Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Đồng chí Hoàng Đình Giong với cách mạng Việt Nam và quê hương Cao Bằng
Thứ sáu, 31 Tháng 5 2019 14:33
1324 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Đồng chí Hoàng Đình Giong với cách mạng Việt Nam và quê hương Cao Bằng

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của đồng chí Hoàng Đình Giong (1-6-1904 - 1-6-2019), sáng ngày 30-5-2019, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Cao Bằng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Hoàng Đình Giong với cách mạng Việt Nam và quê hương Cao Bằng”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các vụ, viện của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội đồng lý luận Trung ương; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Học viện Chính trị khu vực I; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng; lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện dòng họ và đại biểu hơn 10 tỉnh, thành phố, quân khu liên quan đến hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong.

Đồng chí Hoàng Đình Giong sinh ngày 1-6-1904, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng tức làng Nà Toàn, xã Xuân Phách, châu Hoà An (nay là phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng). Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản lớp tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam - nguyên Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I), phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ; nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến, Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy) Giải phóng quân Nam Bộ, Khu Bộ trưởng đầu tiên Khu 9; Khu Bộ trưởng Khu 6, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Cao Bằng. 

Tiếp thu truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của quê hương và gia đình, đồng chí Hoàng Đình Giong sớm có những hoạt động yêu nước, đấu tranh cách mạng. Năm 1927, đồng chí sang Trung Quốc tìm bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện chính trị do Hội tổ chức. Tháng 6-1928, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Long Châu, Trung Quốc – bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người thanh niên yêu nước Hoàng Đình Giong. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được cử làm Bí thư Chi bộ hải ngoại Long Châu, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn.

Năm 1935, đồng chí là trưởng Đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao (Trung Quốc). Đồng chí đã được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (khóa I), phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

Từ tháng 2-1936 đến tháng 10-1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, cầm tù và chịu nhiều cực hình tra tấn tại các nhà tù Cao Bằng, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Bắc Mê (Hà Giang) và bị đày đi biệt xứ ở đảo Mađagaxca (châu Phi). Trở lại Cao Bằng, đồng chí được giao nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng và là Trưởng Ban khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Cao Bằng. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Bác Hồ đặt tên là Võ Văn Đức và cử làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào Nam Bộ đánh thực dân Pháp, giữ những chức vụ quan trọng: Chủ nhiệm Chính trị Bộ (nay là Chính ủy) Quân giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (nay là Tư lệnh) Khu IX, Khu Bộ tưởng (Tư lệnh) Khu VI. Năm 1947, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Ninh Thuận.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 40 bài tham luận của các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học và các đồng chí đến từ nhiều cơ quan ở Trung ương và địa phương. Các tham luận và bài phát biểu tại Hội thảo tập trung làm sáng tỏ những vấn đề chủ yếu sau: Thứ nhất, khẳng định, làm rõ vai trò của đồng chí Hoàng Đình Giong trong việc chỉ đạo thành lập tổ chức Đảng đầu tiên ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Thứ hai, làm rõ vai trò củađồng chí Hoàng Đình Giong trong việc tham gia tái lập hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng Bắc Kỳ. Thứ ba,phân tích khẳng định đồng chí Hoàng Đình Giong là một cán bộ quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Thứ tư, đánh giá, khẳng định đồng chí Hoàng Đình Giong là người cộng sản có đạo đức mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc và quê hương Cao Bằng...

Trong bài Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn nhấn mạnh: Tấm gương đạo đức cách mạng và cuộc đời hoạt động, chiến đấu của đồng chí Hoàng Đình Giong như viên ngọc sáng ngời góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc. Đồng chí đã đi vào lịch sử là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng trong bài phát biểu tham luận đã khẳng định: Từ một thanh niên trí thức có lòng yêu nước nồng nàn, Đồng chí Hoàng Đình Giong đã từ bỏ con đường “vinh thân phì gia” đang rộng mở, để lựa chọn con đường gian khó, hiểm nguy là trở thành người chiến sĩ cộng sản, người cán bộ quân sự, chính trị cấp cao lớp đầu tiên của Đảng, của Quân đội ta. Suốt cuộc đời mình, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn thể hiện rõ phẩm chất cao đẹp và bản lĩnh của một vị “tướng quân tại ngoại”, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng lên trên hết, trước hết.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê cho biết: Khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào Nam Bộ đánh thực dân Pháp với tên mới do Bác Hồ đặt cho là Võ Văn Đức, đồng thời Bác cũng căn dặn: "Chú cầm quân ra chiến trường văn võ đều cần, nhưng phải coi trọng cái đức của người cán bộ cách mạng".Vì thế mà  cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời đã từng nhận xét: “Đồng chí Hoàng Đình Giong là một người cộng sản trung kiên, một người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc quê hương cách mạng Cao Bằng. Đồng chí đã chiến đấu kiên cường, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp”.

Đánh giá về những đóng góp của đồng chí Hoàng Đình Giong với phong trào cách mạng ở khu mỏ Quảng Ninh, đồng chí Phạm Hồng Cẩm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định:Những đóng góp của đồng chí Hoàng Đình Giong đã để lại cho công nhân Khu mỏ Quảng Ninh những bài học kinh nghiệp sâu sắc trong đấu tranh cách mạng cũng như trong lao động sản xuất, đặc biệt trong công nhân bước đầu đã hình thành giá trị văn hóa riêng biệt “văn hóa công nhân mỏ” gắn với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, góp phần to lớn vào kho tàng kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào cách mạng trên cả nước của Đảng ta.

Trong tham luận: đồng chí Hoàng Đình Giong với phong trào Nam tiến, PGS, TS Nguyễn Minh Đức (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) khẳng định: Những hoạt động của đồng chí Hoàng Đình Giong -Võ Văn Đức trong phong trào Nam tiến đã góp phần cổ vũ nhân dân miền Nam anh dũng chiến đấu, tăng cường tình đoàn kết Bắc-Trung-Nam cùng đồng lòng sát cánh bên nhau chống quân xâm lược.

Trong bài tham luận về Đồng chí Hoàng Đình Giong với phong trào cách mạng tỉnh Ninh Thuận trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Văn Bình, Tỉnh ủy Ninh Thuận khẳng định:Mặc dù hoạt động trên chiến trường Ninh Thuận trong một thời gian ngắn, xa sự chỉ đạo của Trung ương, nhưng đồng chí Hoàng Đình Giong luôn quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng: bám đất, bám dân, xây dựng căn cứ, tổ chức lực lượng vũ trang, đẩy mạnh hoạt động chiến tranh du kích, đánh lâu dài, làm thất bại âm mưu của địch, mở hướng phát triển thuận lợi cho cách mạng. Trong một thời gian ngắn, đồng chí đã để lại cho Ninh Thuận và các tỉnh Khu 6 những kinh nghiệm quý báu về cuộc kháng chiến, về xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ, phát triển chiến tranh nhân dân. Những đóng góp của đồng chí góp phần giúp phong trào cách mạng Ninh Thuận trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt phát triển chiến tranh du kích.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Hội thảo đã thành công tốt đẹp, thu hút nhiều nhà nghiên cứu uy tín từ các học viện, các tỉnh, thành phố trong nước tham gia đã cung cấp thêm nhiều tư liệu phong phú về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Hoàng Đình Giong. Tôn vinh truyền thống yêu nước nồng nàn của nhiều thế hệ con em các dân tộc Cao Bằng đã hun đúc tinh thần yêu nước sắt son của đồng chí Hoàng Đình Giong, nguyện hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Hội thảo khoa học: “Đồng chí Hoàng Đình Giong với cách mạng Việt Nam và quê hương Cao Bằng” không chỉ là hoạt động thiết thực để tri ân những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quê hương Cao Bằng mà còn góp phần bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc cho các cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.Tấm gương cách mạng cao đẹp của đồng chí Hoàng Đình Giong sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam và quê hương Cao Bằng.

 

PGS, TS Nguyễn Xuân Trung

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền