Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm Khoa học Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương đạo đức trong sáng
Thứ ba, 02 Tháng 3 2021 08:28
937 Lượt xem

Tọa đàm Khoa học Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương đạo đức trong sáng

(LLCT) - Nhân Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng (1-3-1906 -1-3-2021), chiều ngày 1-3-2021, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học : “Đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương đạo đức trong sáng”.

Tới dự và Chủ trì tọa đàm có PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và lãnh tụ của Đảng; PGS, TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và lãnh tụ của Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh. Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các vụ, viện của Học viện; các nhà khoa học trong và ngoài Học viện; đại diện gia đình đồng chí Phạm Văn Đồng; các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và Hà Nội.

Đồng chí Phạm Văn Đồng, sinh ngày 1-3-1906 trong một gia đình trí thức phong kiến tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Kế thừa truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình, trong những năm 1925-1926, Phạm Văn Đồng đã tham gia phong trào đấu tranh đòi thả nhà chí sĩ Phan Bội Châu và tổ chức Lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Đầu năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 3-1929, đồng chí được bầu là Bí thư Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niênNam Kỳ. Tháng 5-1929, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Tổng bộ. Tháng 7-1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam cầm tại Khám Lớn - Sài Gòn, rồi bị kết án 10 năm tù, đày ra Côn Đảo.

Sau khi ra tù (tháng 7-1936), bị đưa về quản thúc ở quê nhà, đồng chí Phạm Văn Đồng bí mật tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Đầu năm 1937, đồng chí trở ra Hà Nội hoạt động cách mạng. Tháng 5-1940, đồng chí sang Côn Minh (Trung Quốc), gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, rồi tham gia hoạt động cách mạng ở Tĩnh Tây. Năm 1941, đồng chí được giao nhiệm vụ về nước xây dựng căn cứ cách mạng ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Tháng 8-1945, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Bộ trưởng Tài chính, rồi Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ. Tháng 1-1947, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đầu năm 1949 là Ủy viên chính thức. Tháng 7-1949, đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Ngày 20-9-1955, tại Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 5, đồng chí được bầu là Thủ tướng Chính phủ và liên tục đảm nhiệm cương vị này trong 32 năm (1955-1987).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng các khóa VI, VII, VIII, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến Khóa VII (từ năm 1946 - 1987). Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý.

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Đồng chí Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Với 94 năm tuổi đời, 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Trong không khí cả nước phẩn khởi thi đua chào mừng thành công Đại hội thứ XIII của Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, noi gương đồng chí Phạm Văn Đồng, chúng ta quyết tâm phấn đấu, nêu cao tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tình nhân ái, ý chí kiên cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, sớm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng đất nước ta phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Các đại biểu tham luận tại Tọa đàm

Hơn 20 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã tập trung làm rõ những cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Văn Đồng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, thể hiện ở 5 nội dung chính sau đây:

Thứ nhất, đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà hoạt động chính trị có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam

Từ nhiều góc độ khác nhau và bằng những luận giải khoa học, các bài tham luận và ý kiến phát biểu của PGS, TS Nguyễn Thị Kim Dung, PGS, TS Phạm Hồng Chương (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) đã tập trung làm rõ những đóng góp to lớn của đồng chí Phạm Văn Đồng trên cương vị là người lãnh đạo cấp cao tài năng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Là một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, đồng chí đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng qua những thời kỳ đầy cam go và thử thách, đưa cách mạng đi đến thành công. Đồng chí luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng; xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và Nhân dân; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, những biểu hiện suy thoái, biến chất trong các cán bộ, đảng viên. Đồng chí cũng dành sự quan tâm to lớn đối với việc bồi dưỡng và đào tạo thế hệ trẻ.

Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ trong nhiều năm, đồng chí luôn trăn trở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, xây dựng những tiền đề quan trọng cho việc củng cố, phát triển chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đồng chí rất quan tâm xây dựng và thực hiện các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và mở rộng dân chủ, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào các hoạt động của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật; đồng thời chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cả về phẩm chất đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ hai, đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo kinh tế giàu kinh nghiệm

 Các báo cáo tham luận của PGS, TS Đỗ Xuân Tuất (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng), PGS, TS Nguyễn Danh Tiên (Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) đã tập trung làm rõ những đóng góp to lớn của đồng chí Phạm Văn Đồng trên lĩnh vực kinh tế. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ lâm thời (1945) và người đứng đầu Chính phủ trong nhiều năm, đồng chí Phạm Văn Đồng đã lãnh đạo xây dựng kinh tế của đất nước qua những thời kỳ khó khăn của cách mạng: góp phần xây dựng nền móng quan trọng cho nền kinh tế của đất nước ngay sau những năm giành được chính quyền; chỉ đạo thực hiện các kế hoạch kinh tế trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà; củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và phát triển lực lượng sản xuất. Đặc biệt, khi nền kinh tế nước ta bộc lộ những hạn chế, lâm vào khủng hoảng, đồng chí trăn trở, suy tư cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ nỗ lực tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý kinh tế, tìm đường đổi mới, đưa đất nước từng bước ra khỏi những khó khăn về kinh tế-xã hội. Với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc của người cộng sản, đồng chí đã tự phê bình trước Đảng, Quốc hội và nhân dân về những yếu kém, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý nền kinh tế quốc dân và đề xuất những biện pháp quyết liệt, sát hợp với tình hình thực tiễn, nhằm mục tiêu ổn định tình hình, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, đồng chí đã chỉ đạo thành lập Tổ nghiên cứu quản lý kinh tế tập trung nghiên cứu và đề xuất nhiều vấn đề trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, góp phần hình thành, bổ sung và phát triển đường lối đổi mới kinh tế của Đảng.

Thứ ba,đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà ngoại giao tài năng

Tham luận của PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn (Học viện Ngoại giao), PGS, TS Trần Minh Trưởng (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) đã làm sâu sắc hơn những đóng góp to lớn của đồng chí Phạm Văn Đồng trên lĩnh vực ngoại giao. Trong những thời điểm mang tính bước ngoặt của cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn, đồng chí Phạm Văn Đồng đã cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện những chính sách ngoại giao đúng đắn, đồng thời tham gia vào nhiều cuộc đàm phán, những hội nghị quan trọng ở những cấp độ khác nhau, góp phần vào sự thành công của cách mạng, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, huy động và tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế, nhất là của các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới trong công cuộc kháng chiến cũng như khôi phục kinh tế, tái thiết đất nước.

Với những hoạt động và cống hiến to lớn đối với ngành ngoại giao, đồng chí Phạm Văn Đồng được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận “là nhà ngoại giao tài năng, có uy tín trên thế giới, nhìn xa trông rộng, tinh tế và linh hoạt, kiên cường và mềm dẻo, ứng xử nhanh nhạy, sáng tạo, luôn thể hiện lập trường chính trị sáng suốt trước thời cuộc và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh”.

Thứ tư, đồng chí Phạm Văn Đồng - Nhà văn hóa lớn.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã khẳng định, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Văn Đồng  đặc biệt quan tâm đến văn hóa và phát huy vai trò của văn hóa trong hoạt động cách mạng. Đồng chí đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, đồng thời chỉ đạo đối với xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa và giáo dục nước nhà. Đồng chí là người đã đề xuất và khai phá một số lĩnh vực nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu, giáo dục môn đạo đức học trong hệ thống giáo dục phổ thông và các trường đại học; đồng chí là một trong những người đặt nền móng cho việc ra đời chuyên ngành Hồ Chí Minh học của nước ta. Đồng chí để lại những tác phẩm văn hóa có giá trị, trong đó đặc biệt là những tác phẩm nghiên cứu sâu sắc và toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ năm, đồng chí Phạm Văn Đồng - Tấm gương đạo đức trong sáng, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Một trong những nội dung quan trọng được các tham luận tập trung làm sáng rõ,  đó là tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, suốt đời cống hiến hy sinh cho cách mạng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân của đồng chí Phạm Văn Đồng. Từ lúc bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng cho đến khi tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã dành hết tâm huyết, tài năng và sức lực của mình để cống hiến cho Đảng, cho dân tộc và nhân dân.

Đồng chí Phạm Văn Đồng còn là một tấm gương sáng về người cộng sản kiên trung, bất khuất, người đã bất chấp những gian nguy, vượt qua sự tra tấn, thử thách khắc nghiệt trong nhà tù đế quốc; những khó khăn, thiếu thốn và sự ác liệt của chiến tranh, khẳng định ý chí sắt đá của người cộng sản, sự kiên định với con đường và mục tiêu đã chọn.

Là người có may mắn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo, bồi dưỡng từ khi mới bắt đầu hoạt động cách mạng và có thời gian làm việc khá dài bên Người, đồng chí Phạm Văn Đồng trở thành một trong những học trò xuất sắc, người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã học tập, rèn luyện và phấn đấu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành người cán bộ lãnh đạo, tận tâm tận lực, vì dân, vì nước, liêm khiết, khiêm tốn, giản dị, gần gũi với nhân dân…

Bên cạnh đó, một số tham luận và ý kiến phát biểu của TS Trần Văn Hải (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) khẳng định, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Phạm Văn Đồng.

Minh Phương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền