Trang chủ    Tin tức    Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 08/8/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 23 Tháng 4 2021 15:11
2777 Lượt xem

Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 08/8/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Sáng ngày 22/4/2021, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 08/8/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì Hội nghị. Cùng chủ trì có PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Dự Hội nghị, về phía các ban, bộ, ngành Trung ương có đại diện: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Giám đốc, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện; thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 05 Học viện trực thuộc gồm Học viện Chính trị khu vực I, II, III, IV, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; các điểm cầu tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. 

Toàn cảnh Hội nghị

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; xuất phát từ điều kiện thực tiễn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, ngày 08/8/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 145-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Về cơ cấu tổ chức, Học viện có 33 đơn vị trực thuộc, gồm: 10 vụ, đơn vị chức năng; 18 viện nghiên cứu, giảng dạy và thông tin, xuất bản; 05 học viện trực thuộc.

Ngay sau khi có Quyết định số 145-QĐ/TW, ngày 31/8/2018, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị (trực tuyến) triển khai Quyết định. Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện trực tiếp chủ trì, quán triệt đến toàn thể các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện, đại diện lãnh đạo các đơn vị, các Học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, các đơn vị trực thuộc Học viện nghiêm túc quán triệt triển khai Quyết định số 145-QĐ/TW; các cấp ủy đảng, lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống Học viện đều ý thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ mà Quyết định số 145-QĐ/TW đã nêu, nhất là nhiệm vụ quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện các chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức của từng đơn vị và toàn Học viện.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 08/8/2018 của Bộ Chính trị, Học viện tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với chủ trương giảm cấp trung gian, cấp phòng ban, không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ; đồng thời tăng cường nhân lực các chuyên ngành khoa học lý luận chính trị. Số phòng, ban tại Trung tâm Học viện, giảm từ 134 đơn vị xuống còn 16 đơn vị; số lượng khoa, ban, phòng tại các Học viện trực thuộc giảm từ 123 đơn vị xuống còn 112 đơn vị. Ưu điểm nổi bật của sắp xếp tổ chức bộ máy là đồng bộ việc chia, tách, hợp nhất bộ phận, đơn vị; từng bước xác định rõ vị trí việc làm của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo, mối quan hệ phối hợp công tác giữa các đơn vị ngày càng rõ hơn.

Sau 2,5 năm thực hiện Quyết định số 145-QĐ/TW, về cơ bản, các mặt công tác của Học viện đã có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị; khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực của Học viện cho quá trình phát triển.

Học viện đã tiến hành đổi mới mạnh mẽ các nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng bồi dưỡng cập nhật kiến thức và bồi dưỡng theo chức danh. Các chuyên đề, bài giảng được bổ sung kịp thời các nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thường xuyên cập nhật những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và các vấn đề thời sự trong nước, quốc tế có ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước. Nội dung chương trình các lớp bồi dưỡng chức danh được xây dựng một cách khoa học, phù hợp với điều kiện và tình hình của từng lớp, phát huy được trí tuệ tổng hợp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Quy mô đào tạo, bồi dưỡng được điều chỉnh theo hướng đa dạng hóa các loại hình đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tiễn của Học viện. Phương pháp dạy và học tiếp tục được đổi mới theo hướng tăng cường tương tác, phát huy tính chủ động sáng tạo của người học. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động học tập và rèn luyện của học viên.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, Học viện đã tổ chức nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các báo cáo chắt lọc, kiến nghị thể hiện tiếng nói, quan điểm và đóng góp của Học viện, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, hoan nghênh, đánh giá cao và góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách kịp thời, sát hợp với tình hình diễn biến của thực tiễn đất nước. Từ năm 2018 đến nay, Học viện đã tích cực, chủ động chắt lọc kết quả nghiên cứu và xây dựng hơn 40 báo cáo kiến nghị chính sách gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các Tiểu ban soạn thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; tổ chức xây dựng hàng chục bản báo cáo kiến nghị cho ban, bộ, ngành, địa phương, v.v..

Đối với công tác các trường chính trị, trên cơ sở vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được Bộ Chính trị giao trong Quyết định số 145-QĐ/TW, Học viện đã tiến hành đổi mới đồng bộ công tác xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm “cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại”; Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, hướng dẫn các trường chính trị thực hiện các quy chế, quy định của Học viện liên quan trực tiếp đến chuyên môn. Tham mưu xây dựng dự thảo Quy định của Ban Bí thư về tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn. Ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo và Quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Học viện đặc biệt quan tâm phối hợp với tỉnh ủy, thành ủy triển khai thực hiện công tác trường chính trị; thường xuyên theo dõi, đôn đốc một cách quyết liệt các trường chính trị thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan Trung ương có liên quan hướng dẫn và thống nhất quản lý tốt việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; chú trọng hoàn thiện quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh, góp phần quan trọng giúp các trường chính trị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư, mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhiều trường có chuyển biến rõ nét. Trong hơn 02 năm qua, Học viện đã có ý kiến về "tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" đối với 12 tỉnh ủy, thành uỷ trong thực hiện quy trình bổ nhiệm nhân sự vào chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường chính trị.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các ý kiến đều khẳng định tính đúng đắn, phù hợp, cần thiết của Quyết định số 145/QĐ-TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho Học viện phát triển. Trong quá trình thực hiện Quyết định 145-QĐ/TW, Học viện luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các Tỉnh uỷ, Thành uỷ đã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện và phối hợp để Học viện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Lãnh đạo Học viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 145/QĐ-TW, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cách thức quản lý điều hành nhằm phát huy các nguồn lực, nâng cao chất lượng các mặt công tác. Nhờ đó Học viện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, tạo tiền đề, nguồn lực và vị thế cho sự phát triển của Học viện trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tham luận tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu đề nghị, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu công tác, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhiệm vụ chính trị, trong điều kiện không được tăng biên chế chung, Học viện cần có phương án phân bổ biên chế của Trung tâm Học viện và các Học viện trực thuộc. Việc xác định vị trí việc làm đã và đang được thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa thực sự xác định rõ nội dung công việc, việc làm ở từng vị trí cụ thể, nhất là ở khối các đơn vị chức năng, vì vậy, đề nghị sớm ban hành hướng dẫn cụ thể. Đồng thời cần tiếp tục rà soát trong sắp xếp bộ máy ở một số đơn vị đảm bảo tính thống nhất. Đối với Trung ương, các tham luận đề nghị cần được vận dụng cơ chế đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Học viện; đề nghị ban hành quy định về việc giảng viên lý luận chính trị của các cơ sở đào tạo trong cả nước phải tốt nghiệp khoá đào tạo giảng viên lý luận chính trị tại Học viện. Đề nghị được đầu tư về cơ sở vật chất tương xứng với vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của Học viện. Hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất của Học viện còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các tham luận cũng đề nghị cần khai thác, phát huy hiệu quả toàn bộ nguồn lực của trường chính trị tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, Nhà nước. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành ủy sớm xây dựng dựng, ban hành thông qua Đề án Trường chính trị chuẩn và lộ trình thực hiện, v.v...

Phát biểu kết luận Hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh lại ý nghĩa, tầm quan trọng của Quyết định 145-QĐ/TW đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện trong bối cảnh mới. Quyết định 145-QĐ/TW xác định rõ Học viện là đơn vị trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư – đây là điểm mới xuyên suốt việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Học viện so với các quyết định trước đây. Quyết định 145-QĐ/TW xác định rõ vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Học viện với cơ cấu tổ chức thể hiện được sắc thái, bản chất, đặc trưng của Học viện – Trường Đảng Trung ương.

Đồng tình các ý kiến tham luận, đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: việc triển khai thực hiện Quyết định 145-QĐ/TW một lần nữa khẳng định chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Sau 2,5 năm thực hiện Quyết định 145-QĐ/TW, Học viện đã đạt đựơc nhiều kết quả quan trọng, toàn diện,.

Trong thời gian tới, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu, với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Gương mẫu - Sáng tạo - Hiệu quả”, Học viện cần phát huy sức mạnh của toàn hệ thống trong thực hiện Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 08/8/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Chủ động, tích cực vận dụng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện lần thứ III của Học viện trong việc thực hiện Quyết định số 145-QĐ/TW. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Quyết định số 145-QĐ/TW trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với chủ trương không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ.

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tới năm 2030 theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong điều kiện mới. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giảng viên trẻ. Phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách khoa học, chuyên sâu, kịp thời, bám sát đặc thù của Học viện. Tăng cường luân chuyển, biệt phái, cử đi nghiên cứu thực tế để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường nhân lực các chuyên ngành khoa học lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Triển khai có hiệu quả đề án: “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; Xây dựng Đề án "Xây dựng Chiến lược cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2045", v.v..

Đại diện Học viện Chính trị khu vực II tham luận tại Hội nghị

Đại diện Vụ Quản lý đào tạo tham luận tại Hội nghị

Đại diện Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc tham luận tại Hội nghị

BBT (nguồn: HCMA)

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền