Trang chủ    Tin tức    Hội thảo tham vấn Chương trình nghiên cứu phát triển địa phương – Dự án Vietnam Leads
Thứ tư, 10 Tháng 3 2021 13:59
2232 Lượt xem

Hội thảo tham vấn Chương trình nghiên cứu phát triển địa phương – Dự án Vietnam Leads

(LLCT) -Sáng 9-3-2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo quốc tế trực tuyến giới thiệu Chương trình nghiên cứu phát triển địa phương - Dự án Vietnam Leads. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, cùng với sự tham gia trực tuyến của các giáo sư từ Đại học Indiana (Hoa Kỳ).

PGS,TS Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo

Chủ trì Hội thảo: PGS,TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Giám đốc Trung tâm Chia sẻ tri thức quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Giám đốc Ban Quản lý Dự án và PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án. Tham gia trực tuyến và chủ trì phía đầu cầu Đại học Indiana, Hoa Kỳ có GS,TS Trần Ngọc Anh, Chuyên gia cao cấp, Giám đốc Dự án Vietnam Leads, Đại học Indiana; với sự tham gia của các thành viên Dự án từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và mạng lưới Sáng kiến Việt Nam (Vietnam Initiative), Đại học Indiana, Hoa Kỳ.

Dự án Vietnam Leads là kết quả hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu phát triển chính sách Việt Nam – Hoa Kỳ, với sự tài trợ của Cơ quan Hoa Kỳ về Phát triển Quốc tế - USAID, Đại học Indiana với đầu mối thực hiện là mạng lưới Sáng kiến Việt Nam, phối hợp cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong các hoạt động hợp tác, nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên trong hệ thống Học viện; nghiên cứu, tham vấn chính sách phát triển địa phương. Mục tiêu của Dự án Vietnam Leads là nhằm bồi dưỡng năng lực cho cán bộ lãnh đạo và hỗ trợ chiến lược phát triển địa phương cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; xây dựng cơ chế đối tác, hợp tác lâu dài, hiệu quả giữa Học viện và Đại học Indiana về nghiên cứu chính sách - lĩnh vực thế mạnh của cả hai bên.

Một điểm nhấn của Dự án là sáng kiến Đối thoại quốc gia thường niên về phát triển địa phương – một diễn đàn đa ngành, đa cấp độ theo mô hình Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, được kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ cấp trung ương đến các địa phương, cùng với các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài Việt Nam để kết nối, chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc và tìm ra cơ hội phát triển đột phá. Đây là hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo tiếng vang cho Dự án, góp phần tăng cường hình ảnh, vị thế của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, Dự án cũng đang trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xác định địa phương tiên phong, từ đó vạch ra chiến lược đồng hành lâu dài, hiệu quả, vừa góp phần bồi dưỡng lãnh đạo và tư vấn chính sách tại địa phương, vừa phục vụ công tác nghiên cứu, trao đổi và rút kinh nghiệm cho các địa phương khác trong khuôn khổ Dự án. Đây cũng là nội dung được các nhà khoa học thảo luận sôi nổi tại Hội thảo, ý kiến của PGS,TS Bùi Phương Đình (Viện Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và TS. Huỳnh Thế Du (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) thống nhất cần có sự đánh giá tổng thể nhiều tiêu chí, trong đó chú trọng các tiêu chí phát triển bền vững bên cạnh khung CL hiện đang được đề xuất, xây dựng khung tiếp cận rộng hơn về phân tích chính sách, đặc biệt là chính sách phát triển địa phương.

PGS,TS Nguyễn Mạnh Hùng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tin tưởng, với cách tiếp cận mới và sáng tạo, Dự án sẽ đem lại thay đổi trong phương thức hợp tác phát triển quốc tế, thể hiện trên ba phương diện: Một là, tăng cường tính hiệu quả nhờ cơ chế thông qua tổ chức trung gian điều phối tài trợ, giải ngân và quản lý hiệu quả nguồn vốn; hai là, tính bền vững, hướng tới những giải pháp có tác động và tầm ảnh hưởng lâu dài cả sau khi Dự án kết thúc; ba là, tính bao trùm – Dự án được kỳ vọng không chỉ kết nối trong khuôn khổ USAID mà còn quy tụ các tổ chức trong nước và quốc tế, kết nối các nhóm ngành, các nhà khoa học với Chính phủ nhằm mục tiêu chia sẻ, tăng cường hiểu biết và hợp tác.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan quan trọng hàng đầu với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cho Đảng và toàn hệ thống chính trị, tham mưu, đề xuất đường lối chính sách cho Đảng và Nhà nước, với hệ thống Học viện trung tâm, các Học viện trực thuộc và Trường chính trị trải khắp các tỉnh thành, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy giàu kinh nghiệm. Nhận rõ tầm quan trọng của Học viện, Dự án hy vọng có thể tạo nền tảng để kết nối thành công Học viện với Đại học Indiana, mạng lưới VNi, gắn kết chặt chẽ hơn giữa Học viện với các cơ quan, tổ chức như Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Fulbright, v.v..

Để đạt được mục tiêu đó, việc nâng cao năng lực cho Học viện là một chủ đề được đưa ra thảo luận sôi nổi. Các nhà khoa học góp ý cụ thể cho Dự án các vấn đề nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện, hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghiên cứu, xây dựng và đăng tải bài báo khoa học quốc tế, gợi mở những nội dung hợp tác đào tạo thiết thực như việc tổ chức các lớp phương pháp nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng lớp cán bộ trẻ, cán bộ kế cận, gắn đào tạo với hỗ trợ lâu dài, đồng thời đề ra cơ chế cam kết đầu ra sau đào tạo.

TS Nguyễn Thắng (Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), một thành viên chủ chốt trong ban xây dựng Đề án cho rằng với nguồn lực tài chính và thời gian giới hạn, Dự án cần ưu tiên hợp tác và hỗ trợ Học viện trong viện thực hiện các nghiên cứu hành động hơn so với nghiên cứu hàn lâm, đó là hướng đi khả thi và thiết thực. PGS,TS Nguyễn Thắng Lợi (Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đặt vấn đề phối hợp, hỗ trợ Học viện xây dựng Tạp chí khoa học theo chuẩn quốc tế, đây là yêu cầu khách quan và cũng là nhiệm vụ chính trị mà Học viện đặt ra, đề xuất Dự án tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ về lộ trình, quy trình biên tập, phản biện khoa học, thể thức bài viết, phương pháp thực hiện tạp chí quốc tế.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia tại Hội thảo là những đóng góp quý báu, góp phần hoàn thiện khung chương trình, hoạt động, cụ thể hóa tầm nhìn của Dự án và đề nghị các thành viên Ban xây dựng Dự án tiếp thu ý kiến, sớm triển khai Dự án trong thời gian tới.

Minh Ngọc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền