Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tài năng, người con ưu tú của quê hương Hà Nam”
Thứ ba, 13 Tháng 4 2021 10:59
1893 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tài năng, người con ưu tú của quê hương Hà Nam”

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (5-3-1901 - 5-3-2021), chiều 9-4, tại Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tài năng, người con ưu tú của quê hương Hà Nam”.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hà Nam, An Giang, Bạc Liêu; các chuyên gia, nhà khoa học và thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Tiến.

Các đại biểu dự Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến sinh ngày 05-3-1901 trong một gia đình nhà Nho yêu nước, tại làng Lũng Xuyên, tổng Yên Khê, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, quê hương và gia đình, đồng chí sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925. Năm 1927, đồng chí tham gia thành lập Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Hà Nam và được phân công phụ trách tổ chức phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân tại địa phương. Cuối năm 1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 9-1930, đồng chí tham gia thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam và được cử vào Tỉnh ủy.

Tháng 5-1931, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Hà Nội; bị kết án 20 năm khổ sai, 20 năm quản thúc và cuối năm 1933 bị đày ra Côn Đảo. Tháng 4-1936, đồng chí vượt ngục thành công và trở về hoạt động ở các tỉnh miền Tây của Nam Kỳ. Từ tháng 9-1939 đến tháng 3-1940, đồng chí được cử làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Long Xuyên. Tháng 3-1940, đồng chí được điều động về Sài Gòn hoạt động, làm Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ và tham gia Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách cơ quan in ấn của Đảng. Ngày 30-7-1940, Nguyễn Hữu Tiến cùng với đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt tại cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam Kỳ ở Sài Gòn. Ngày 26-8-1941, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù tại Trường bắn Giếng nước (Hóc Môn).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam khẳng định: Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tài năng, người con ưu tú của quê hương Hà Nam” là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự kính trọng, biết ơn các vị tiền bối cách mạng đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước; là hoạt động thiết thực kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, người chiến sỹ cách mạng kiên cường, người con ưu tú của quê hương Hà Nam. Truyền thống quê hương, gia đình là cái nôi hình thành nên nhân cách cao đẹp của đồng chí: yêu nước, cương trực, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa. Hà Nam cũng là nơi ghi dấu những bước đầu tiên tham gia cách mạng và sự trưởng thành trong tranh đấu của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, từ một thanh niên yêu nước, trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên của tỉnh Hà Nam. Tự hào học tập, noi theo tấm gương về ý chí, lý tưởng, sự  hy sinh quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tài năng Nguyễn Hữu Tiến; phát huy truyền thống tốt đẹp quê hương, tiếp nối sự nghiệp cách mạng của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đã vượt qua khó khăn góp sức người, sức của vào thành công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; tích cực thi đua lao động sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng Hà Nam phát triển nhanh, bền vững.

Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo tiền bối kiên trung, bất khuất, hy sinh khi mới 40 tuổi. Đồng chí đã trọn đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tương lai tươi sáng của đất nước; tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản, với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; luôn giữ vững ý chí, niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng; là tấm gương ngời sáng, mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản.

Trong những thời điểm đầy khó khăn, thách thức, đặc biệt là hai lần bị thực dân Pháp bắt ở Hà Nội và ở Sài Gòn, dù bị các cực hình tra tấn hết sức tàn bạo và man rợ, song đồng chí vẫn giữ vững khí tiết kiên cường, bất khuất của người cộng sản trước kẻ thù, cương quyết không khai báo về tổ chức. Trong chốn lao tù đế quốc, đồng chí vẫn giữ vững tinh thần cách mạng và tham gia tổ chức đấu tranh chống lại chế độ lao tù tàn bạo, đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt cho các tù nhân; đồng thời tuyên truyền, động viên tinh thần cách mạng của các chiến sĩ cộng sản. Đồng chí tích cực tham gia đọc sách báo, học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận và tư tưởng chính trị, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ (diễn kịch, thi thơ, bình văn …). Đồng chí đã góp phần cùng các chiến sĩ cộng sản khác biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng, để tôi luyện, nâng cao bản lĩnh và khí tiết của người cộng sản, vững vàng niềm tin để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi.

Những ngày trong xà lim ở Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến thể hiện rõ tinh thần kiên trung, bất khuất, lạc quan cách mạng, truyền đạt lý luận cách mạng cho một số anh em bạn tù. Trước lúc hy sinh, đồng chí đã gửi lại anh em đồng chí những câu thơ tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng: “Anh em đi trọn con đường nhé /Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”. Tại pháp trường, đồng chí vẫn giữ vững tinh thần hiên ngang, bất khuất. Cùng với các đồng chí khác, đồng chí đã hô vang các khẩu hiệu cách mạng phản đối chế độ thực dân phản động và khẳng định tương lai tất thắng của sự nghiệp cách mạng. Đồng chí đã đấu tranh oanh liệt với kẻ địch đến hơi thở cuối cùng, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ cộng sản và nêu tấm gương sáng cho các thế hệ cách mạng học tập, noi theo.

Tham luận tại Hội thảo, đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Nam nhấn mạnh: Cờ đỏ sao vàng - tâm huyết, khát vọng, niềm tin chiến thắng mà đồng chí Nguyễn Hữu Tiến để lại đã giương cao, dẫn đầu các phong trào cách mạng ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đảng bộ Hà Nam đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 24-8-1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Hà Nam cùng quân dân cả nước đoàn kết chiến đấu, củng cố hậu phương, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù.

Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, nhiều người con của Hà Nam đã lên đường vào Nam chiến đấu mang theo hình ảnh người cộng sản tiền bối Nguyễn Hữu Tiến (tiểu đoàn Nguyễn Hữu Tiến, đoàn quân Nguyễn Hữu Tiến)... Quân và dân Hà Nam đã vượt qua mọi khó khăn khôi phục và phát triển kinh tế, chống lại đế quốc Mỹ xâm lược, vừa đóng góp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt” quân và dân trong tỉnh Hà Nam đã kiên cường chiến đấu. Cùng với việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, Hà Nam còn tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều người con của quê hương Hà Nam đã anh dũng hy sinh, hình ảnh 10 cô gái dân quân tuổi còn rất trẻ, trực tiếp chiến đấu và anh dũng hy sinh trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ và rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất Hà Nam, cũng như trên khắp các chiến trường miền Nam đã trở thành những bông hoa thép, những tượng đài bất tử trong lòng các thế hệ người dân Hà Nam.

Viết tiếp những trang sử vẻ vang, noi gương thế hệ cha ông, học tập tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Hữu Tiến, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, tập trung thực hiện tốt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 30 tham luận của các đại biểu, nhà nghiên cứu với nhiều thông tin tư liệu sống động về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến. Các tham luận tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến trên nhiều phương diện, chủ yếu như: Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình - cái nôi hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, nhiệt huyết, hình thành chí khí cách mạng của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến; Những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến trong quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc; Hoạt động và đóng góp của đồng chí với phong trào cách mạng các tỉnh miền Tây Nam Kỳ; Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến – người con ưu tú của quê hương Hà Nam, v.v..

Các tham luận và ý kiến phát biểu đã đi sâu phân tích ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình, truyền thống yêu nước hình thành ý chí cách mạng của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, truyền thống quê hương văn hiến là nền tảng ban đầu để đồng chí Nguyễn Hữu Tiến từ một thanh niên có chí khí, hoài bão đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng trở thành người cộng sản kiên trung bất khuất hiến dâng trọn đời cho cách mạng và dân tộc. Nhiều bài viết khẳng định những đóng góp quan trọng và to lớn của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cho cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh Hà Nam.

Đặc biệt nhiều bài viết đã khẳng định đồng chí Nguyễn Hữu Tiến có nhiều đóng góp to lớn với cách mạng Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng. Một số tham luận đã đi sâu phân tích, đánh giá vai trò của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và sự ra đời của lá Quốc kỳ Việt Nam. Thực hiện chủ trương tiến hành khởi nghĩa vũ trang của Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng với các đồng chí trong Xứ ủy chỉ đạo và tổ chức thiết kế lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Lá cờ lần đầu tiên xuất hiện trong khởi nghĩa Nam Kỳ biểu dương tinh thần quật khởi và khát vọng dân tộc của khối đoàn kết toàn dân tộc; cùng những vần thơ ý nghĩa: “Hỡi những ai máu đỏ da vàng / Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc / Nền cờ thắm - Máu đào vì nước / Sao vàng tươi - Da của giống nòi / Đứng lên mau! Hồn nước gọi ta rồi / Hỡi sĩ, nông, công, thương, binh / Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”.

Phát huy truyền thống cách mạng, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ, cứu nước, nhiều người con Hà Nam đã lên đường vào Nam chiến đấu, mang theo hình ảnh người cộng sản tiền bối Nguyễn Hữu Tiến. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển hôm nay, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam đã, đang phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tấm gương của những người con ưu tú, trong đó có đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, xây dựng quê hương phồn vinh.

Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, người chiến sỹ cách mạng tiền bối đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Đồng thời, bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của đồng chí cho cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam.

 

BBT (tổng hợp từ nhandan.com.vn, hcma, baohanam)

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền