Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học quốc tế “Thủ đô xanh Bắc Âu - lãnh đạo, quản trị, bền vững và đổi mới sáng tạo”
Thứ tư, 24 Tháng 3 2021 16:06
1810 Lượt xem

Tọa đàm khoa học quốc tế “Thủ đô xanh Bắc Âu - lãnh đạo, quản trị, bền vững và đổi mới sáng tạo”

(LLCT) - Nhân kỷ niệm Ngày Bắc Âu, chiều ngày 23-3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan tại Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế trực tuyến “Thủ đô xanh Bắc Âu - lãnh đạo, quản trị, bền vững và đổi mới sáng tạo”.

Toàn cảnh Tọa đàm

Đồng chủ trì tọa đàm có PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đan Mạch; bà Grete Lochen, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Na Uy; ông Kari Kahiluoto Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Phần Lan; bà Ann Mawe, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam.

Dự tọa đàm, về phía các Đại sứ quán có các Phó Đại sứ, Bí thư, cán bộ và chuyên gia của bốn nước Bắc Âu. Về phía Học viện có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Lãnh đạo học và chính sách công, Viện Kinh tế chính trị học; các chuyên gia, nhà khoa học, học viên. Cùng dự có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại diện một số tổ chức của UNESCO tại Việt Nam.

Tọa đàm là hoạt động thường niên nhằm tăng cường hợp tác trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm phát triển giữa Việt Nam với các nước Bắc Âu. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ của các nước Bắc Âu cho Việt Nam trong quá trình phấn đấu đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hợp quốc, đặc biệt là SDG 11 về Phát triển các đô thị toàn diện, an toàn, chống chịu và bền vững.

Phát biểu khai mạc, PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: “Một trong những yếu tố tạo nên thành công cho sự phát triển của Bắc Âu đó là kiên trì theo đuổi mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội”. Mô hình phát triển kinh tế - xã hội của khối Bắc Âu nói chung, đã đạt được những thành tựu to lớn về sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, hệ thống phúc lợi xã hội tiên tiến, bảo vệ môi trường và giữ gìn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đã và đang có giá trị tham khảo hữu ích cho các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ngoài phát triển kinh tế bền vững, các nước Bắc Âu luôn có ý thức xây dựng và gìn giữ, bảo vệ môi trường gắn với xây dựng phát triển đô thị xanh và bền vững. Trong nhiều năm qua, các nước Bắc Âu đều giành được danh hiệu “Thủ đô xanh nhất châu Âu” do Ủy ban châu Âu phong tặng.Trong thập kỷ vừa qua, thủ đô của các nước Bắc Âu bao gồm Copenhagen, Helsinki, Oslo và Stockholm đã đưa ra những quyết định chính trị và hành chính táo bạo để giải quyết các thách thức về đô thị hóa, biến đổi khí hậu và môi trường.

Đại diện bốn nước Bắc Âu phát biểu tại tọa đàm, bà Ann Mawe, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất vui khi được chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm đúc kết từ các nước Bắc Âu và hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm này sẽ hữu ích và truyền cảm hứng cho các đối tác và bạn bè Việt Nam quá trình nỗ lực lãnh đạo đưa đất nước và các thành phố của Việt Nam chuyển đổi theo hướng phát triển xanh và bền vững”.

Trong các phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ các nước Bắc Âu đã tỏ rõ niềm tự hào được là những người bạn lâu năm và những người hỗ trợ mạnh mẽ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội ấn tượng của Việt Nam. Trọng tâm hiện nay là chuyển đổi sang phát triển xanh hơn và bền vững. An ninh kinh tế phải đi đôi với an ninh xã hội và môi trường.

Tại tọa đàm, PGS,TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị trình bày tham luận hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế đổi mới sáng tạo ở Việt Nam: Vai trò của lãnh đạo chính trị trong bối cảnh mới. Tham luận nêu rõ: quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới cho thấy, đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố đóng vai trò cốt lõi thúc đẩy năng lực cạnh tranh, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe con người, giảm bất bình đẳng, tăng trưởng bao trùm, bền vững. Xu hướng mới này yêu cầu sự thể hiện vai trò của lãnh đạo chính trị ngày càng tăng. Do đó, vấn đề của Việt Nam là cần phải sớm hoàn thiện hệ thống thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo.

Về thực trạng tăng trưởng xanh ở Việt Nam, PGS,TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, phân tích các nhân tố tăng trưởng xanh đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội và các đặc điểm tăng trưởng của Việt Nam. Từ đó đưa ra các mục tiêu thực hiện trong thời gian tới, trong đó có nhiệm vụ sớm ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả phát triển bền vững, tăng trưởng xanh để đưa vào bộ tiêu chí quốc gia. Phối hợp với các chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại thông qua đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình quản lý, vận hành tiên tiến; giảm phát thải khí nhà kính; điều chỉnh quy hoạch các ngành sản xuất v.v..

Phát biểu trực tuyến qua điểm cầu tại Đan Mạch, bà Karsten Biering Nielsen, Phó trưởng Ban phụ trách quản lý môi trường và kỹ thuật thành phố Copenhagen cho biết: Copenhagen đặt mục tiêu trở thành thủ đô carbon trung tính đầu tiên trên thế giới vào năm 2025. Theo dự báo, dân số của thành phố sẽ tăng 20% trong thập kỷ tới. Điều này mở ra cơ hội để thành phố chứng minh rằng việc kết hợp tăng trưởng, phát triển, đổi mới, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống với mức phát thải CO2 thấp hơn là hoàn toàn khả thi. Copenhagen đưa ra Kế hoạch Khí hậu đầu tiên của mình vào năm 2009 và đã đạt được mức giảm phát thải CO2 đáng kể. Thành phố cũng ban hành nhiều chính sách môi trường quan trọng như không khí sạch, giảm tiếng ồn, nước uống từ vòi và không gian xanh giúp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân một cách đáng kể.

Tại điểm cầu Na Uy, bà Karine Hertzberg, Cố vấn đặc biệt chính quyền thành phố Oslo tham luận về kinh nghiệm và cách tiếp cận của Oslo trong mục tiêu trở thành thành phố không phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2020, Oslo đã thông qua chiến lược khí hậu mới với mục tiêu chính là tới năm 2020 giảm lượng phát thải của Oslo xuống còn 50% và năm 2030 còn 5% so với mức phát thải của năm 1990, không phải thông qua hình thức mua hạn ngạch khí thải mà bằng cách thực hiện các biện pháp thực sự cắt giảm lượng khí thải. Năm 2017, lần đầu tiên thành phố có một khoản ngân sách dành riêng cho các hoạt động khí hậu và đó là một công cụ quản trị mang tính đột phá. Ngân sách khí hậu là phương tiện hỗ trợ chính quyền thành phố trong việc xác định những lĩnh vực cần cắt giảm phát thải và người chịu trách nhiệm.

Cũng tại điểm cầu Na Uy, bà Jenny Skagestad, Tư vấn viên của Tổ chức phi chính phủ “Môi trường số Không” tham luận về các giải pháp cụ thể cho giao thông xanh trong thành phố. Na Uy là thủ đô của thế giới về xe điện. Thậm chí, xe buýt điện ở Trondheim sạc điện bằng năng lượng dư thừa từ một tòa nhà năng lượng. Từ năm 2022, Oslo sẽ có phà, tàu thuyền chạy bằng điện. Xe tải điện hạng lớn đã xuất hiện ở nhiều nơi. Để làm được điều này, kinh nghiệm của Na Uy là chính quyền thành phố phải mua và sử dụng các dịch vụ và phương tiện giao thông chạy điện; xây dựng các trạm sạc cho mọi loại phương tiện chạy điện; dành các ưu đãi, lợi ích kinh tế và không gian cho các phương tiện chạy điện.

Từ Phần Lan, ông Rikhard Manninem, Trưởng ban Quy hoạch đô thị, thành phố Helsinki cho biết: Helsinki là thành phố đầu tiên ở châu Âu tiến hành “Rà soát địa phương tự nguyện” nhằm đánh giá mức độ phù hợp giữa chiến lược của thành phố và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Rà soát địa phương tự nguyện cho thấy các kế hoạch, chiến lược của thành phố được xây dựng phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững. Ví dụ, Quy hoạch Thành phố Helsinki được phê duyệt trong năm 2016, xác định hướng đi rõ ràng và bền vững cho sự phát triển của thành phố trong khoảng 30 năm. Mục tiêu bao gồm bảo đảm người dân có thể dễ dàng tiếp cận mọi khu vực của thành phố bằng phương tiện giao thông công cộng. Đi bộ và đi xe đạp sẽ được ưu tiên hàng đầu, và cấu trúc đô thị của thành phố phải cho phép người dân tiếp cận các dịch vụ hàng ngày một cách thuận tiện. Cấu trúc đô thị tập trung và giao thông bền vững đóng vai trò quan trọng trong các mục tiêu tham vọng về khí hậu của Helsinki. Mục tiêu của Helsinki là trở thành thành phố carbon trung tính vào năm 2035.

Năm 2010, Stockholm được vinh danh là Thủ đô Xanh châu Âu đầu tiên, nhờ vào những kết quả đạt được trong cắt giảm lượng khí thải carbon và các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Năm 2016, Stockholm đã thông qua mục tiêu không sử dụng năng lượng hóa thạch vào năm 2040. Từ năm 1990 đến nay, thành phố đã cắt giảm 50% lượng khí thải carbon trên mỗi người dân. Đầu tháng 10-2019, Stockholm khởi động sáng kiến có tên gọi “Thỏa thuận Xanh toàn cầu mới” của C40 (mạng lưới các thành phố lớn trên thế giới). Sáng kiến này nhằm tập hợp những thành phố sẵn sàng giảm lượng khí thải carbon phù hợp với mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C được đề ra trong Thỏa thuận chung Paris. 

Trong hai mươi năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và ấn tượng cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam đã dẫn đến những thách thức nghiêm trọng mà các thành phố phải đối mặt như ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông, các vấn đề về quản lý nước, chất thải và chống chịu với biến đổi khí hậu. Kinh nghiệm quản trị và phát triển của các đô thị và thủ đô của các quốc gia Bắc Âu có giá trị tham khảo hữu ích cho Hà Nội và các thành phố lớn của Việt Nam.

M.D

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền