẽ sống suốt cuộc đời của Người. Chỉ riêng bốn chữ thật được Người nhấn mạnh trong Di chúc đã cô đọng toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền, đó cũng là một nét nổi bật trong minh triết Hồ Chí Minh.

Cùng bàn về bốn chữ thật trong Di chúc, GS, TS Vũ Văn Hiền (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương) đi sâu phân tích nội dung chữ thật đầu tiên - “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”. Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề đạo đức cách mạng, Người coi đây là vấn đề cơ bản, lâu dài, sống còn của Đảng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã nhiều lần viết về đạo đức cách mạng, theo Người, toàn bộ sức mạnh của Đảng nằm ở đội ngũ đảng viên, vì vậy người rất coi trọng vấn đề rèn luyện đạo đức cho đảng viên. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuẩn mực đạo đức của người cách mạng là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức, đó là cái gốc rễ của người làm cách mạng, “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

PGS, TS Nguyễn Thế Thắng, Học viện Chính trị Khu vực I có bài tham luận  “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và định hướng công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong sạch, vững mạnh”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cần luôn ghi nhớ, muốn đổi mới, Đảng cần giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa Đảng với dân, để nhân dân làm việc, xây dựng và cống hiến với tinh thần làm chủ nước nhà. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên kiên định tư tưởng Mác - Lênin, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc. Đó vừa là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng tư tưởng chính trị của Đảng. Trong Di chúc, Người cũng chỉ rõ, cần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo sức mạnh tổng hợp cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng.

Trong xây dựng Đảng về đạo đức, Hồ Chí Minh xác định, xây cần đi đôi với chống, trong đó chủ nghĩa cá nhân với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí là kẻ thù lớn nhất của người cách mạng, thắng lợi của CNXH không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định cần tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống tư tưởng nể nang, bè phái, cục bộ...
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành rất nhiều tình cảm cho đồng bào cả nước. Người thể hiện tâm nguyện được hỏa táng, tro cốt được chia làm ba phần, gửi về ba miền Bắc, Trung, Nam. Người tiên liệu về tình hình đất nước sau khi hòa bình lập lại và đề cập những công việc cần làm đối với con người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, bị hụt hẫng sau khi chiến tranh kết thúc như cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ), những chiến sĩ trẻ, về thanh niên, phụ nữ...

Nhiều học giả đã có tham luận về vấn đề con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đồng chí Nguyễn Thị Tuyết (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) đề cập đến vấn đề thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh về chăm lo, phát huy vai trò của phụ nữ; nhà báo Hà Đăng đi sâu vào những lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc riêng; đồng chí Vũ Trọng Kim (Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam) có tham luận về Bác Hồ với lực lượng thanh niên xung phong...

 Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh: các tham luận tại Hội thảo đã trình bày nhiều chiều cạnh về những nội dung của Di chúc xoay quanh công tác xây dựng Đảng, khắc phục hậu quả của chiến tranh, kiến thiết, xây dựng đất nước, xây dựng và phát triển con người... diễn ra trong một không gian thiêng liêng, nhiều ý nghĩa.  Có thể thấy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc, Đảng ta đang trong thời kỳ vững mạnh, cách mạng đang ở thế tân công, nhưng Người đã trù liệu những vấn đề của thời bình, từ những vấn đề như trồng cây gây rừng, bảo vệ môi sinh đến những vấn đề lớn, liên quan đến vận mệnh và sự sống còn của Đảng và của dân tộc. Di chúc thể hiện một con người với bản lĩnh rèn luyện từ những đức tính tiết kiệm, thanh bạch, đứng ở tầm cao nhưng không xa cách, giản dị, gần gũi nhưng không tầm thường. Phải là một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng mới có thể giữ vững nhất quán điều này, ngay cả trong những lời cuối cuộc đời, khi biết mình sắp đi xa. 50 năm đã trôi qua kể từ khi bản Di chúc - tài liệu Tuyệt đối bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố nhưng những giá trị và lời dạy của Người vẫn còn vẹn nguyên giá trị đối với Đảng và nhân dân ta. Đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn lại, hiểu sâu sắc hơn những lời căn dăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, định hình nhiều vấn đề Người đã trù liệu và dặn dò trong Di chúc.

Minh Ngọc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền