Trang chủ    Tin tức    Thảo luận Đề án “Sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống báo chí Học viện đến năm 2025”
Thứ năm, 10 Tháng 12 2020 16:27
1879 Lượt xem

Thảo luận Đề án “Sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống báo chí Học viện đến năm 2025”

(LLCT) - Triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án “Sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống báo chí Học viện đến năm 2025”, Ban Chủ nhiệm Đề án đã phối hợp với Ban Quản lý lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, xuất bản năm 2020 tổ chức thảo luận góp ý bản Dự thảo Đề án.PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị chủ trì thảo luận.

PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì thảo luận

Dự thảo luận có các đồng chí trong Ban Chủ nhiệm Đề án, Tổ giúp việc Đề án, lãnh đạo các vụ, viện, đơn vị chức năng có tạp chí, bản tin tại Học viện trung tâm và Học viện trực thuộc tại Hà Nội và học viên lớp học.

Thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề án, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị báo cáo tóm tắt Dự thảo Đề án, Dự thảo nêu rõ: Trải qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện đã trở thành cơ quan khoa học, đào tạo có hệ thống trên quy mô toàn quốc. Gắn với hệ thống Học viện là các cơ quan báo chí - một cấu phần có vị trí quan trọng của mỗi cơ quan khoa học, đào tạo; là cơ quan ngôn luận, diễn đàn khoa học, thể hiện vị thế, uy tín khoa học và là nhịp cầu tri thức giữa các nhà khoa học, là cầu nối giữa lý luận và thực tiễn.

Các tạp chí Học viện thuộc nhóm báo chí Trung ương Đảng, luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ tích cực công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, công tác tư tưởng lý luận, đóng góp vào hoạt động thông tin tuyên truyền tư tưởng lý luận của Đảng.

Hiện nay, Học viện có 12 tạp chí, 7 bản tin, trong đó Tạp chí Lý luận chính trị và Tạp chí Lịch sử Đảng có cơ cấu tổ chức, bộ máy khá hoàn chỉnh. Các tạp chí khác hầu hết Tổng Biên tập do cấp phó đơn vị kiêm chức, cán bộ nhân viên làm việc kiêm nhiệm, bộ máy không hoàn chỉnh, có tạp chí có phòng, ban chuyên môn, còn lại đa số không có phòng, ban.

Công tác báo chí của Học viện những năm qua có sự phát triển liên tục, cả về quy mô, số lượng. Các tạp chí đã đóng góp vào nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị. Công bố những kết quả nghiên cứu mới, góp phần vào hoạt động nghiên cứu lý luận, tư vấn chính sách. Tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đóng góp vào công tác hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại.

Mặc dù đã có những đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển chung của Học viện, hệ thống báo chí Học viện vẫn còn nhiều hạn chế. Trước hết là tình trạng thiếu thống nhất về tổ chức, bộ máy và nhân sự, chưa đảm bảo tính hệ thống. Đội ngũ cán bộ còn thiếu, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ báo chí. Chưa thành lập được Liên Chi hội Nhà báo. Chưa phát huy tốt vai trò của các Hội đồng biên tập. Nguồn lực và cơ chế tài chính còn khó khăn. Không đủ điều kiện thực hiện tự chủ tài chính. Công tác bạn đọc còn hạn chế. Chất lượng và uy tín khoa học của các tạp chí không đồng đều. Loại hình báo chí chậm đổi mới. Hoạt động của các bản tin kém hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo, định hướng đối với hệ thống báo chí Học viện trong thời gian tới, PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện yêu cầu: Một là, cần tăng cường bản sắc riêng của mỗi tạp chí. Mỗi tạp chí cần xác định những nội dung trung tâm, chuyên mục ưu tiên, tăng cường tính chuyên ngành… để định hình sắc thái riêng. Đồng thời, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp về nội dung, hình thức, vừa chia cắt, rời rạc như hiện nay. Hai là, tiến tới xây dựng tạp chí đạt chuẩn quốc tế của Học viện, đồng thời tiến hành đa dạng hóa các loại hình báo chí. Mục tiêu đến năm 2025, các tạp chí Học viện sẽ có các ấn phẩm: tạp chí in tiếng Anh, phiên bản điện tử tiếng Việt và tiếng Anh, có fanpage trên mạng xã hội. Ba là, cần đổi mới cơ chế quản lý, đa dạng hóa nguồn lực. Cơ cấu lại các nguồn lực đầu tư theo hướng nâng cao hiệu quả. Kết hợp giữa bao cấp kinh phí hoạt động với hình thức đặt hàng sản phẩm. Từng bước thực hiện cơ chế quản lý tự chủ tài chính đối với cơ quan báo chí. Đẩy mạnh hoạt động kinh tế báo chí. Bốn là, có lộ trình nâng cấp các bản tin khoa học thành tạp chí.

Dự thảo Đề án “Sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống báo chí Học viện đến năm 2025” đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, cũng như đề xuất mô hình tổ chức cơ quan báo chí Học viện thống nhất. Trong đó xác định 4 hạng tạp chí và tiêu chí xếp hạng tạp chí trong hệ thống Học viện. Dự thảo Đề án cũng đề xuất chính sách chung áp dụng đối với cán bộ làm công tác báo chí toàn Học viện, từ khâu quản lý cán bộ, phụ cấp quản lý, các hội đồng biên tập, việc thành lập Liên Chi hội Nhà báo Học viện… và tiến độ cụ thể đối với từng năm trong giai đoạn 2020 - 2025.

Tại buổi thảo luận, đã có 13 lượt ý kiến đóng góp cho Đề án. Các quan điểm được nêu lên đều rất thẳng thắn, tâm huyết với những đóng góp tích cực cho Dự thảo. Các ý kiến tập trung vào những vấn đề như: (i) Đề án cần phải khẳng định, đánh giá đúng vai trò, vị thế của báo chí Học viện, không coi báo chí Học viện là gạch nối giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. (ii) Bổ sung cơ sở chính trị, pháp lý của Đề án; (iii) Bổ sung thêm vào bức tranh tổng thể hệ thống báo chí Học viện hiện nay; (iv) Bổ sung những bất cập trong hệ thống báo chí Học viện từ bộ máy, đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ biên tập, quy trình biên tập, xuất bản, cơ chế tài chính…; (v) Làm rõ hơn, cụ thể hơn lộ trình xây dựng, sắp xếp hệ thống báo chí Học viện; (vi) Đề xuất, bổ sung các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống báo chí Học viện, đặc biệt là giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác báo chí.

Phát biểu kết luận, PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện ghi nhận những ý kiến tâm huyết và sâu sắc của các đại biểu tham dự đối với Dự thảo Đề án, cũng như những gợi mở mang tính định hướng đối với tương lai của hệ thống báo chí Học viện. Đồng chí nhấn mạnh, trong những năm qua, tuy chúng ta đã mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí, song đây là lần đầu tiên Học viện tổ chức được một buổi thảo luận đầy chất lượng và chuyên sâu về thực trạng, vị thế, định hướng phát triển đối với hệ thống báo chí Học viện. Đồng chí đánh giá cao những góp ý tâm huyết và những trăn trở của đội ngũ lãnh đạo và những người làm tạp chí, bản tin Học viện. Đồng thời tin tưởng, với tinh thần nhiệt huyết, cống hiến và sáng tạo của đội ngũ những người làm báo, hệ thống báo chí Học viện sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị báo chí thuộc Học viện dự thảo luận, lấy ý kiến

----------------

Lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, xuất bản năm 2020 do Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức dành cho đối tượng là các đồng chí cán bộ làm công tác thông tin, báo chí của Học viện. Với mục đích trang bị, cập nhật một số kiến thức chung về mô hình báo chí hiện đại, nghiệp vụ công tác Hội nhà báo và cung cấp một số thông tin liên quan đến chủ trương, phương hướng của Học viện đối với công tác báo chí; nghiệp vụ, kỹ năng công tác báo chí, xuất bản trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện.

Chương trình lớp bồi dưỡng gồm 4 nội dung cơ bản:

1. Những vấn đề đổi mới mô hình báo chí theo hướng hiện đại: Xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ;Kỹ năng viết, biên tập bài báo khoa học theo quy chuẩn quốc tế; Điều kiện, quy trình xây dựng tạp chí khoa học chuẩn quốc tế. Cụ thể là phương án xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho các tạp chí điện tử Học viện.

2. Về nghiệp vụ công tác hội và đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động của các cấp Hội Nhà báo.

3. Thảo luận Dự thảo Đề án sắp xếp, đổi mới các tạp chí của Học việnphù hợp với Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

4. Vị trí, vai trò hệ thống báo chí của Học viện với thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Lớp học là dịp để các đồng chí học viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề nghiệp vụ công tác trong hệ thống Học viện cũng như những bất cập trong thực hiện các quy chế, quy trình trong công tác báo chí, quản lý báo chí; tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, các quy định về mối quan hệ giữa cơ quan báo chí với lãnh đạo đơn vị chủ trì, cơ quan chủ quản.

M.D

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền