Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học cấp quốc gia Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam
Thứ hai, 03 Tháng 6 2019 10:49
1348 Lượt xem

Hội thảo khoa học cấp quốc gia Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam

(LLCT) - Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (5-6-1889 – 5-6-2019), sáng ngày 1-6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; PGS, TS Lê Quốc Lý; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và các đồng chí đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các Vụ, Viện của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; thân nhân gia đình cụ Nguyễn Văn Tố;  các nhà khoa học,nhà nghiên cứu; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội tới dự và đưa tin.

Cụ Nguyễn Văn Tố, hiệu là Ứng Hòe, sinh ngày 5-6-1889 tại làng Đông Thành, tổng Tiến Túc (nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cụ nguyên là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nguyên Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Bộ trưởng không Bộ, một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà văn hóa xuất sắc, người cộng sự gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Với vốn kiến thức uyên thâm, thông kim bác cổ và kết hợp nhuần nhị kiến thức hai nền văn hóa Đông – Tây, Nguyễn Văn Tố là người đứng đầu nhiều tổ chức khoa học, nhiều phong trào truyền bá tri thức đương thời như Hội những người bạn của Viện Viễn đông Bác cổ, Hội Trí tri, Hội Truyền bá Quốc ngữ...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ cách mạng lâm thời, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ngày 6-1-1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của đất nước, Cụ được bầu là đại biểu Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (ngày 2-3-1946), cụ Nguyễn Văn Tố được bầu là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 11-1946, Cụ được bầu là Bộ trưởng không Bộ.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Nguyễn Văn Tố được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư, cùng Chính phủ lên Việt Bắc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc tấn công của quân Pháp lên Việt Bắc (Thu Đông năm 1947), Cụ sa vào tay giặc. Với tinh thần bất khuất trước kẻ thù, Cụ bị chúng tra tấn dã man và sát hại ngày 25-10-1947, khi sự nghiệp cách mạng còn đang dang dở.

Năm 2011, Nhà nước đã truy tặng cụ Nguyễn Văn Tố Huân chương Sao vàng để ghi nhớ công lao của Cụ đối với đất nước.

Hội thảo đã nhận được 41 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan khác nhau. Các bài viết, tham luận đã làm sáng tỏ các nội dung: Thứ nhất, sự đóng góp to lớn của  Nguyễn Văn Tố cho nền văn hóa dân tộc. Đó là những cống hiến góp phần khơi dậy, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, là những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp mở mang dân trí, xóa nạn mù chữ.Thứ hai,những hoạt động và cống hiến của cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị một chính khách, một nhà lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội. Cụ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành một người bạn, người cộng sự thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Thứ ba, tấm gương đạo đức trong sáng, cao đẹp của cụ Nguyễn Văn Tố.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã khái quát cuộc đời và những đóng góp nổi bật của Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam đặc biệt là đóng góp trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. “tuy thời gian chỉ hơn 8 tháng, nhưng Cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng với tập thể Ban Thường trực Quốc hội có nhiều đóng góp với cách mạng Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng”. Đó là những đóng góp về công tác lập hiến, lập pháp, về công tác đối nội, đối ngoại kiến thiết đất nước.

Phát biểu Đề dẫn hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, hội thảo là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân những hoạt động và cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Đồng thời, là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, sáng ngời của thế hệ cha anh cho các thế hệ hôm nay và mai sau, để chúng ta tiếp tục vững bước, kiên định đi theo con đường mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối yêu nước đã lựa chọn, dựng xây cơ đồ dân tộc vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong bài phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đào Ngọc Dung đã nêu bật những đóng góp của cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Đó là những hoạt động tích cực nhằm giải quyết nạn đói, nạn dốt– 2 trong 3 loại giặc cấp bách thời điểm đó. “Những bài học kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng nhân dân, tác phong đạo đức làm việc của đội ngũ cán bộ của thời kỳBộ Cứu tế  xã hội mới ra đời và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố vẫn mang giá trị thực tiễn sâu sắc đến ngày nay.”

Khẳng định trong tham luận tại Hội thảo, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: “Hà Nội tự hào là quê hương của chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố. Phát huy kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc của chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu xây dựng văn hoá Thủ đô xứng đáng là là trái tim của cả nước, đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Hội thảo khoa học kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Nguyễn Văn Tố đã thành công tốt đẹp. Hội thảo không chỉ để tri ân những hoạt động, cống hiến của cụ Nguyễn Văn Tố đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, mà còn góp phần làm tăng thêm động lực tinh thần, động viên các cấp, các ngành, các cán bộ, đảng viên và nhân dân, hăng hái thi đua lao động sáng tạo, công tác và học tập, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Tưởng nhớ cụ Nguyễn Văn Tố, chúng ta tự hào về một nhà chí sĩ yêu nước, hết lòng vì dân tộc, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đồng thời, nguyện học tập ý chí kiên cường, tinh thần làm việc tận tụy, đức hy sinh phấn đấu trọn đời vì lý tưởng độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân; học tập ý chí quyết tâm, lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

TS Trần Thị Huyền

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền