Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Nghiên cứu xã hội học về biến đổi xã hội trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ ba, 22 Tháng 12 2020 13:44
1866 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Nghiên cứu xã hội học về biến đổi xã hội trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0

(LLCT) - Ngày 18-12-2020, Viện Xã hội học và phát triển tổ chức Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu xã hội học về biến đổi xã hội trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0”. TS Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển chủ trì Hội thảo.

Cách mạng công nghiệp 4.0

Dự Hội thảo có PGS, TS Nguyễn Tất Giáp, nguyên Phó Giám đốc Học viện, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên các hệ lớp của Viện Xã hội học và phát triển.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Bùi Phương Đình nhấn mạnh Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, kỷ nguyên số và đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0. Dưới sự tác động nhiều chiều của cách mạng công nghệ, xã hội Việt Nam đã có nhiều biến đổi sâu sắc trên tất cả các bình diện: chính trị - kinh tế - văn hóa ở khắp các khu vực nông thôn - thành thị, đồng bằng - miền núi. Sự biến đổi này một mặt tạo diện mạo mới - công nghiệp và hiện đại, xuất hiện nhiều ngành nghề, nguồn lực mới, hình thành những cấu trúc mới trong xã hội, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển xã hội. Mặt khác, những tác động tiêu cực của hiện đại hóa, công nghệ hóa tới xã hội như: vấn đề đảm bảo môi trường sống; sự thích ứng của các nguồn lực với công việc, ngành nghề mới; sự phù hợp của các chính sách xã hội trong quản lý và phát triển xã hội… đòi hỏi cần có những nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là các nghiên cứu điều tra xã hội học để có những phát hiện, đo lường, đánh giá về sự ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến các chiều cạnh trong xã hội Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh đó, Hội thảo “Nghiên cứu xã hội học về biến đổi xã hội trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0” có ý nghĩa thiết thực cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Nhiều tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung phân tích, làm sáng tỏ những biến đổi trong xã hội Việt Nam dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Đức Chiện (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phân tích những ảnh hưởng củacuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới nhiều chiều cạnh trong xã hội Việt Nam và tạo ra những chuyển dịch mới trong cấu trúc xã hội hiện nay. Việt Nam là quốc gia đang phát triển và đang hướng đến quốc gia đạt thu nhập trung bình cao và thực hiện khát vọng hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu này, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, nhóm xã hội và giải quyết các vấn đề nan giải như thiếu việc làm, nghèo đói… Tuy nhiên, những tác động của cách mạng công nghệ cũng đang góp phần hình thành và làm gia tăng nhiều vấn đề trong xã hội như:  cơ cấu việc làm và nguồn nhân lực mới; bất bình đẳng và khác biệt giữa các nhóm xã hội; hình thành mạng lưới và chuẩn mực xã hội mới… đòi hỏi cần có những định chế và thông lệ mới thích ứng.

Trình bày tham luận “Quản trị số hóa ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, NCS Vũ Thái Hạnh nêu bật một số đặc trưng và thách thức trong quản trị số ở Việt Nam hiện nay. Quản trị số ở Việt Nam hiện đã đạt được tiến bộ nhất định nhưng việc xây dựng nền quản trị số đang phải đối mặt với một số thách thức như: điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đang trong quá trình hoàn thiện; năng lực, nhận thức của các bộ các cấp, doanh nghiệp và người dân trong cung ứng và sử dụng dịch vụ công còn hạn chế; hành lang pháp lý về lĩnh vực này còn nhiều điểm chưa hoàn thiện; yếu tố bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin trong nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa được quan tâm đúng mức… Đây là những thách thức lớn trong việc chuyển từ chính phủ điện tử sang quản trị số ở Việt Nam hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Đặng Thị Ánh Tuyết, Phó Viện trưởng Viện xã hội học và Phát triển nêu rõ một số vấn đề phát triển nguồn nhân lực nữ ở nước ta dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời đề xuất một số giải pháp hàm ý chính sách phát triển nguồn nhân lực này. Chất lượng nguồn nhân lực nữ ở nước ta hiện nay thể hiện cụ thể trong các chỉ báo về sức khỏe, trí lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ và tin học; khả năng sáng tạo và thích ứng với công việc. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã có những tác động và thay đổi các chỉ báo này theo chiều hướng tích cực song cũng đặt ra những thách thức mới cho phát triển nguồn lực nữ đòi hỏi cần có đổi mới trong chính sách xã hội như: nâng cao thể chất, thể lực cho nguồn nhân lực nữ thông qua các chính sách dân số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ thông qua chính sách thu hút nhân tài từ nguồn nhân lực nữ có chất lượng; tăng cường lồng ghép giới để giải quyết các vấn đề phát triển nguồn nhân lực nữ một cách toàn diện; đẩy mạnh công tác thông tin - giáo dục - truyền thông, vận động các nhóm phụ nữ phát huy các phẩm chất tốt đẹp truyền thống.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Hà Việt Hùng nêu rõ những biến đổi xã hội trên giác độ giới, gia đình, cụ thể là những biến đổi về mô hình hôn nhân trong thế kỷ XXI dưới tác động của cuộc Cách mạng 4.0. Những dữ liệu về tình trạng hôn nhân của dân cư ở nước ta qua các cuộc điều tra dân số cho chúng ta biết xu hướng biến đổi mô hình ở Việt Nam trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Theo đó, tỷ lệ người trong dân số kết hôn muộn và sống độc thân có xu hướng gia tăng ở cả hai; trong đó những người có trình độ học vấn thấp hơn có xu hướng lựa chọn sống độc thân nhiều hơn; tỷ lệ phụ nữ muốn lấy chồng có vị thế xã hội thấp hơn sẽ dần cao hơn so với phụ nữ muốn lấy chồng có vị thế xã hội cao hơn. Những đặc điểm này có mối liên hệ biện chứng với nhau và đều bắt nguồn từ quá trình biến đổi nhân khẩu học, biến đổi xã hội đang diễn ra hiện nay.

Trình bày tham luận “Biến đổi xã hội: kiểm soát xã hội trong kỷ nguyên số”, TS Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh, trong xã hội hiện đại, tiến bộ công nghệ giúp dư luận xã hội có khả năng khuếch tán, lan tỏa và phát huy áp lực tới các cá nhân, cộng đồng xã hội mạnh và nhanh hơn gấp nhiều lần so với trong xã hội truyền thống. Cũng bởi thế, khả năng kiểm soát xã hội thông qua dư luận xã hội trong kỷ nguyên số sẽ được gia tăng và có vai trò quan trọng trong việc định hình và điều chỉnh hành vi cá nhân. Đây là một trong những lợi thế mà các nhà hoạch định chính sách xã hội, các nhà truyền thông cần phát huy mạnh mẽ để có những can thiệp, định hướng, điều chỉnh dư luận xã hội phù hợp trong quá trình quản lý và phát triển xã hội.   

Phát biểu tại Hội thảo, TS Phan Tân (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nêu rõ xu hướng biến đổi văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Văn hóa trong đồng bào vùng dân tộc thiểu số dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóađã xuất hiện thêm nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mới với các hình thức hiển hiện đa dạng và hiện đại. Các giá trị văn hóa mới ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên nhiều bình diện. Bên cạnh các tác động tích cực làm mới mẻ và phong phú hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa mới phần nào đã làm xói mòn, mai một nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Thực tế trên đòi hỏi các chính sách xã hội cần có những giải pháp phát huy, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn bản sắc của các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Đỗ Văn Quân nêu rõ một số vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo chiến lược ở Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cũng như tạo ra cơ hội thuận lợi hơn, công bằng hơn cho tất cả các quốc gia, giai tầng, nhóm xã hội, lĩnh vực; từ chính phủ, doanh nghiệp đến người lao động. Trong đó, cuộc Cách mạng này đang đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ lãnh đạo chiến lược những tố chất, tiêu chuẩn đặc trưng như: lòng đam mê và có khả năng truyền cảm hứng cho xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; sự sáng tạo và trực giác đối với những tác động đa chiều và những hệ quả mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo ra; tầm nhìn, sự hiểu biết của người lãnh đạo về chiến lược trong việc phát huy trách nhiệm xã hội của cá nhân đối với cộng đồng. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ tư duy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chiến lược phù hợp với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu tất yếu của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Kết luận Hội thảo, TS Bùi Phương Đình khẳng định các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã làm sáng tỏ một số tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tới phát triển xã hội và làm biến đổi sâu sắc trên nhiều chiều cạnh, đặc biệt về cấu trúc xã hội; cơ cấu dân số, ngành nghề, lao động, việc làm. Các kết quả của Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, góp phần hình thành cơ sở lý luận trong việc xây dựng các giải pháp hiện thực hoá các mục tiêu trong quản lý và phát triển xã hội hiện nay.

Nguyễn Thị Lan

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền