Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học “Đồng chí Trần Quốc Hoàn - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”
Thứ sáu, 22 Tháng 1 2021 09:57
1999 Lượt xem

Tọa đàm khoa học “Đồng chí Trần Quốc Hoàn - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”

(LLCT) - Kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn (23-01-1916 - 23-01-2021), sáng ngày 21-01-2021, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Trần Quốc Hoàn - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”. PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đồng chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm

Dự Tọa đàm có thân nhân gia đình đồng chí Trần Quốc Hoàn; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài Học viện.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, tên khai sinh là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23-01-1916, tại Thị xã Hà Tĩnh; nguyên quán xóm Đình, làng Dương Liễu, tổng Nam Kim (nay là xóm 3, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước còn nô lệ, chứng kiến cuộc sống lầm than, khổ cực của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, nên đã nuôi dưỡng trong con người Trần Quốc Hoàn tư tưởng yêu nước và tinh thần làm cách mạng từ rất sớm.

Năm 1930, đồng chí Trần Quốc Hoàn tham gia tổ chức Học sinh phản đế của Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi thoát ly gia đình đi làm phu mỏ chì Boneng ở Lào. Tháng 3-1934, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1934, đồng chí bị mật thám Pháp bắt, kết án 8 tháng tù giam và 5 năm biệt xứ. Hết hạn tù, thực dân Pháp đưa đồng chí về quản thúc tại Hà Tĩnh.

Năm 1936, đồng chí ra Hà Nội, tham gia đấu tranh trong phong trào Mặt trận Dân chủ, trực tiếp hoạt động ở các tờ báo Bạn Dân, Thời thế, Hà Thành thời báo.

Năm 1937, theo chỉ thị của Đảng, đồng chí rút vào hoạt động bí mật, tham gia Thường vụ Thành ủy, làm Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bị kẻ địch lùng bắt gắt gao, tháng 5-1940, đồng chí được tổ chức bố trí rút khỏi Hà Nội và giao nhiệm vụ hoạt động ở cơ sở in báo Giải phóng - cơ quan tuyên truyền và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Công tác ở cơ quan báo chí một thời gian, đồng chí Trần Quốc Hoàn được điều động sang phụ trách Trạm giao thông của Xứ ủy Bắc Kỳ, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phong trào cách mạng của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Đầu năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và bị kết án 6 năm tù và 20 năm quản thúc tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội), sau đó bị đày đi nhà tù Sơn la. Tại đây, đồng chí tham gia sinh hoạt trong Chi bộ nhà tù và đến năm 1944, được bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí thoát khỏi nhà tù và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng, được Trung ương Đảng cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp tham gia lãnh đạo khởi nghĩa, giành và bảo vệ chính quyền cách mạng ở Hà Nội (trong và sau Cách mạng Tháng Tám 1945).

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Trần Quốc Hoàn đảm trách nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng: Bí thư Liên khu uỷ II (1947), Bí thư Liên khu ủy X (3-1948), Bí thư Đặc khu uỷ Hà Nội (1949). Năm 1951, tại Đại hội Đảng II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 19-8-1952, đồng chí được Trung ương Đảng phân công phụ trách ngành Công an. Ngày 6-9-1952, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nha Công an Việt Nam. Tháng 2-1953, giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an rồi làm Bộ trưởng Bộ Công an.

Từ năm 1954, đồng chí kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội, trực tiếp tổ chức  tốt cuộc tiếp quản Thủ đô và chuyển Chính phủ, Trung ương Đảng ta từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội.

Năm 1960, tại Đại hội III của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị. Đến năm 1972, đồng chí là ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Năm 1976, tại Đại hội IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Đồng chí là ủy viên Hội đồng Quốc phòng.

Từ năm 1961 đến năm 1984, đồng chí tham gia Quân uỷ Trung ương. Cuối năm 1980, được Trung ương cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1982, tại Đại hội V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Đồng chí là Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII. Do có những đóng góp to lớn đối với cách mạng, đồng chí đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, trong đó có Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: Cuộc đời hoạt động cách mạng và đóng góp của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với cách mạng Việt Nam rất phong phú, đa dạng, to lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thể hiện rõ những phẩm chất và tài năng:

1. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - người cộng sản kiên trung. Tham gia phong trào đấu tranh cách mạng ngay từ khi tuổi còn rất trẻ, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã phải trải qua nhiều thử thách, khó khăn, chịu mọi cực hình tra tấn, tù đày của thực dân đế quốc. Tuy nhiên, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh và cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện rõ tấm gương người cộng sản kiên trung, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối nhưng khó khăn, thách thức đối với độc lập, tự do của dân tộc và ấm no, hạnh phúc của nhân dân vẫn còn nhiều. Đồng chí Trần Quốc Hoàn tiếp tục xông pha vào những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, lãnh đạo lực lượng Công an giữ vững an ninh, trật tự đất nước, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.

2. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn trực tiếp đảm trách nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Trên bất kỳ cương vị nào, với tài năng lãnh đạo, tổ chức, khả năng ứng phó và sáng tạo với tình hình thực tiễn, những lĩnh vực đồng chí trực tiếp phụ trách đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc ngày càng phát triển. Đặc biệt, khi được giao trọng trách trực tiếp xây dựng và lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân - một lĩnh vực công tác đặc biệt và mới, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã thể hiện rõ tài năng lãnh đạo trong lĩnh vực công tác đầy khó khăn, phức tạp này.

3. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Trần Quốc Hoàn từng đảm đương nhiều trọng trách trong bộ máy Đảng, Nhà nước và đều hoàn thành tốt các công việc được giao. Điều đó thể hiện trí tuệ, tài năng lãnh đạo của đồng chí. Đồng thời, đó còn là kết quả của uy tín, đạo đức, phong cách, lối sống giản dị của đồng chí, tạo niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ và những người có điều kiện làm việc, tiếp xúc với đồng chí. Đồng chí xứng đáng là một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với thái độ tận tụy, hết lòng vì nhân dân, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn cho rằng, để nhân dân tin tưởng, ủng hộ, người cán bộ phải tiên phong, gương mẫu. Bản thân đồng chí là tấm gương của một nhà lãnh đạo luôn thể hiện “lời nói đi đôi với việc làm”, đi trước, làm trước để mọi người làm theo. Đồng chí có tác phong làm việc tỉ mỉ, sâu sắc, nhạy bén, đề cao dân chủ trong mọi hoạt động, luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đồng chí, đồng nghiệp, đặc biệt là những ý kiến trái chiều. Trong con người đồng chí luôn toát lên sự bao dung, nhân hậu đối với anh em, đồng chí, thậm chí ngay cả với những kẻ phạm tội nhưng ít nguy hiểm, ít lầm lỗi.

Cả cuộc đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng cao cả, vì Tổ quốc, vì nhân dân, tài năng, đức độ của đồng chí xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, của Bác Hồ và của nhân dân ta. Đồng chí là tấm gương đạo đức sáng ngời, là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

M.D

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền