Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật - Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”
Thứ ba, 01 Tháng 12 2020 15:27
1895 Lượt xem

Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật - Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”

(LLCT) - Sáng 30-11-2020,tại Trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật - Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ;Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp;  Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tham gia Hội thảo có 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, ngành và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn ở Trung ương và các địa phương.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, là thành tố quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật nói riêng nhận thấy đó là tư tưởng về Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với “thần linh pháp quyền” trên nền tảng Hiến pháp dân chủ và các đạo luật. Đó là tư tưởng về xây dựng hệ thống pháp luật chứa đựng những giá trị công bằng, nhân văn, chính nghĩa, vì nhân dân lao động và vì con người được thực thi nghiêm minh. Đó là tư tưởng về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và đạo đức trong cầm quyền.Đồng chí đề nghị Hội thảo làm rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật và sự vận dụng trong thực tế 35 năm đổi mới vừa qua ở nước ta.

Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận và hơn 10 ý kiến thảo luận tại hội trường. Các tham luận và ý kiến phát biểu khẳng định những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật.

Thứ nhất, Hồ Chí Minh có một hệ thống các quan điểm sâu sắc, toàn diện và tiến bộ về Nhà nước, pháp luật làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho thực tiễn vận dụng ở Việt Nam. Với những nội dung mang tầm triết lý sâu sắc và rất riêng có của vị lãnh tụ kính yêu, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật không thể nghiên cứu một lần đã xong, đã thấu đáo mà cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa mới có thể nhận thức đúng đắn và vận dụng đầy đủ.

Thứ hai, một trong những điểm xuất phát trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật chính là tư tưởng lấy dân làm gốc, kế thừa bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Muốn thực sự lấy dân làm gốc, thực sự gần dân thì việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.

Thứ ba, quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, trọng tâm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là quan điểm triết lý chính trị, đạo đức và pháp lý về một nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trên nền tảng Hiến pháp dân chủ và các  đạo luật. Đó là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp, có trách nhiệm trước nhân dân.

Thứ tư, về bộ máy nhà nước, trong thực tế với lòng yêu nước, thương dân vô hạn cùng trí tuệ thiên tài, Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thiết kế mô hình tổ chức bộ máy nhà nước rất đặc sắc, thể hiện trong nội dung các bản Hiến pháp và các sắc lệnh, đạo luật lúc sinh thời. Với mỗi thành tố cơ bản trong bộ máy nhà nước, Hồ Chí Minh đều có những chỉ dẫn khá cụ thể về cách thức tổ chức và hoạt động bảo đảm các thành tố đó có thể thực hiện được bản chất của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 

Về chính quyền địa phương, Người đã quan tâm thiết kế mô hình chính quyền địa phương có tính tới đặc điểm khác biệt của nông thôn và đô thị. Trong bộ máy nhà nước, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và đặt yêu cầu cao với đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, trong đó tiêu chuẩn hàng đầu phải là “Trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Người nhấn mạnh: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Điều đặc biệt là, từng lĩnh vực cụ thể, Người còn có những điều căn dặn riêng đối với tiêu chuẩn cán bộ trong lĩnh vực ấy. 

Thứ năm, về vấn đề pháp luật và thực hiện pháp luật với tinh thần thượng tôn pháp luật, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi nghiêm minh pháp luật. Người cho rằng, pháp luật là công cụ cần thiết để giữ gìn quyền lợi của nhân dân. Duy trì trật tự xã hội phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn. Pháp luật cần chứa đựng những giá trị công bằng, nhân văn, chính nghĩa vì nhân dân lao động và vì con người được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật.Pháp luật cần được xây dựng để trước hết điều chỉnh tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức nhà nước để bảo đảm cho nhân dân có được chính quyền với mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người, đặt quyền lợi nhân dân lên trên hết. Thực hiện phương châm “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân ta phải hết sức tránh”.Pháp luật cần được xây dựng để bảo đảm cho người dân được hưởng tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, pháp luật cũng cần được hình thành bằng con đường dân chủ với sự tham gia ý kiến rộng rãi của nhân dân, đồng thời phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Chúng ta đang tích cực chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để định ra chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.Việc trở lại với những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sớm xã hội hóacác kết quả nghiên cứu của Hội thảo để các tầng lớp cán bộ, nhân dân được tiếp cận một cách đầy đủ, đồng thời xây dựng báo cáo kết quả Hội thảo gửi các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật, tham gia hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đức Thảo

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền