Trang chủ    Tin tức    Hội nghị thông tin chuyên đề: Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
Thứ hai, 01 Tháng 2 2021 18:11
903 Lượt xem

Hội nghị thông tin chuyên đề: Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

(LLCT) - Ngày 29-1-2021, tại Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Thông tin chuyên đề “Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”.  Đây là kết quả chắt lọc nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Nhà nước do PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm. 

Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số là việc các chủ thể có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp tổng hợp về lập pháp, hành pháp, tư pháp, kinh tế… nhằm hiện thực hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn về quyền phổ biến và đặc thù của dân tộc thiểu số trong quản lý nhà nước và trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, dân tộc. Việt Nam là một quốc gia thống nhất với 54 dân tộc, trong đó các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung chủ yếu ở các vùng núi, đặc biệt là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Đồng bào các dân tộc cư trú phân tán và đan xen với nhau mà không có vùng lãnh thổ tộc người riêng. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Các dân tộc đều có truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và xây dựng dân tộc - quốc gia Việt Nam thống nhất.

Cơ sở pháp lý của bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thể hiện cụ thể trong Điều 5 Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Ngoài ra, để bảo đảm các quyền của các dân tộc thiểu số, Điều 42 Hiến pháp năm 2013 cũng ghi nhận: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Đồng thời khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Nguyên tắc này cũng đã được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, được thể chế và cụ thể hóa trong các văn bản luật như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Quốc tịch, Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, nhằm bảo đảm  ngày càng tốt hơn các quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam. Những quyền của các dân tộc thiểu số được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ như: Quyền được tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng; Quyền được sử dụng và phổ biến ngôn ngữ riêng và lựa chọn ngôn ngữ để giao tiếp; Quyền tiếp cận và thụ hưởng các giá trị văn hóa…

Tại Hội nghị, PGS, TS Lê Văn Lợi tập trung phân tích, làm rõ những cơ sở lý luận, pháp lý, thực tiễn và thực trạng bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, từ đó xác định các giải pháp bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các vấn đề về nhân quyền của các dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, đặc biệt là việc  bảo đảm quyền bình đẳng trong thụ hưởng và khuyến khích phát huy các giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam nhằm hạn chế sự lợi dụng vấn đề dân tộc - tôn giáo của các thế lực thù địch. Một số kết quả tích cực trong công tác phòng, chống các hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền của các dân tộc thiểu số đã khẳng định định hướng và những chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận này. Tuy nhiên ở một số địa phương, cơ quan, việc triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: Cấp ủy Đảng chưa, lãnh đạo cơ quan chưa nhận thức rõ mục đích và phương thức hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền của các dân tộc thiểu số để gây mất ổn định, chống phá chế độ chính trị - xã hội Việt Nam hoặc còn bị động về thông tin, phản bác cứng nhắc, chưa thực sự có chiều sâu, chưa có tính thuyết phục; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có trách nhiệm trong công tác này còn thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về lĩnh vực này còn chưa tương xứng với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hiện nay.

Trước thực trạng trên, các nhóm giải pháp của Chuyên đề tập trung hướng đến xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách thống nhất, không bị chồng chéo trong nhiệm vụ giữa các cơ quan đảm trách; tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông cho đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách dân số và đồng bào các dân tộc; đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp tham gia sâu rộng hơn vào công tác này; tăng cường đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề quyền của các dân tộc thiểu số để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Chuyên đề “Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” là một trong những nội dung trọng tâm của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước cùng chủ đề của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Các nội dung của Chuyên đề có ý nghĩa thiết thực trong việc cung cấp thông tin, học liệu, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, chuyên môn của đông đảo học viên, cán bộ tham dự Hội nghị.

Nguyễn Thị Lan

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền