Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học cấp quốc gia: 50 năm thực hiện “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ năm, 29 Tháng 8 2019 15:49
2446 Lượt xem

Hội thảo khoa học cấp quốc gia: 50 năm thực hiện “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(LLCT) - Ngày 28-8-2019, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019).

Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tác phẩm Di chúc được viết trong 4 năm (1965-1969), qua hai lần sửa chữa. Theo tài liệu lịch sử ghi lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay đánh máy bản in Di chúc đầu tiên vào ngày 10-5-1965. Năm ấy, Người tròn 75 tuổi. Lần thứ nhất sửa vào năm 1968, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn “nói về việc riêng”, đồng thời bổ sung một số đoạn khác. Lần thứ hai vào ngày 10-5-1969. Người viết lại toàn bộ đoạn mở đầu của bản Di chúc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định những giá trị to lớn của bản Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta. Đồng chí nhấn mạnh, hội thảo là dịp để chúng ta nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh định hướng của bản Di chúc mà người để lại cho Đảng và nhân dân ta. Đồng thời, qua hội thảo này, chúng ta có dịp nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã làm được, những thành tựu nổi bật và cả những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa qua chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hội thảo khoa học 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể vào lúc toàn đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đây cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền cổ vũ mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và thực hiện tốt những Di huấn của Người, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thảo khoa học quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp các thế hệ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Di chúc là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, kết tinh tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Những căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đồng thời thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Đó là tư tưởng về xây dựng chỉnh đống Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn nhân lực con người, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới.

50 năm qua, Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua thử thách, giành những thắng lợi vẻ vang, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới, thời kỷ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng bản Di chúc mãi là ngọn đuốc sáng soi đường cho dân tộc ta tiến lên những bước phát triển mới. 

Hơn 60 tham luận và phát biểu tại Hội thảo tập trung nghiên cứu làm rõ nội dung cốt lõi, giá trị lý luận, thực tiễn và kết quả của việc thực hiện Di chúc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong 50 năm qua, trên cơ sở đó, tiếp tục khẳng định giá trị của bản Di chúc và rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Các tham luận và các phát biểu tại Hội thảo đã phân tích làm sáng tỏ những nội dung và giá trị sâu sắc Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh:

Thứ nhất, Di chúc đã tổng kết những bài học quý báu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến một trong những nội dung trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó là tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng “phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; phải phát huy dân chủ trong Đảng và ngài xã hội; thực hiện tự phê bình và phê bình; nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân”; “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thứ hai,Di chúc khẳng định niềm tin và cổ vũ toàn dân tộc Việt Nam quyết tâm hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Niềm tin tất thắng trong Di chúc được truyền đi, lan tỏa và trở thành niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần hết sức to lớn và mạnh mẽ, thúc đẩy quân dân ta vượt qua mọi khó khăn, hy sinh, tiến lên đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thứ ba, Di chúc là bản cương lĩnh với những chủ trương định hướng lớn về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Hồ Chí Minh đã phác thảo những định hướng xây dựng lại đất nước trong tương lai. Đó là “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân ”. Đảng phải có kế hoạch xây dựng lại thành phố và lang mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc”. Những định hướng đó có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt nam cả ngày hôm qua, hôm nay và mai sau.

Thứ tư, Di chúc với vấn đề đoàn kết quốc tế. Cùng với đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh rất chú trọng tới đoàn kết quốc tế. Người xác định, “cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới”. “Tình đoàn kết quốc tế vĩ đại ấy là một điều kiện rất quan trọng cho cách mạng Việt Nam thắng lợi”. Những lời căn dặn của Người trong Di chúc về đoàn kết quốc tế là định hướng quan trọng cho việc xây dựng và thực thi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, để Việt Nam luôn đóng góp xứng đáng vào nền hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Thứ năm, thành tựu đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra sau 50 năm thực hiện Di chúc. Để phát huy được những thành tựu đạt được trong 50 năm qua, khắc phục hạn chế còn tồn tại, thì việc đưa ra cá giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện thắng lợi di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất quan trọng và cần thiết.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng” và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

 

Nguyễn Thị Lan

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền